Tính đến cuối tháng 4/2020, thống kê sơ bộ tại một số cảng của TP.HCM đã tồn động đến hơn 2.100 container phế liệu (trên 90 ngày chưa thông quan), được đưa vào nhóm kiểm kê, phân loại, trong đó khoảng 70% là rác phế liệu chủ yếu nhập khẩu qua cảng Cát Lái (Q.2).
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1, số lượng phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái lên đến hơn 2.000 container. Đáng chú ý, nhiều lô hàng trong số này đều bị chủ hàng từ bỏ không nhận, trì hoãn hoặc né tránh cơ quan Hải quan.
Ngành Hải quan TP.HCM xử lý đối với 70% container hàng tồn đọng là phế thải. Trong số này, tính đến cuối tháng 4/2020 có tới hơn 1.100 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu theo các quy định hiện hành. Số phế liệu này được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 báo cáo, phân loại đa số là phế thải màng nhựa, bao bì các loại, tạp chất, vỏ xe cũ, rác thải… Do để tồn đọng nhiều tháng trời tại các kho, bãi cảng đã phát sinh mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM cũng cảnh báo số container là phế thải nhựa (trên 400 công) có mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, Cục Hải quan TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu các cảng biển trên địa bàn TP.HCM thực hiện nghiêm việc không tiếp nhận phế liệu nhựa nhập khẩu, để xử lý lượng tồn kho lưu bãi hiện nay.
Cho đến nay, Chi cục cũng đã thống kê danh sách khoảng trên 10 hãng tàu có liên quan đến quá trình vận chuyển số container phế liệu không đạt chất lượng nhập khẩu và quy định; không đủ Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất về cảng Cát Lái. Đồng thời, đến thời điểm hiện tại, Cục Hải quan TP.HCM vẫn đang tiếp tục tìm cách tháo gỡ, xử lý đối với trên 2.000 container phế liệu tồn đọng, trong đó đã tổ chức lập hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái (Q.2).
Theo Đại Đoàn Kết