Giải pháp nào cho vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại Thành Phố Hồ Chí Minh

29/12/2017 10:04

(1056)


Được xem là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đang sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên bên cạnh đó, nơi đây cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề bất cập, trong đó có vấn đề ô nhiễm tiếng ồn.

Nhiều người vẫn còn xem nhẹ tác hại của ô nhiễm tiếng ồn, nhưng trong thực tế, mối nguy hại mà nó gây ra không hề nhẹ chút nào, ảnh hưởng xấu đến an ninh đô thị, đe dọa đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của người dân.

NGƯỜI DÂN CHỊU HẾT NỔI

Ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là đề tài đang được nhắc đến khá nhiều trong những năm gần đây. Mặc dù có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thế nhưng hiện tại, ô nhiễm tiếng ồn vẫn chưa được quan tâm và xử lý đúng mức như các dạng ô nhiễm khác. Chính vì vậy mà nó vẫn tiếp diễn và đạt đến ngưỡng báo động, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Trong Thành phố có khá nhiều địa điểm rất ồn, các trạm quan trắc ghi nhận mức ồn dao động từ 55,09 – 79,30 dBA. 61,25% trong số các giá trị đo được vượt quá quy chuẩn (quy chuẩn tùy khu vực, tối đa 70dBA). Các mức ồn vượt chuẩn tập trung tại 9 trạm quan trắc sau, theo thứ tự tăng dần: Ven đường Hồng Bàng, vòng xoay Hàng Xanh, trạm trên đường Thống Nhất, huyện Bình Chánh, vòng xoay Phú Lâm, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ, ngã 6 Gò Vấp và vòng xoay An Sương. Ngay cả trong đêm khuya, tức là từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng, mức độ tiếng ồn đo được vẫn quá giới hạn cho phép.

Hoạt động giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn 

Báo Thanh Niên (22/05/2017) cho biết rằng rất nhiều bạn đọc đã gửi đơn thư, gọi điện thoại phản ánh đến Tòa Soạn về tình trạng tiếng ồn xung quanh nơi ở của mình. Với cư dân ở nhiều nơi trong thành phố, tiếng ồn không chỉ là sự ô nhiễm mà đã trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi họ trở về nhà sau một ngày lao động.

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ (14/7/2017), Anh Nguyễn Vĩnh An – một người dân sống trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) gần vòng xoay Hàng Xanh – nói: “Mẹ tôi năm nay 60 tuổi thường xuyên mất ngủ vì tiếng ồn, sức khỏe sa sút. Con trai cũng than thở không thể tập trung làm bài tập được. Tôi buộc phải đóng cửa nhà cả ngày. Thậm chí một vài gia đình còn phải bán nhà, dọn đi nơi khác sinh sống vì quá ồn”.

Loa thùng to phát nhạc ầm ĩ đặt trên vỉa hè, tại một cửa hàng ở Q.10, TP.HCM. 

“Ra đường bị tra tấn bởi tiếng còi xe vô tội vạ, về nhà không được yên thì sớm muộn gì bệnh điếc, bệnh thần kinh cũng sẽ gia tăng đối với người dân TP.HCM. Sự ồn ào ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe. Vậy mà chẳng hiểu sao mỗi ngày thành phố càng ồn ào hơn”, một người dân tại huyện Bình Chánh thẳng thắn bày tỏ.

Bác sĩ Đặng Duy Phương (phó phòng nghiên cứu khoa học Viện Tim TP.HCM) chia sẻ: Theo nhiều nghiên cứu, người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, mệt mỏi gây ra bệnh tật. Khi bị mất ngủ, stress kéo dài, cơ thể sẽ bị suy yếu, nguy cơ tăng huyết áp, loét bao tử, rối loạn tâm thần cao. Nghiêm trọng hơn, nếu sống ở khu vực có tiếng ồn thời gian quá lâu có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng đến tính mạng. Người đang điều trị bệnh mà sống nơi ồn ào, ô nhiễm thì quá trình hồi phục sẽ chậm hơn, thậm chí không bình phục.

GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO

Trước hiện trạng ô nhiễm tiếng ồn, dĩ nhiên người ta đã nghĩ đến việc phải tìm cách giải quyết. Song để làm được việc này trong thực tế lại là một điều không hề dễ dàng khi phải đối mặt với không ít trở ngại.

Trở ngại đầu tiên là thiếu thiết bị đo đạc tiếng ồn, nhất là tại những đơn vị hành chính như phường. “Nếu được trang bị thiết bị đo thì phải có cán bộ chuyên trách, thành thạo trong sử dụng, có kỹ năng chọn những vị trí để đo tiếng ồn chính xác, máy đo cũng phải đạt chuẩn. Ngay cả ở phòng TN-MT cũng chọn cách thuê đơn vị đo tiếng ồn bên ngoài trong các đợt kiểm tra hiện trường”, ông Tô Đình Triệu, chủ tịch UBND P.8 (Q.Gò Vấp) cho hay ( Báo Thanh Niên 23/5/2017).

Việc thu thập bằng chứng để xử lý vi phạm tiếng ồn cũng là một vấn đề nan giải. Hầu hết khi nhận được phản ánh và đơn khiếu nại của người dân, cán bộ quản lý đô thị, lãnh đạo phường sẽ trực tiếp đến hiện trường, tuy nhiên phần lớn đều không phát hiện vi phạm, hoặc chỉ có thể nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Người vi phạm có thể dễ dàng đối phó bằng cách vặn nhỏ tiếng hay tắc nhạc khi đoàn kiểm tra đến, xong rồi đâu lại vào đấy.

Những trở ngại trên đòi hỏi rằng phải có những biện pháp cụ thể và quyết liệt hơn nữa. PGS.TS Phùng Chí Sỹ – Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam- cho rằng đối với xe cộ, cần kiểm tra định kỳ chất lượng máy móc, những xe nào có tiếng ồn cao quá thì yêu cầu phải có biện pháp để giải quyết.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: “Với những hộ kinh doanh có gây ồn nhưng không vượt ngưỡng thì người dân xung quanh cũng nên gặp chủ hộ kinh doanh để phản ánh, yêu cầu khắc phục. Song song đó, lãnh đạo phường phải nhắc nhở bởi nhiều người không nắm rõ quy định về mức độ tiếng ồn. Một khi đã nhắc nhở rồi vẫn vi phạm, làm phiền người dân chung quanh thì tiến hành xử lý một cách triệt để”.

Ngoài ra, cũng có thể trồng cây xanh để hút tiếng ồn và bụi kết hợp với các phương án phân luồng giao thông hợp lý để điều tiết lượng xe, hạn chế tốc độ và giảm tiếng ồn. Bản thân mỗi người dân cũng cần có ý thức trong việc giữ gìn một môi trường trong lành, không nên bật nhạc quá to, đặc biệt là vào ban đêm, khi tham gia giao thông cần hạn chế tốc độ để giảm tiếng ồn…

THANH TỊNH (tổng hợp)

Đọc thêm

lên đầu trang