Lãnh đạo ACV so sánh sân bay Long Thành với sân bay Đại Hưng của Trung Quốc và sân bay Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để chứng tỏ suất đầu tư cho năng suất 1 triệu hành khách (HK)/năm là tương đương nhau.
Trong đó nhiều ý kiến đã từng cho rằng dự án này có thể gây lãng phí và tăng công nợ. Chuyên gia Nguyễn Thiện Tống – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, thậm chí rất băn khoăn: Làm sao có nguồn vốn đầu tư rất lớn cho sân bay Long Thành?
Gần đây, Quốc hội vừa thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Tại hội trường cũng như bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ cũng như đưa ra phân tích nhằm làm sáng tỏ nhiều vấn đề còn gây nhiều băn khoăn xung quanh dự án này. Đại biểu Quốc hội cho rằng cần hết sức thận trọng trong việc lựa chọn nhà đầu tư vào dự án, kinh phí huy động thực hiện dự án để “không thể là một di sản ‘bỏ thì thương, vương thì tội’ trên vai các thế hệ mai sau”.
Trong bài viết gửi tới Người Đô Thị, PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống đã đưa ra một góc tiếp cận mới, mang tính cốt lõi khi nhìn vào số liệu báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, đó là: vì sao tổng vốn đầu tư lại quá cao so với các dự án sân bay tương tự trên thế giới? Sài Gòn 8 xin đăng lại.
Cụ thể, sân bay Đại Hưng của Trung Quốc được hoàn tất giai đoạn 1 vào tháng 9 năm 2019 có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD cho năng suất 72 triệu HK/năm, tức suất đầu tư 163 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm. Theo kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, sau khi hoàn tất toàn bộ 7 đường cất hạ cánh, Đại Hưng sẽ trở thành sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới với năng suất 200 triệu HK/năm, vượt xa sân bay lớn nhất thế giới hiện nay có năng suất 107 triệu HK/năm là Hartsfield – Jackson Atlanta của Hoa Kỳ.
Sân bay Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ được hoàn tất giai đoạn 1 vào tháng 10/2018 có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho năng suất 90 triệu HK/năm, tức suất đầu tư 149 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tham vọng là sân bay Istanbul sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn vào năm 2028 sẽ trở thành một trong những sân bay trung chuyển lớn nhất thế giới với năng suất 200 triệu HK/năm.
Quay trở lại với Sân bay Long Thành, dự án này có dự toán giai đoạn 1 là 4,8 tỷ USD cho năng suất 25 triệu HK/năm, tức suất đầu tư 192 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm. Sân bay Long Thành có dự toán rất mơ hồ cho cả 3 giai đoạn là 16 tỷ USD cho năng suất 100 triệu HK/năm, tức suất đầu tư 160 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm.
Suất đầu tư cho giai đoạn đầu luôn luôn lớn hơn suất đầu tư cho tất cả các giai đoạn của một sân bay, vì thế lãnh đạo ACV không thể lấy suất đầu tư cho giai đoạn đầu của sân bay Đại Hưng và sân bay Istanbul để so sánh với suất đầu tư cho toàn bộ 3 giai đoạn của sân bay Long Thành.
Việc so sánh hợp lý là giữa suất đầu tư cho giai đoạn đầu của Long Thành là 192 triệu USD với suất đầu tư cho giai đoạn đầu của Đại Hưng là 163 triệu USD và với suất đầu tư cho giai đoạn đầu của Istanbul là 149 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm. Như thế suất đầu tư cho Long Thành đắt hơn Đại Hưng 18% và đắt hơn Istanbul 29%.
Nhưng tại sao lại chọn hai sân bay có tham vọng trở thành sân bay lớn nhất thế giới với năng suất 200 triệu HK/năm để so sánh?
Vấn đề là phải so sánh với sân bay tương tự nào trên thế giới để đánh giá sân bay Long Thành có lãng phí không?
Do vậy rõ ràng là cần so sánh với sân bay có tổng năng suất tương tự là 80 – 100 triệu HK/năm.
Chẳng hạn có thể so sánh với sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok có mức tổng đầu tư 5 tỷ USD năm 2006 với tổng năng suất 100 triệu HK/năm, bình quân 50 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm.
Tổng mức đầu tư cho sân bay Long Thành với năng suất 100 triệu HK/năm là 16,03 tỷ USD, bình quân 160 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm, đắt gấp 3,2 lần so với sân bay Suvarnabhumi.
Nếu phải so sánh với sân bay thiết kế mới thì sân bay Western Sydney của Úc hoàn toàn thích hợp để so sánh. Sân bay Western Sydney được khởi công vào tháng 9 năm 2018 để hỗ trợ cho sân bay Kingsford Smith Sydney tương tự dự án xây dựng sân bay Long Thành với năng suất 80 – 100 triệu HK/năm để hỗ trợ cho sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải.
Sân bay Western Sydney của Úc có năng suất 82 triêu HK/năm được đầu tư 3,8 tỷ USD (5,3 tỷ AUD) trong 10 năm tới cho giai đoạn 1 với năng suất 40 triệu HK/năm, bình quân 95 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm.
Mức đầu tư cho giai đoạn 1 của sân bay Long Thành với năng suất 25 triệu HK/năm là 4,8 tỷ USD, bình quân 192 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm, đắt gấp 2 lần so với sân bay Western Sydney.
Tóm lại, nếu cần đầu tư xây dựng sân bay Long Thành thì tổng vốn đầu tư phải giảm xuống để tương đương với suất đầu tư của sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok và sân bay Western Sydney ở Úc, chứ không thể quá lãng phí như trong Dự án hiện đang trình Quốc hội.
SỐ LIỆU VỀ DỰ ÁN VÀ TIẾN ĐỘ SÂN BAY LONG THÀNH
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư kiến nghị 111.689 tỉ đồng (4,779 tỉ USD) hiện đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách, lựa chọn tư vấn và lập báo cáo nghiên cứu khả thi…
Bộ GTVT kiến nghị giao cho ACV đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước giao, công trình thiết yếu của hàng không, trong đó ACV cần huy động số vốn 4,194 tỉ USD
Hiện tại, ACV đã tích lũy tiền mặt là 25.268 tỉ đồng và giai đoạn 2019 – 2015 dự kiến tích lũy được 12.339 tỉ đồng, do vậy sẽ bố trí được 36.607 tỉ đồng, tương đương 1,566 tỉ USD, và số còn lại 2,628 tỉ USD sẽ đi vay.