Chiều ngày 23/9/2019, tại Quận ủy và UBND quận 12, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Quận uỷ và UBND quận 12 nhằm tìm hiểu một số chương trình đang được quận 12 triển khai trong việc bảo vệ môi trường.
Tiếp đoàn, về phía lãnh đạo địa phương có ông Trần Hữu Trí, Bí thư quận uỷ, chủ tịch HĐND quận 12; ông Nguyễn Văn Đức – Phó chủ tịch UBND quận 12.
Tại buổi làm việc lãnh đạo quận 12 đã thông báo tình hình các chương trình bảo vệ môi trường được quận 12 triển khai như: chương trình phân loại rác thải, chương trình “Giảm sử dụng túi ni long khó phân huỷ” hay chương trình “Chống rác thải nhựa”…
Ông Nguyễn Văn Đức, cho biết trong thời qua, UBND quận 12 đã liên tục tổ chức phát động các phong trào: chống rác thải nhựa, nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân huỷ… nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, thay đổi hành vi, cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân huỷ, góp phần giảm thiểu ô môi trường, bảo vệ sức khoẻ con người và hệ sinh thái.
Trong đó, quận 12 đầy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ và hội viên các tổ chức đoàn thể, nhân dân trên địa bàn về tác hại của rác thải nhựa đối với kinh tế, xã hội, môi trường và sức khoẻ con người.
Ngoài ra, chương trình cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân thực hiện việc phân loại rác đầu nguồn, bảo vệ khu phố sạch đẹp, gắn camera tại các điểm nóng để giám sát an ninh trật tự cũng như bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, chương trình cũng đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân huỷ đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học trên địa bàn quận. Đồng thời, các trường học trên địa bàn quận phải có giải pháp hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni long khó phân huỷ trong các hoạt động của đơn vị.
Hiện tại, quận 12 là địa bàn có một số điểm bị dư luận cho là còn gây ô nhiễm khiến ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Về vấn đề này, theo ông Đức, lãnh đạo UBND quận 12 đã chỉ đạo các ban, ngành thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất tại khu vực này kể cả phạt tiền… Tuy nhiên, vì do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ nên quận không thể tiến hành cưỡng chế các doanh nghiệp này khi họ không chấp hành lệnh phạt.
Còn đối với khu trung chuyển rác Hiệp Thành, quận đã thực hiện một số biện pháp như làm nền xi măng, điều tiết xe mang rác vào bãi để không gây ùn ứ, phun hóa chất thuốc chống mùi hôi… Đồng thời, lãnh đạo quận cũng đang nhanh chóng thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư 5 điểm ép rác kín đã được phê duyệt để thay thế trạm trung chuyển rác này trong thời gian tới.
Còn theo ông Trần Hữu Trí, Bí thư Quận uỷ quận 12, để phong trào bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông… đạt hiệu quả cao, thì ngoài công tác tuyền truyền nâng cao nhận thức người dân thì cần phải thực hiện từ các tổ chức xã hội, các hội phụ nữ, trường học… và phải xây dựng kế hoạch, các giải pháp, các mô hình cụ thể, xác định tổ chức đối tượng để tuyền truyền đạt hiệu quả cao.
Trong đó, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn quận. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh… trong thực hiện phong trào này.
PHƯỚC NGỌC