Theo một báo cáo mới được công bố bởi công ty nghiên cứu thị trường Ipsos (Pháp), hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam mỗi năm và chỉ có 27% túi nhựa được tái chế. Cùng với đó, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành “bãi rác toàn cầu”, với lượng rác thải nhựa nhập khẩu tăng 200% trong năm 2018.
Phân tích từ Ipsos được rút ra từ kết quả nghiên cứu trực tuyến toàn cầu với hơn 17.000 người tham gia và 3.900 cuộc phỏng vấn chọn lọc tập trung trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Ông Quách Tấn Phong, giám đốc bộ phận tư vấn kinh doanh Ipsos Việt Nam dẫn chứng số liệu từ báo cáo, tiêu thụ nhựa Việt Nam bình quân đầu người tăng đáng kể từ 3,8kg lên 41kg trong giai đoạn 1990-2015 (tăng 10% mỗi năm liên tục) khiến chất thải nhựa ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam mỗi năm và chỉ có 27% túi nhựa được tái chế.
“Đến năm 2050, biển Việt Nam có nguy cơ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cả cá nếu không có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn tình trạng này”, ông Quách Tấn Phong nói và kỳ vọng vào mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra khi loại bỏ nhựa sử dụng một lần bằng cách cấm túi nhựa sử dụng một lần tại tất cả các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống vào năm 2021 và trên cả nước vào năm 2025.
Tại khu vực ASEAN, chất thải nhựa là một vấn đề đang gia tăng và là mối lo ngại ngày càng tăng đối với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng đang yêu cầu hành động, kêu gọi chia sẻ trách nhiệm từ chính phủ, các nhà sản xuất cũng như từ các khối ngành công nghiệp để chứng minh sự thay đổi thực sự trong việc xử lý chất thải nhựa và phát triển bao bì sản phẩm bền vững hơn.
Giám đốc khách hàng của Ipsos tại Châu Á Thái Bình Dương, ông Gordon Milne cho rằng, chất thải nhựa và tính bền vững của bao bì nhựa là những vấn đề thương mại và môi trường toàn cầu quan trọng.
Trong khi hơn 1/2 (55%) người tiêu dùng được khảo sát coi chất thải nhựa là một vấn đề nghiêm trọng, thì 1/3 (33%) nói rằng họ không thể làm gì nếu không có chai nước bằng nhựa – mặc dù họ thể hiện sự ưa thích mạnh mẽ đối với các vật liệu thay thế như nhựa sinh học.
Ngoài ra, 41% cho rằng giải pháp khả thi nhất để giảm các vấn đề môi trường do nhựa tạo ra là sử dụng nhựa sinh học có thể phân hủy.
Thay đổi thói quen của người tiêu dùng xung quanh việc sử dụng túi nhựa là một thách thức toàn cầu và người tiêu dùng tại khu vực ASEAN tin rằng trách nhiệm giảm số lượng bao bì không cần thiết phải được chia sẻ.
“Thời điểm hiện tại chính là giây phút quyết định đối với các nhãn hàng để nắm bắt cơ hội tận dụng tính bền vững của bao bì như một tài sản thương hiệu bổ sung và tạo nên sự khác biệt”, ông Gordon Milne chia sẻ.
Theo Đầu Tư