Sáng 13/9, tại TP.HCM, Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức – Văn phòng đại diện tại Việt Nam tổ chức buổi giới thiệu triển lãm ngành bao bì và hội chợ – INTERPACK 2020. Hội chợ triển lãm INTERPACK 2020 sẽ diễn ra từ ngày 05 đến ngày 13/5/2020 tại trung tâm triển lãm Dusseldorf, CHLB Đức.
Được xem là sự kiện về chuyên ngành sản xuất bao bì và quy trình đóng gói hàng đầu thế giới, INTERPACK 2020, bao gồm 18 sảnh triển lãm cũng như các diện tích trưng bày ngoài trời, dự kiến có khoảng 3.000 nhà triển lãm đến từ 60 nước trên thế giới tham gia trưng bày tại hội chợ. Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng sẽ tham gia một gian hàng cho các doanh nghiệp trong nước với diện tích khoảng 50-60 m2.
Trọng tâm của INTERPACK 2020 là trưng bày các giải pháp cho ngành bao bì, ngành công nghiệp chế biến có liên quan như ngành thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ phi thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp. Đồng thời, INTERPACK 2020 cũng tìm kiếm giải pháp công nghệ để giải quyết ô nhiễm từ sản phẩm nhựa và bao bì nhựa.
Ngành công nghiệp bao bì thế giới và tại Việt Nam vẫn đang có bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, sản phẩm hàng hóa và đặc biệt là trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tỉ lệ thất thoát hao hụt sau thu hoạch rất lớn, có khi đến trên 40%, chỉ vì bao bì đóng gói không đạt chất lượng khiến bị hư hỏng, nấm mốc… Thế nhưng, những bao bì có thể đảm bảo được việc bảo quản, giám chi phí hiện nay lại là các dạng bao bì nhựa, do vậy trước những phản ứng tẩy chay các loại sản phẩm nhựa dùng một lần, ngành bao bì gặp không ít khó khăn.
Tại buổi giới thiệu, Giám đốc Công ty Công nghệ hoá nhựa Bông Sen – Nguyễn Như Khuê, cho biết cần tìm kiếm giải pháp công nghệ để giải quyết ô nhiễm từ sản phẩm nhựa cũng như tìm hướng đi khả thi nhất cho nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ở Việt Nam, hiện đang lẫn lộn giữa bao bì túi nylon phân hủy sinh học với túi nylon tự hủy chưa được nhận diện và giám sát kỹ có thể gây hậu quả xấu cho môi trường về sau này.
Ông Nguyễn Như Khuê nói rõ, các loại túi nylon tự hủy hiện nay có thể được trộn thêm các loại tinh bột, do vậy khi vứt ra môi trường nó có thể bị phân rã. Đó là chưa kể, nếu có thu hồi thì việc việc tái chế cũng rất khó khăn và tốn kém. Thế nhưng, nguy hại là khi phân rã các loại túi nylon tự hủy thì các vi hạt nhựa không phân hủy và chỉ tan rã rồi lẫn vào đất và môi trường. Không kiểm soát được điều này chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm vi hạt nhựa mà khả năng kiểm soát và xử lý khó khăn hơn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Minh Thy, cũng khẳng định rằng túi tự “phân hủy” hay phân hủy “sinh học” rất dễ gây nhầm lẫn. Theo đó, người sử dụng dễ dàng yên tâm rằng mình đang có một lựa chọn thân thiện với môi trường mà quên đi rằng việc giảm sử dụng và phân loại chúng mới là quan trọng nhất. Và dù nó là chất liệu nhựa hay gì khác, cách sử dụng tốt nhất là hãy dùng đi dùng lại. Chiếc túi dùng nhiều lần khi đi mua sắm, mới chính là chiếc túi “xanh” nhất.
Ông Nguyễn Như Khuê cho rằng, cần phải đặt lại trọng tâm của vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa để tìm hướng đi khả thi nhất cho xã hội sản xuất và tiêu dùng. Đặc biệt, TPHCM và các vùng lân cận nơi tập trung 80% doanh nghiệp nhựa của cả nước, với doanh thu khoảng 12 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động, nơi tập trung tinh hoa khoa học kỹ thuật của đất nước. Do đó, định hướng phát triển ngành nhựa và bao bì nhựa cần có sự thống nhất để tránh những lãng phí không đáng có trong tương lai.
VĂN MINH HOA