Phát biểu tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh: so với đợt giám sát lần trước (tháng 5-2019) tiến độ đến thời điểm này chưa có gì mới, mặt dù Công ty Trung Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện những công việc như đã cam kết trước đây.
Ngày 13/11, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cùng các sở ban ngành đã có buổi giám sát tiến độ thi công dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư) nhằm đánh giá tiến độ, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 – chủ đầu tư dự án Nguyễn Tâm Tiến cho biết, sau khi UBND TP.HCM cho phép tái khởi động dự án, hiện tại tất cả các hạng mục chính đã triển khai, tiến độ đạt 76%. Tổng giá trị thực hiện dự án khoảng 6.000/9.566 tỷ đồng. Cụ thể, cống Bến Nghé đạt 77%, cống Tân Thuận đạt 60%, cống Phú Xuân đạt 69%, cống Mương Chuối đạt 82%, cống Cây Khô đạt 66%, cống Phú Định đạt 65%. Về tiến độ đê – kè đạt 65%, dự kiến hoàn thành trong 2020. Đến thời điểm này giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng gần 72 tỷ đồng. Chủ đầu tư kiến nghị HĐND TP thông qua kế hoạch vốn ghi cho dự án năm 2020 để hoàn trả cho dự án.
Giải đáp chất vấn của các đại biểu về hiệu quả sau khi dự án hoàn thành, ông Nguyễn Tâm Tiến xác định rõ 4 mục tiêu quan trọng của dự án là: Chống ngập do triều; điều tiết mực nước kênh rạch; cải tạo cảnh quan, cải thiện môi trường; đảm bảo giao thông thủy. Kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực trung tâm TPHCM, phía bờ hữu sông Sài Gòn. Dự án hoàn toàn kiểm soát triều cường từ sông lớn, kể cả triều biển dâng cho khu vực nội đô thành phố là nhiệm vụ tối quan trọng của dự án.
Cụ thể, khi đi vào hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hoá bằng hệ thống SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh rạch của hơn 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp sông ngòi, kênh rạch của thành phố. Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự động cập nhật cho các trung tâm điều hành dự án để các nhân viên vận hành thực hiện đóng mở các van ngăn triều hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng mở khi thông số mực nước ở trình trạng cảnh báo của triều cao.
Chủ động điều tiết hạ thấp mực nước kênh rạch, thông qua hệ thống các trạm bơm được lắp đặt tại các cống kiểm soát triều. Trong tình huống cực đoan nhất là khi mưa lớn, kết hợp triều cao, hệ thống quan trắc phát tín hiệu cảnh báo và các van cống bắt đầu đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch.
Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm ngập còn phải dựa vào nhiều yếu tố chứ dự án sau khi đưa vào vận hành chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa được. Theo chủ đầu tư, trong những tháng gần đây, UBND TP.HCM chỉ đạo quyết liệt các đơn vị sở, ngành liên quan để giải quyết vấn đề này cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện huyện Nhà Bè chưa di dời, bàn giao mặt bằng.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng, huyện Nhà Bè cùng chủ đầu tư nghiên cứu, khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Về việc bàn giao mặt bằng, các quận huyện cam kết bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án, như đã cam kết với Bí thư Thành ủy nhưng đến nay vẫn chưa xong. Đặc biệt, dự án có hoàn thành đúng như cam kết hay không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn. Vì vậy, các sở ngành liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục để TP gửi Ngân hàng Nhà nước sớm tái cấp vốn cho dự án.
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh: so với đợt giám sát lần trước (tháng 5-2019) tiến độ đến thời điểm này chưa có gì mới, mặt dù Công ty Trung Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện những công việc như đã cam kết trước đây. Ghi nhận những cố gắng của các đơn vị sở ngành, quận huyện đến nay cơ bản đã bàn giao mặt bằng chỉ còn huyện Nhà Bè còn vướng, chưa bàn giao. Mặt dù lãnh đạo huyện Nhà Bè cũng đã cam kết nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong, huyện cần rút kinh nghiệm trong công tác giải phóng bàn giao mặt bằng. Vì vậy khả năng hoàn thành dự án như chủ đầu tư cam kết là khó vì huyện hứa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 6-2019 và chủ đầu tư cũng hứa tháng 6-2020 dự án cơ bản hoàn thành nhưng hiện tại vẫn còn ngổn ngang. Chậm ngày nào lãi phát sinh càng lớn, không chủ đầu tư nào muốn dự án kéo dài như vậy.
Một vấn đề nữa, các thủ tục quy trình tái cấp vốn chậm gây ảnh hưởng rất nhiều để triển khai các phần việc tiếp theo. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị, các đơn vị, cơ quan chức năng, sở ngành có liên quan khẩn trương tham mưu UBND TP để hoàn tất quy trình thủ tục để kiến nghị các bộ ngành thẩm định và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm tái cấp vốn. Đặc biệt, Sở KH-ĐT khẩn trương rà soát, kiểm tra lại các khâu thủ tục liên quan tham mưu UBND TP thực hiện đúng quy định pháp luật để Ngân hàng Nhà nước sớm tái cấp vốn để thực hiện dự án.
Ngoài ra, HĐND TP thông qua một khoản kinh phí tương đối lớn 2.700 tỷ đồng để bố trí vốn năm 2020 để TP trả tiền gốc và lãi theo hợp đồng của dự án, cần khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục trình sớm theo đúng quy trình thủ tục.
Về phía chủ đầu tư, Công ty Trung Nam cần khẩn trương bàn với huyện Nhà Bè, UBND TP để có phương án tính toán nguồn kinh phí giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng tại huyện này. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy như thủ tục phải thực hiện lại mới hoàn toàn, dự án tiếp tục chậm trễ. Về khâu vận hành công trình, các đơn vị liên quan khẩn trương trình đề án để UBND TP có hướng giải quyết.
Theo SGGP