Khó phân loại rác tại nguồn, có trường hợp gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ… là một trong vô số hệ lụy phát sinh từ “ống đổ rác” tại không ít các chung cư hiện nay.
Trăm thứ rác đổ vào một “ống”
Đặc thù các chung cư trên địa bàn Hà Nội đều cao từ 10 tầng trở lên, cá biệt có những tòa nhà lên tới 30 – 40, thậm chí, hơn 40 tầng với hàng nghìn người sinh sống. Khối lượng rác thải cần thu gom hàng ngày ước tính lên đến hàng tấn. Khảo sát một loạt chung cư ở Hà Nội như các tòa chung cư Khu đô thị (KĐT) Văn Quán, Linh Đàm, Kim Văn – Kim Lũ, chung cư Viện Bỏng, KĐT Xa La, Cầu Bươu… Chúng tôi nhận thấy, hệ thống thu gom rác ở các nhà chung cư này đều được bố trí theo hình ống (hố) đứng; rác ở mỗi tầng được thu gom qua ống này vào nhà gom rác tại tầng 1 hoặc tầng hầm của tòa nhà.
Chia sẻ với nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Hồng Hải, cư dân chung cư CT1A – KĐT Xa La (Hà Đông) cho biết, bất kể lúc nào, người dân có thể mang rác ra vứt trôi theo đường ống, xả thẳng xuống hầm thu chứa rác ở tầng trệt khu chung cư. Hầm chứa tất cả các loại rác từ thực phẩm, túi ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh… Sau đó, mỗi buổi sáng sớm, nhân viên dọn vệ sinh đến đổ tất cả rác vào xe gom và mang ra xe vận chuyển theo đường của “hầm gửi xe”.
Theo ông Bùi Hồng Hải, thiết kế ống đổ rác thông tầng rất thuận tiện cho cư dân sinh sống trong tòa nhà. Người dân chỉ cần cho rác vào túi và vứt xuống theo đường ống chứ không phải trực tiếp xách bịch rác từ tầng cao mang xuống. Hơn nữa, thời gian đổ rác tùy ý trong cả ngày, tức là bất cứ lúc nào, bất kể thời gian nào cũng có thể đổ rác, chỉ tránh những giờ công nhân thu gom rác dưới hầm chứa. Ngoài ra, cách làm này cũng tốn ít tiền quản lý nhân sự.
Hệ lụy đã rõ
Bức xúc trước vấn nạn rác thải trong chung cư, chị Phạm Bích Trà, CT5B Tân Triều (Thanh Trì) chia sẻ, rác thải từ họng rác của khu chung cư ngày đêm tỏa mùi hôi lan theo hành lang và xông thẳng vào trục căn hộ gần “hố rác”, sau đó, mùi hôi lan tỏa ra các căn hộ kề bên. Đặc biệt, khu chứa rác ở hầm gửi xe lúc nào cũng bốc mùi khiến người dân mỗi lần xuống gửi hay lấy xe đều phải bịt mũi vì khó chịu.
“Mặc dù, có hệ thống hút mùi, công nhân vệ sinh môi trường có dọn rửa hầm chứa rác sau mỗi lần thu gom, phun hóa chất diệt côn trùng định kỳ, nhưng không thể xử lý triệt để. Trong khi đó, không có cách nào vệ sinh ống rác sạch sẽ hàng ngày khiến tình trạng vẫn tiếp diễn. Điều đó, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em”, chị Trà bày tỏ.
Nghiêm trọng hơn, việc vứt tất cả mọi thứ chung như vậy còn gây nguy cơ về hỏa hoạn, biến hầm chứa rác thành nơi lây lan dịch bệnh cho cả tòa nhà. Thậm chí, nếu rác có lẫn pin khi vứt với lực mạnh va đập có thể gây cháy nổ…
Câu chuyện phân loại rác tại nguồn được cả xã hội quan tâm, chính quyền các cấp kêu gọi. Nhưng với “ống rác” như vậy, có lẽ việc phân loại rác ở đây vô cùng khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hà – Trưởng Ban Quản trị chung cư CT2A, KĐT Văn Quán (Hà Đông) cho hay, các gia đình dù có phân loại tại nhà nhưng cho vào một ống rác chung xuống lại “tung tóe, lẫn lộn” trong hầm chứa rác, sau đó, công nhân thu gom “bốc” cả lên xe chở rác thì cũng thành “công cốc”.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường