Hỏa hoạn nói chung và cụ thể là hỏa hoạn tại các chung cư không phải là vấn đề hiếm gặp. Tuy nhiên những hậu quả mà vấn đề này để lại là rất nặng nề. Ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của chủ đầu tư, uy tín của ban quản lý và đặc biệt là an toàn cho những người dân trong các hộ.
THỰC TRẠNG ĐÁNG LO NGẠI
Vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Lon Don đã dư luận không khỏi lo lắng về an toàn tại các chung cư hiện nay
Vụ hỏa hoạn tại tòa nhà chung cư ở Lon Don được xem là một trong những vụ hỏa hoạn gây chấn động thế giới. Nguồn tin từ báo Thanh Niên (16/6/2017) cho biết, cảnh sát Anh ngày 15.6 xác nhận ít nhất 17 người đã thiệt mạng trong vụ cháy tòa chung cư Grenfell ở thủ đô London, song con số này dự kiến còn tăng cao do có gần 20 người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. “Đáng buồn là tôi không nghĩ sẽ có thêm người sống sót”, Cảnh sát trưởng London Stuart Cundy cho biết. Theo AFP dẫn nguồn từ giới chức y tế London, hiện có 69 nạn nhân đang được điều trị tại các bệnh viện địa phương. Sự kiện này đã khiến cho dư luận lo lắng về những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ tại các chung cư cao tầng ở Việt Nam hiện nay.
Trên thực tế, ở nước ta cũng đã có không ít vụ hỏa hoạn xảy ra tại các khu chung cư cao tầng. Vụ cháy tại khu chung cư Xa La, Hà Nội là một ví dụ điển hình.
Theo báo Dân trí (29/11/2016), Vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 9h sáng ngày 29/11, tại khu bể bơi nằm giữa 3 khối nhà chung cư trên. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng thời gian trên, phần mái bể bơi trên đột nhiên bốc cháy. Do phần mái được làm bằng vật liệu nhựa, đám cháy tỏa ra rất nhiều khói. Các cư dân chung cư vô cùng hoảng loạn, nháo nhào chạy xuống dưới thoát thân. Nhiều người đã đi làm, nghe tin cháy nhưng không thể liên lạc được với người thân, cũng vội chạy về. Đến thời điểm 9h50, tuy đám cháy đã được khống chế hoàn toàn song lực lượng chức năng nghi vẫn có người kẹt trong thang máy các tầng 21, 23 tòa nhà CT 1A. 10h06, lực lượng cứu hộ đã đưa được những người mắc kẹt ra ngoài an toàn.
Báo người Lao Động (2/1/2017) cũng đưa một tin khác về vụ cháy tại căn hộ tầng 3 chung cư Phùng Hưng (quận 5, TP.HCM). Theo thông tin ban đầu, lửa bùng phát vào khoảng 16 giờ rồi nhanh chóng lan rộng. Nhiều người khi phát hiện hỏa hoạn đã dùng nước và bình cứu hỏa mini dập lửa nhưng đều bất thành. Thời điểm vụ hỏa hoạn xảy ra, các nhân chứng cho biết trong căn nhà có một người đàn ông lớn tuổi sinh sống nhưng may mắn đã thoát kịp ra ngoài trước khi lửa bùng lên.
Vụ cháy tại căn hộ tầng 3, chung cư Phùng Hưng
Lo sợ lửa lan rộng, nhiều người sống cùng dãy với căn nhà cháy vội tháo chạy và di chuyển tài sản ra ngoài. Cảnh sát PCCC TP.HCM sau đó huy động lực lượng gồm nhiều xe cứu hỏa và hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tìm cách ứng cứu. Ít phút sau, ngọn lửa bị dập tắt hoàn toàn và may mắn không gây thương vong về người.
Những sự kiện nêu trên đã cho thấy những thiệt hại ghê gớm mà hỏa hoạn gây ra và đồng thời cũng giống lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư.
NGUYÊN NHÂN VÌ ĐÂU
Đầu tiên là chập điện, sự cố máy móc, thiết bị. Hiện tượng chập mạch xảy ra, dẫn đến điện trở chung của mạch điện giảm xuống làm tăng cường độ dòng điện trong mạch. Nhiệt độ của dây dẫn và thiết bị điện sẽ tăng lên, làm cháy lớp cách điện hoặc vỏ của các thiết bị điện và làm thành đám cháy. Nếu gặp các vật dễ bắt lửa, đám cháy nhỏ sẽ bùng phát rất nhanh.
Thứ hai, nhiều căn hầm thuộc các khu chung cư là nơi lắp đặt các bốt điện, dàn tản nhiệt điều hòa, nếu xảy ra tình trạng chập cháy, hàng trăm chiếc xe máy chứa đầy xăng sẽ có nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra tình trạng bảo vệ thường xuyên nhận trông giữ xe của khách vãng lai qua đêm dẫn đến việc nhiều căn hầm để xe quá tải, số lượng xe trông, giữ ngày đêm lên đến cả nghìn chiếc, gây khó khăn trong công tác cứu hộ nếu xảy ra cháy.
Thứ ba là việc trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa được quan tâm đầu tư hoặc có trang bị nhưng không biết sử dụng hay sử dụng không thành thạo hoặc không đúng cách. Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy nổ không có phương tiện chữa cháy hoặc lúng túng không biết cách xử lý ngay từ ban đầu. Từ đó, đám cháy có điều kiện phát triển mạnh trong thời gian dài gây ra cháy lan, cháy lớn. Thậm chí, còn một số người cố tình mang các chất nguy hiểm cháy, nổ vào nhà để bảo quản, sử dụng vì một số mục đích cá nhân nào đó.
Việc các hộ gia đình thường bố trí vật dụng sinh hoạt trên lối thoát nạn như thang bộ, của đi,… thậm chí còn có hộ dựng rào, bít kín các lối thoát nạn, làm tăng mức độ nguy hiểm khi có cháy xảy ra, làm ảnh hưởng đến công tác tự thoát nạn, cứu nạn và cứu hộ.
Hơn nữa, hiện nay đa số gia đình đều dùng gas để đun nấu. Tuy vậy, việc sử dụng gas không an toàn sẽ dễ gây cháy nổ gây thiệt hại cho người và của. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến cháy, nổ khi sử dụng gas như: không khóa van bình chứa khí gas khi không đun nấu hay khóa van, tắt bếp gas chưa đúng quy định, sử dụng các chai chứa gas và các phụ kiện không đảm bảo chất lượng…
Hay việc một số gia đình lạm dụng thắp nhang thờ cúng, đốt vàng mã với tâm lý muốn báo hiếu, tạ ơn cho người đã khuất. Việc thắp hương thờ cúng tràn lan cũng là nguyên nhân tiềm ẩn cháy, nổ tại các hộ cư dân (vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu chung cư Xa La, Hà Nội cũng được xác định xuất phát là từ nguyên nhân này).
Một nguyên nhân cháy nổ chung cư khác cũng có thể kể đến là do nguồn nhiệt trong quá trình thi công, hàn cắt kim loại. Trong những năm qua, nhiều vụ cháy lớn trên khắp cả nước bắt nguồn từ hàn cắt kim loại mà ra.
CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
Tất nhiên, một trong những cách khắc phục hỏa hoạn hiệu quả là hạn chế những nguyên nhân nêu trên. Ngoài ra các bên liên quan cần chú ý đến vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phòng cháy chữa cháy tại chung cư.
Các chủ đầu tư phải dự trù kinh phí cho việc lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, đồng thời có kế hoạch sử dụng kinh phí bảo dưỡng hàng năm của chung cư để thực hiện công tác này trong thời gian về sau.
Ban quản lý, Ban quản trị chung cư cần đảm bảo tổ chức đầy đủ điều kiện về nhân sự cũng như về kinh phí để thực hiện tốt công tác quản lý điều hành các hoạt động của chung cư, trong đó có công tác phòng cháy chữa cháy.
Lãnh đạo các cấp ở địa phương và người đứng đầu cơ sở, phụ trách quản lý tòa nhà chủ động ban hành các nội quy, quy định và biện pháp phòng cháy chữa cháy; tổ chức tham gia các hoạt động phòng cháy chữa cháy; trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ; tổ chức tự kiểm tra, khắc phục kịp thời những vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Điều quan trọng nhất là ý thức của những người sống tại chung cư. Mỗi hộ dân nên tuân thủ các nguyên tắc cơ bản và nghiêm chỉnh chấp hành luật phòng cháy chữa cháy để có thể tránh được nguy cơ hỏa hoạn và những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
THANH TỊNH (ảnh internet)