Khánh thành dự án cầu Cao Lãnh và tuyến nối dài cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống

29/05/2018 10:15

(6)


Ngày 27/5/2018, tại xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ khánh thành và thông xe dự án xây dựng cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng MêKông. Song song chương trình khánh thành cầu Cao Lãnh còn có các hoạt động thể hiện tình hữu nghị 45 năm quan hệ ngoại giao Việt – Úc với chủ đề: “Kết nối cộng đồng – gắn kết tương lai”. 

Lễ khánh thành cầu Cao Lãnh

Được khởi công xây dựng từ năm 2013, sau gần 4,5 năm thi công, công trình dự án cầu Cao Lãnh đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu nhà nước chấp thuận nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng chi phí xây dựng khoảng 7.500 tỷ đồng. Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (tiền thân là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận) là đại diện chủ đầu tư của dự án, được tư vấn thiết kế và giám sát thi công là Liên danh tư vấn quốc tế CDM SMITH Inc (Mỹ) – WSP FINLAND Limited (Phần Lan) – YOOSHIN Engineering Corporation (Hàn Quốc).

Lãnh đạo TP Cao Lãnh phát biểu tại Đêm hoà nhạc hữu nghị Việt – Úc

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền có chiều dài 2,01km và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống dài 21,45km đi qua địa phận huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km về phía thượng lưu, được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 350m, chiều cao thông thuyền 37,5m, trụ tháp chính hình chữ H cao 123,4m, mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m gồm 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80Km/h.

Chương trình Đại nhạc hội hữu nghị Việt – Úc

Ông Phan Văn Thương, Phó Bí thư – Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh, cho biết, dự án cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP.HCM. Sau khi đưa vào khai thác và sử dụng, công trình sẽ nối liền hai bờ sông Tiền trên địa phận tỉnh Đồng Tháp, đáp ứng mong mỏi bao năm của người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung và người dân Đồng Tháp nói riêng.

Bên cạnh đó, dự án kết nối cùng với tuyến đường N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đang thi công, hình thành nên trục giao thông quan trọng kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ, từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường bảo đảm quốc phòng – an ninh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ban nhạc đến từ Úc biểu diễn tại đêm nhạc hội

Bên lề việc thông cầu Cao Lãnh, chương trình đại nhạc hội hữu nghị Việt – Úc nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh dự án cầu Cao Lãnh cũng như gắn kết cộng đồng nhân dân tại tỉnh Đồng Tháp cũng được tổ chức. Đây là sự kiện văn hóa mang một dấu mốc quan trọng để có thể chia sẻ và trải nghiệm những nét đặc trưng cũng như niềm tự hào của hai nền văn hóa Việt Nam và Australia.

Thông qua chương trình đại nhạc hội hữu nghị Việt – Úc, Ban Tổ Chức muốn gửi đến thông điệp công trình cầu Cao Lãnh như là biểu tượng trường tồn của tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Australia.

Với chủ đề chính của buổi hòa nhạc đó là “Kết Nối Cộng Đồng – Gắn Kết Tương Lai”, chương trình muốn thể hiện công trình cầu Cao Lãnh như là một biểu tượng gắn liền với một tương lai tươi sáng khi đã góp công trong việc kết nối cộng đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

PHƯỚC NGỌC

Đọc thêm

lên đầu trang