Giáo sư Trương Nguyện Thành – Thiên kiến xác nhận

30/06/2021 09:42

(100)


Khi mới qua Mỹ tôi bị sốc văn hóa vì những thiên kiến xác nhận của tôi đã có khi lớn lên ở Việt Nam (VN). Tôi dần thay đổi để thích nghi và hòa nhập. Sau một thời gian tư duy của tôi trở thành một người Mỹ. 

Thời gian gần đây tôi ở VN nhiều hơn và một lần nữa bị sốc văn hóa ngược bởi những thiên kiến xác nhận của xã hội VN!!!! Nhờ tiếp xúc gần với nhiều nền văn hóa khác nhau và có thích thú với tâm lý học nên tôi nhận thức được, thiên kiến xác nhận ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta rất nhiều và nhất là trong việc xây dựng các mối quan hệ với những người xung quanh. 

 

Bạn có thể là một người cực kỳ siêng năng nhưng não của bạn, của tôi và của mọi người thì lại cực kỳ lười biếng! Hahahahaha. Vì lý do sinh tồn não con người được thiết kế hoạt động với cơ chế tối ưu bảo tồn năng lượng từ khi còn ăn lông ở lỗ và sử dụng năng lượng để đi tìm thức ăn, chỗ ở và chạy trốn hay chống trả những động vật tấn công mình!

Khi người tiền sử nhìn thấy cái bóng, não sẽ xử lý thông tin nhanh bằng cách so sánh với những gì trong trí nhớ và báo rằng bóng giống con cọp chứ không đứng đó đánh giá cái bóng đó có xác thực là con cọp hay không, và quyết định hành động chạy trốn.

Tuy nhiên ngày nay nhu cầu sinh tồn không còn như xưa, không có con cọp nào vồ lấy bạn khi bạn đi siêu thị mua đồ ăn nhưng não chúng ta vẫn tự động hoạt động trong cơ chế xử lý nhanh bằng cách so sánh với những trải nghiệm trong quá khứ ấy. Điều này dẫn đến hệ lụy mà chúng ta gọi là thiên kiến xác nhận.

Thế thiên kiến xác nhận là gì? Đó là xu hướng con người (bạn, tôi, và tất cả ai khác) truy tìm, sàng lọc, diễn giải, và ghi nhớ thông tin mới chỉ để xác định những tin tưởng đã có từ trước và đồng thời gạt bỏ, chối bỏ, kể cả đả kích những thông tin đối chọi với những tin tưởng đã có ấy.

Do đó con người chỉ nghe điều mình muốn nghe, thấy điều mình muốn thấy, và chấp nhận điều mình lâu nay tin tưởng hay nhận định là đúng cho dù trên sự thật điều đó có thể hoàn toàn sai.

Nếu bạn nhìn vào biểu thị đính kèm có hai hình tròn, một là những gì bạn tin tưởng và hai là sự thật. Hai hình tròn này giao nhau một phần nhỏ. Phần bạn tin tưởng mà không phải sự thật thì đó là những tin tưởng hoàn toàn sai lầm nhưng bạn cho là đúng, như ông Trump tin rằng chích nước khử trùng vào người có thể chữa trị bệnh covid-19. Phần sự thật mà nó không nằm trong tin tưởng của bạn thì bạn gạt bỏ hay chối bỏ hoàn toàn.

Thí dụ, cho dù thông tin tình báo Mỹ cho ông Trump lúc bấy giờ là Tổng thống đương thời, biết trước nguy cơ của dịch covid-19 trước vài tháng, nhưng ông hoàn toàn gạt nó qua một bên và cho rằng nó chỉ là một bệnh cúm bình thường. Phần giao nhỏ ấy là một phần của sự thật phù hợp với tin tưởng của bạn và nó sẽ được bạn thổi phồng lên.

Như cựu TT Trump tin rằng khí hậu nóng của mùa hè sẽ làm chết con covid-19 virus (điều này phần đúng trên khía cạnh khoa học. Với nhiệt độ tăng thì thời gian sống sót của virus covid-19 bên ngoài host body giảm nhanh) và kêu gọi mọi người không cần phải lo lắng, không cần mang khăn che mặt, vì đến hè 2020 thì dịch tự nhiên sẽ hết.

Thiên kiến xác nhận ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tôi xin phép nêu chỉ một vài thí dụ điển hình.

(1) Tương tác giữa các mối quan hệ

Khi text hay gọi ai đó mà không thấy trả lời trong thời gian bạn mong muốn thì bạn có thể cho rằng người đó không thích bạn.

Nếu là người thân thì bạn có thể cho rằng người đó đang làm gì đó không muốn bạn biết và rồi bạn truy tìm thông tin để xác định điều bạn tin tưởng là đúng. Điều này thường đem đến nhiều rạn nứt cho các mối quan hệ tình cảm.

Nếu bạn nghĩ bạn đời mình ngoại tình thì bạn chỉ đi tìm hay diễn giải thông tin theo hướng này mà thôi. Hoặc khi bạn nhận định ai đó quấy rối tình dục qua thiên kiến xác nhận thì bạn sẽ diễn giải mọi hành vi thân thiện của người đó là hành động quấy rối tình dục cho dù sự thật không phải thế.

Đặc biệt khi tiếp xúc với người có nền văn hóa khác, những thiên kiến xác nhận của bạn (điều bạn cho là đúng ở văn hóa bạn thì có thể sai với văn hóa khác) có thể dẫn đến những hiểu lầm, ứng xử không thể hàn gắn và cuối cùng đổ vỡ trong quan hệ. Điều này thường là lý do cho đổ vỡ ở những cặp vợ chồng đa văn hóa. Cha mẹ một khi đã dán nhãn cho con vụng về, ngu xuẩn, điệu, … thì chỉ nhìn thấy hành vi phù hợp với nhãn ấy và không thấy những thứ khác ở con mình.

(2) Xã hội và chính trị

Nếu bạn tin rằng người thuận tay trái sáng tạo hơn người thuận tay phải thì bạn chỉ nhận dạng những người sáng tạo thuận tay trái và không để ý bao nhiêu người không sáng tạo thuận tay trái. Não bạn không mất thời gian làm khảo sát coi tỷ lệ bao nhiêu người thuận tay trái sáng tạo so với người thuận tay phải!

Nếu bạn chống luật phá thai thì bạn chỉ tìm đọc những thông tin phù hợp với niềm tin của bạn và gạt bỏ tất cả những luận điểm về quyền của người phụ nữ và thậm chí khi ai đó nêu quan điểm đối lập thì bạn gạt ngay ‘I don’t want to talk about it’.

Nếu bạn ủng hộ một ứng viên nào thì bạn chỉ tìm đọc, nghe, và tin những thông tin tích cực ủng hộ quan điểm của bạn và chối bỏ tất cả những thông tin đi ngược lại quan điểm ấy như những sai lầm của ứng viên ấy cho dù đó là sự thật. Bạn có thể nhận thấy ở những người ủng hộ cựu TT Trump trong kỳ bầu cử Mỹ vừa qua.

Bạn chỉ thích đọc và chia sẻ những thông tin phù hợp với niềm tin của mình.  Fake News lợi dụng điều này để lan tỏa những thuyết âm mưu không có cơ sở trên mạng xã hội.

(3) Niềm tin tôn giáo hay bói toán

Nếu bạn là người có tôn giáo thì bạn có khuynh hướng diễn giải những sự kiện xảy ra trong cuộc sống đi đôi với niềm tin ấy. Thí dụ, sự kiện tốt tích cực thì bạn cho rằng điều tuyệt vời ấy nhờ vào niềm tin tôn giáo và nếu sự kiện xấu xảy ra thì bạn cho rằng niềm tin của bạn đang được thử thách.

Nếu bạn tin vào bói toán rằng số bạn nếu lấy người ấy thì một trong hai người sẽ chết. Nếu bạn đủ can đảm yêu để lấy người đó và sống đến răng long đầu bạc thì bạn cho rằng đó là vì đức năng thắng số!

Khi tôi chuẩn bị đi vượt biên Mẹ bảo đi coi mấy ông bà thầy bói và ông bà nào cũng bảo đi thì chết. Tôi không đi thì không chết, bói đúng vì không có cơ sở để xác minh. Tôi đi và 40 năm sau còn ngồi đây viết bài này là vì đức năng thắng số hahahahaha. Đàng nào cũng đúng.

(4) Chẩn đoán bệnh

Khi người bác sĩ nghĩ trong đầu bệnh nhân có khả năng mắc bệnh gì thì có khuynh hướng chỉ truy tìm thông tin xác minh điều mình suy nghĩ là đúng và điều này dẫn đến khá nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh sai và dẫn đến điều trị sai và hậu quả có thể dẫn đến cái chết.

Đã có nhiều nghiên cứu khảo sát cho thấy bác sĩ cũng là con người và cũng có khuynh hướng thiên kiến xác nhận như mọi người.

(5) Trong quan hệ công việc

Nếu bạn là quản lý hay lãnh đạo và có nhận định gì về một nhân viên hay nhóm người trong công ty thì bạn chỉ truy tìm thông tin để xác định nhận định của bạn là đúng và gạt bỏ các yếu tố khác, đặc biệt tìm cách chối bỏ những thông tin đi ngược lại nhận định ấy.

Bạn có thường thấy giáo viên mầm non là đàn ông không? Bạn có thường thấy thợ sửa xe máy, xe hơi là phụ nữ không? Bạn nghĩ gì về chuyện này?

Một điều đáng tiếc, tất cả chúng ta đều có thiên kiến xác nhận. Ngay cả khi bạn tin rằng bạn là người rất cởi mở và chỉ quan sát thực tế trước khi đưa ra kết luận, rất có thể cuối cùng một số thiên kiến trong bạn sẽ định hình quan điểm của bạn.

Rất khó để chống lại xu hướng tự nhiên này. Cá nhân tôi để giảm ảnh hưởng của xu hướng này, tôi không đánh giá đúng sai, phải quấy, thiện ác, v.v khi đón nhận thông tin. Tôi tiếp nhận thông tin và cho nó chỉ là thông tin cho đến khi cần phải có quyết định hành động gì mà đòi hỏi thông tin ấy thì lôi các nguồn khác nhau ra đánh giá.

Tuy nhiên khi đánh giá tôi vẫn biết rằng tôi vẫn có thể sai nên tôi luôn sẵn sàng lắng nghe ai đó chứng minh hay thuyết phục tôi sai. Đôi khi nếu không quá nguy hiểm đến tính mạng hay tài sản thì tôi cũng chấp nhận thí nghiệm điều ngược lại để chứng minh rằng nhận định của tôi có sai.

Còn với những ai mà quá nặng nề với thành kiến xác định của mình, bằng chứng qua cách ứng xử ‘Tôi không muốn nghe hay tôi không muốn nói điều ấy’ khi ai đó nói điều ngược với nhận định của họ, thì chỉ có một cách là giới hạn mối quan hệ và giữ khoảng cách.

Chúc các bạn có một ngày cuối tuần vui vẻ.

GS Trương Nguyện Thành

https://www.facebook.com/1002024239/posts/10222540970845310/

Đọc thêm

lên đầu trang