Như Chuyên đề Công an TPHCM đã phản ánh, một số người đứng ra chặn đầu hẻm 39 đường Đặng Thùy Trâm, P13, Q.Bình Thạnh, không cho xe chở thiết bị vật tư vào công trình xây dựng Trường Đại học Văn Lang (ĐHVL) gây thiệt hại nghiêm trọng trên nhiều phương diện.
Khổ nhất là hàng trăm công nhân (CN) và người lao động bị “đứt gãy” việc làm nhiều ngày, không có tiền trang trải, lo cho gia đình. Lâm cảnh khốn khó, đại diện CN đã gặp Ni sư trụ trì chùa Thái Bình trình bày, thuyết phục “mở đường”, để CN có việc làm, duy trì nguồn sống…
Nhật ký công trình “bị chặn”
Đêm 11 rạng sáng 12-8-2022: Trong số 45 xe chở bê tông vào công trình Trường ĐHVL, có 38 xe bị 3 người ở chùa Thái Bình chặn ngay đầu hẻm 39 đường Đặng Thùy Trâm.
Đêm 13 rạng 14-8-2022: Có 5/30 xe chở bê tông bị chặn ở đầu hẻm 39.
Đêm 17-8-2022: Có 3 xe bê tông bị chặn, phải mất hơn nửa tiếng mới tìm được đường vào công trình.
Đêm 19-8-2022: Có 4/5 xe bê tông bị chặn, không vào được công trình, buộc phải quay về trạm. Do thời gian kéo dài, một khối lượng bê tông bị đông đặc phải đổ bỏ, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.
Đêm 20 rạng sáng 21-8-2022: Có 6/6 xe bê tông bị chặn, phải tìm đường khác. Khi vào đến công trình, có 4/6 xe bê tông sắp bị đông đặc, phải đổ bỏ, thiệt hại hơn 150 triệu đồng. Các đêm 21, 22, và 25-8-2022, hẻm 39 tiếp tục bị chặn.
Đêm 28 rạng 29-8-2022: Có 8/8 xe bê tông bị chặn ở đầu hẻm 39, sau đó có 3 xe tìm được đường vào dự án, đưa lên sàn. 5 xe không vào được, khiến toàn bộ bê tông bị đông đặc, đổ bỏ. Do mẻ đổ không tiến hành được vì không đủ khối lượng bê tông, nhà thầu phải cho đục bỏ toàn bộ bê tông của 3 xe đưa được lên sàn trước đó. Việc đục bỏ bê tông, dọn vệ sinh được hàng chục công nhân làm khẩn trương ngay trong đêm để không ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà, vô cùng gian nan. Thiệt hại của lần chặn này khoảng 250 triệu đồng.
Ngày 30-8-2022: Lúc 16 giờ 30, đại diện Công ty Tân Thuận cùng lực lượng bảo vệ đến đầu hẻm 39, tiến hành tháo dỡ barie, nhưng bị các sư cô phản ứng nên chỉ cạy được 1 đầu. Ngay sau đó, các sư cô cho gia cố lại barie nhưng đã bị xe chở đất chạy ngang húc đổ lúc 22 giờ 30.
Đêm 06-9-2022: Lúc 23 giờ, một xe bê tông bị 3 sư cô chặn tại đầu hẻm 39. Nhân viên nhà thầu đứng ra xin nhưng không được “duyệt”, nên xe buộc quay đầu, trở ra đường cái.
Đêm 07-9-2022: Lúc 21 giờ, nhóm 3 sư cô có mặt ở đầu hẻm 39, chuẩn bị bàn ghế để chặn xe. Đến 22 giờ 15 phút, có 5 xe bê tông chạy đến, các sư cô kiên quyết không cho vào nên buộc phải lùi lại, đậu trước chùa Thái Bình. Năn nỉ, thuyết phục kéo dài nhưng bất thành, cả 5 xe bê tông không sử dụng được, buộc phải xả bỏ, thiệt hại hơn 64,2 triệu đồng. Toàn bộ diễn biến đã được Văn phòng Thừa phát lại Bảo Tín lập vi bằng.
Đại diện tổng thầu dự án lên tiếng: Thống kê sơ bộ, các nhà thầu chịu thiệt hại hơn 2,64 tỷ đồng từ việc các xe chở vật tư bị chặn tại hẻm 39, khiến công trình bị gián đoạn. Không có việc làm ổn định, số CN rời bỏ dự án ngày càng tăng. Trước đây, lúc cao điểm công trình có đến 230 CN, người lao động, cùng 30 kỹ sư, giám sát thi công, nay chỉ còn xấp xỉ 100 người. Rất may, từ khi Chuyển đề CATP đăng phản phản ánh đến nay, không còn hiện tượng “chặn đường, ngăn xe” tại đầu hẻm 39.
Tiếng lòng hàng trăm công nhân bị “chặn” nguồn sống!
Bỗng dưng bị vạ lây từ việc “chặn đường, ngăn xe” khiến nhiều CN, người lao động, tài xế ức chế và bức xúc. Trong mọi hoàn cảnh, lãnh đạo nhà trường cùng tổng thầu luôn nghiêm khắc yêu cầu mọi người phải luôn có thái độ tôn trọng, tìm cách giải thích để các sư cô hiểu, cảm thông, chia sẻ vừa giúp hàng trăm CN có việc làm ổn định, vừa tạo điều kiện hoàn thành sớm công trình, cho sinh viên có thêm cơ sở giáo dục đào tạo hiện đại.
Chị Huỳnh Mỹ (ngụ Bạc Liêu) kể: “Tôi rời quê lên Sài Gòn đã hơn 1 năm, đến làm việc tại dự án được 3 tháng. Lúc đầu, có việc làm đều đặn, mỗi tháng tôi gửi về quê 6 đến 7 triệu đồng để lo cho 2 con ăn học, phụ giúp mẹ già 72 tuổi. Từ giữa tháng 8-2022 đến nay, ngày làm giảm gần một nửa, tiền công không đủ trang trải cuộc sống với bao nhiêu thứ tốn kém (thuê nhà trọ, ăn uống, đi lại…), lấy đâu gửi về quê? Tôi lo lắm, mong công trình sớm trở lại bình thường, chủ thầu cho tôi việc làm suốt tháng, quanh năm!”.
Chị Thị Phan (ngụ Kiên Giang) trình bày: “Ở quê không có ruộng vườn, không việc làm, vợ chồng tôi đưa nhau lên TPHCM lao động tự do tại công trình được 3 tháng rưỡi. Hiện tại, công việc bấp bênh, mỗi tháng chỉ làm được mười mấy ngày công, không đủ tiền gửi về quê cho 3 con ăn học, trong đó đứa lớn năm nay cuối cấp 3. Mong sao, nhà thầu cho làm đều công, để có tiền lo cho mấy đứa nhỏ”.
Anh Nguyễn Phước (quê Tiền Giang) lên tiếng: “CN không có việc để làm, khổ trăm bề! Mong việc ngăn chặn sớm chấm dứt, để chúng tôi có việc làm đều đều, đủ tiền chi tiêu, dư xíu gửi về giúp gia đình!”.
Anh Phước cùng nhiều CN đặt vấn đề: Hẻm 39 là đường công cộng, căn cứ quy định pháp luật nào mà các sư cô đứng ra chặn đường, ngăn xe, làm khốn khổ bao nhiêu người, gây thiệt hại lớn cho nhà thầu cũng như nhà trường? Việc này cần được cơ quan chức năng sớm làm rõ, xử lý, tránh tạo tiền lệ xấu.
Vì quyền lợi chính đáng của hàng trăm CN, người lao động, sáng 31-8-2022, nhóm 12 người, trong đó có 2 đội trưởng thi công đến chùa Thái Bình để vận động, thuyết phục Ni sư trụ trì Thích Nữ Tâm Hải.
Đại diện nhóm CN kể lại: Chỉ 2 đội trưởng được sư trụ trì tiếp lúc 11 giờ, còn 10 CN thì đứng ngoài cổng chùa chờ. Suốt 30 phút, 2 đội trưởng ra sức vận động, thuyết phục, năn nỉ Ni sư để cho xe chở vật tư ra vào công trình, giúp CN có việc làm ổn định cuộc sống. Ni sư yêu cầu làm việc với đại diện Trường ĐHVL. Do chưa nhận được câu trả lời, cả nhóm bày cơm ăn trước cổng chùa. Đến 13 giờ 30, nhóm có thêm 5 CN “tiếp sức”, thành 17 người xin gặp Ni sư lúc 14 giờ, tiếp tục thuyết phục.
Tuy chưa đồng ý “mở đường” nhưng có vẻ Ni sư đã mềm lòng trước thông tin CN rất cần việc làm, để đến lễ 02-9 được trả lương, có tiền lo gia đình. Đến 16 giờ 30, một đội trưởng đại diện nhóm xin gặp Ni sư lần nữa. Cảm động trước sự thành tâm thiện ý của nhóm CN, Ni sư cho biết sẽ hội ý với các sư cô.
Cả nhóm đợi đến 17 giờ 30, sư Liên và sư Huệ An ra thông báo đồng ý cho xe đi vào hẻm 39. Tuy nhiên, thời điểm này đã trễ (phải báo trước nơi cung cấp bê tông trước 12 tiếng để chuẩn bị) nên đêm đó, CN “ngồi chơi, xơi nước”.
Sáng 01-9, nhóm 21 CN có mặt trước cổng chùa, nhưng không gặp được Ni sư. Đợi đến 14 giờ, cả nhóm vào gặp trụ trì trình bày. Trước nguyện vọng chính đáng của nhóm CN, Ni sư một lần nữa “lay động”, nên chấp nhận. Trong đêm 01, rạng sáng 02-9, công trình tiếp nhận 34 xe bê tông cùng 2 xe bơm.
Đại diện nhóm CN cho biết, sư trụ trì chỉ cho mở đường 1 ngày, rồi để hai sư Liên và Huệ An đứng ra chặn xe những ngày 05, 06 và 07-9-2022…
Bất ngờ lời đề nghị “xây ngôi chùa mới”(?!)
Đại diện Trường ĐHVL lo ngại: Dự án đã chậm tiến độ do dịch bệnh kéo dài 2 năm, nay xảy ra sự việc đáng tiếc khiến công trình khó hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023. Việc đón hàng ngàn sinh viên vào học tập, nghiên cứu tại một ngôi trường mới, hiện đại, có thể một lần nữa lại lỡ hẹn.
Trên tinh thần cầu thị, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm, đã gặp gỡ, trao đổi với các cư dân sinh sống tại hẻm 39, trong đó có các sư cô chùa Thái Bình nhằm tạo sự đồng thuận. Đến nay, trường đã nhận được sự ủng hộ của các gia đình, chỉ còn vướng mắc mới phát sinh ở một số sư cô chùa Thái Bình.
Từ tháng 8-2022 đến nay, phía nhà trường và tổng thầu dự án đã nhiều lần đến chùa để lắng nghe, trao đổi, ghi nhận ý kiến của 3 sư cô, đặc biệt là sư trụ trì. Căn cứ cuộc họp trao đổi giữa đại diện hai bên ngày 12-8-2022, nhà trường đã dự thảo “bản cam kết”, tiếp tục ủng hộ chùa Thái Bình 1 tỷ đồng để phục vụ cho các hoạt động của chùa. Số tiền này được trường chuyển 1 lần cho chùa sau khi hai bên ký vào “bản cam kết” (dự kiến tháng 9-2022). Cam kết còn xác định rõ: Quá trình thi công dự án nếu dãy nhà bên hông hẻm 39 của chùa có xảy ra hư hỏng, thì trường sẽ tiến hành sửa chữa, khắc phục, chi phí do trường chi trả.
Lúc 16 giờ chiều 23-8-2022, đại diện trường đến chùa đưa “bản cam kết”. Sau khi đọc xong, Ni sư đưa ra ý kiến để sư Liên viết vào tờ giấy, nội dung: “Khi chấp thuận cho xe trọng tải nặng của nhà trường vận chuyển thì đồng nghĩa việc xây dựng mới ngôi chùa mới (nhà trường chịu toàn bộ chi phí xây dựng mới ngôi chùa). Nhà chùa không mong mỏi gì hơn…” (trích nguyên văn).
Đại diện trường bày tỏ quan điểm: “Bằng sự thiện chí, Trường ĐHVL luôn sẵn sàng hợp tác, chia sẻ. Sau khoản tiền 1,1 tỷ đồng “cúng dường – công đức” năm 2019, nhà trường tiếp tục hỗ trợ cho chùa 1 tỷ đồng, thể hiện tấm lòng, sự cầu thị đối với chùa cũng như cá nhân sư trụ trì. Tuy nhiên, việc yêu cầu xây dựng mới cả một ngôi chùa, nhà trường khó lòng đáp ứng bởi nhiều vấn đề liên quan!”…
Theo Nhóm PVCĐ/Báo Công an TPHCM
https://congan.com.vn/doi-song/hang-chuc-cong-nhan-xin-mo-duong_137202.html