Đừng dùng “môi trường” tàn phá môi trường

18/08/2020 04:13

(44)


Rác, chất thải là kết quả không thể tránh khỏi trong các hoạt động của thiên nhiên cũng như của con người. Con người ta ăn vào để có năng lượng tồn tại thì đồng thời cơ thể cũng “sản xuất” ra chất thải trong quá trình chuyển hóa năng lượng ấy. Trong thiên nhiên khi mùa thu đến, lá vàng rơi cũng đồng nghĩa với việc thiên nhiên phải đối mặt với một lượng rác hữu cơ khổng lồ cũng như khí thải carbonic (CO2), khí Metan… Không một qui trình sản xuất công nghiệp nào mà không có chất thải, chỉ có điều là nhiều hay ít, xử lý dễ hay phức tạp mà thôi.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật sản xuất, đóng gói bao bì, nhiều loại bao bì trước đây dùng lá, giấy, thủy tinh, kim loại… nay được thay thế, bổ xung bằng nguyên liệu nhựa. Sự ưu việt và tiện dụng của chúng (nhựa) đã làm thay đổi phong cách tiêu dùng và tập quán của người dân. Nhưng kèm theo sự phát triển và tiện dụng là lượng rác thải ra ngày càng lớn, từ sản xuất cũng như từ tiêu dùng. Các loại rác thải nhựa này nếu chúng không được xử lý một cách nghiêm túc và bài bản sẽ tạo ra một môi trường sống bị ô nhiễm hết sức nặng nề, gây tác hại khôn lường cho môi trường sống và sức khỏe con người.

Vì thế, một trong những thái độ “thời cơ” là chứng tỏ sản phẩm của mình “tự phân hủy” hay có thể “phân hủy sinh học” và như thế là nhà sản xuất cứ việc vô tư trao “trách nhiệm” giải quyết hậu quả cho môi trường, vì sản phẩm cạnh tranh “rất khó phân hủy” hoặc “không thể phân hủy”…

Vấn đề môi trường cũng đang bị nhìn một cách thật phiếm diện. Có nghĩa là, sản phẩm cứ có thể phân hủy trong môi trường là được tán thành, mà nếu “phân hủy sinh học” thì lại càng nhất hạng! Giấy báo có thể phân hủy, nhưng nếu chôn ở một điều kiện nhất định thì có khi sau hàng chục năm đào lên người ta vẫn còn đọc được chữ in trên báo! Và túi nhựa siêu thị mà “phân hủy” được thì ta tán đồng, cứ vô tư xài và… xả rác, thay vì có biện pháp thu gom rác hiệu quả, kinh tế và áp dụng công nghệ hiện đại để xử lý loại rác này! Điều này đúng như thế nào thì người ta chỉ cần nhớ đến việc đổ trấu xuống sông rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long khắc rõ.

Bởi thế khi nói về môi trường một cách nghiêm chỉnh thì các nhà khoa học nói về vòng đời sản phẩm (ecological life cycle). Điều đó có nghĩa là phải xem xét tác động tổng thể trên môi trường của một sản phẩm từ lúc nguyên liệu dùng cho nó được chế tạo ra, khi sản xuất ra sản phẩm, khi nó được sử dụng, cho đến khi nó được thải ra thành rác.

Một số báo chí, phương tiện truyền thanh, truyền hình đã tốn nhiều giấy mực để nói lên những cái “hại” cho môi trường do túi nhựa PE, rác thải y tế nhựa (khẩu trang/ băng/ dây truyền dịch…), bao bì nhựa… gây ra, mà vô tình hay cố ý không đề cập đến những mặt tích cực, như ngoài việc “ngứa mắt” vì bị xả bậy, thì bao bì nhựa giúp ta xuất khẩu thủy hải sản (ta không thể gói cá trong là chuối hay bao bì giấy được), giúp người tiêu dùng được ăn Yohurt rẻ hơn và môi trường sẽ ít bị ô nhiễm hơn so với đựng bằng chai thủy tinh.

Quan trọng, chai nhựa PET sau khi sử dụng có thể tái chế lại thành chai, thành màng hội đủ tiêu chuẩn của FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm liên bang của Mỹ), hay thậm chí thành sợi polyester dùng trong ngành dệt… Và nhựa trung tính với môi trường, khi đốt cùng với rác thì cho ra nhiệt lượng cao hơn than hoặc dầu, giúp tiết kiệm năng lượng, bởi vậy ở những quốc gia có hệ thống xử lý rác tốt như Singapore, CHLB Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Na uy, Phần Lan… không có nước nào cấm dùng túi nhựa.

Với túi nhựa siêu thị, sau khi dùng được dùng lại, và sau cùng thì được dùng để làm túi đựng rác, rất vệ sinh, không phải đi mua. Ngay ở những nước có “phát kiến” cấm dùng túi nhựa phát không trong siêu thị, thì cũng chả có nhà chính trị nào dám “phát kiến” cấm bán túi nhựa PE để đựng rác trong nhà!

Người ta cố tình quên đi đặc điểm của nhựa, trong đó có PE là nhựa có thể được xử lý, tái chế để sử dụng lại (tái sinh vật chất = material recycling) hoặc đốt cùng với rác hữu cơ (tái sinh năng lượng = energy recycling) để sinh ra năng lượng cho những nhà máy phát điện, nhà máy luyện thép, nhà máy xi măng…

Hiện nay ở Đức phần lớn rác thải nhựa sau tiêu dùng được mua lại để đốt thay dầu hoặc than. Ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, phế liệu nhựa đều được tái chế lại, một số với công nghệ hiện đại cho ra sản phẩm chất lượng cao, hoàn toàn không làm ô nhiễm môi trường. Vậy thì mấu chốt của vấn đề là thu gom cho hiệu quả. Và đây là vấn đề không chỉ riêng cho rác thải nhựa. Và đây là nhiệm vụ của chính quyền tổ chức để xã hội có một hệ thống phần loại rác và xử lý hiệu quả.

Một điểm nữa trong việc “nói không” với túi nhựa PE là gì? Là bán túi may bằng vải dệt bằng sợi PP (cũng là nhựa gốc polyolefins như PE), với trọng lượng nặng hơn gấp cả vài chục lần túi PE, và người tiêu dùng có sử dụng lại vài chục lần hoặc túi có tải nặng gấp vài chục lần hay không thì đó là chuyện của người tiêu dùng. Còn cho chủ siêu thị thì thay vì phải mua túi để phát không như là một dịch vụ khách hàng, thì bây giờ, “nhân danh môi trường” ta bán… Còn đó có thật là giải pháp cho môi trường hay không thì là hậu xét.

Nên nhớ, trong trường hợp này chủ siêu thị có thêm lợi nhuận, bớt chi phí, mà khách hàng thì không thể than phiền vì bị móc túi! Xét như vậy thì chuyện siêu thị sử dụng túi PE tự hủy coi có vẻ “chân thành” hơn với mục tiêu bảo vệ môi trường. “Chân thành” vì thiếu thông tin, cũng có thể do thông tin sai từ nhà sản xuất, và từ một vài báo chí chưa hiểu hết thực chất vấn đề mà cứ tha hồ “tuyên dương” cái sai này, không cần biết thực chất những loại túi tự hủy này có thực bảo vệ môi trường hay không.

Cần biết rằng hiện nay có hai loại tự hủy:

  • Tự hủy sinh học (biological degradation), là loại nguyên liệu nhựa có gốc sinh học, sẽ bị vi trùng dùng làm “thực phẩm” của chúng, có thể dùng làm compost/ phân được trong điều kiện có đủ độ ẩm và oxy (hydro-biodegradation). Nhưng không phải là loại nhựa nào có gốc sinh học cũng có thể tự hủy! Đây là nhầm lẫn của nhiều người !
  • Loại khác là trộn một phụ gia gồm cả bột đá và tinh bột khoai mì chẳng hạn vào nhựa. Loại này không thể tự hủy sinh học được mà chỉ có thể phân hủy/phân rã trong môi trường có oxy, có độ ẩm, chỉ có thể tan rã (disintegration) dưới ánh nắng (tia UV) hoặc tan rã dưới tác dụng của nhiệt. Thực chất có nghĩa là năng lượng mặt trời sẽ làm đứt dần các chuỗi phân tử và làm rác “biến mất” khỏi mắt ta mà thôi, trong khi thực tế là từ những vật thể lớn được phân rã thành các vật thể nhỏ.

Đây chính là nguy cơ to lớn vì khi rác thải phân hủy thành các vật thể nhỏ thì chúng sẽ dễ dàng phát tán vào môi trường (nước, không khí) nhanh hơn, khó kiểm soát hơn và do vậy cũng gia tăng nguy cơ gây hại cho môi trường và cho con người. Mặt khác giải pháp mà Việt Nam ta đang sử dụng (được miễn thuế môi trường và bị cấm dung tại Châu Âu) là gián tiếp khuyến khích người ta xả rác và chính quyền thì không cần phải mệt óc lo chuyện thu gom rác! Khi chôn thì không bao giờ bị phân hủy, vì không có oxy, và năng lượng.

Ở Việt Nam không có ai sản xuất bao bì tự hủy sinh học cho thị trường trong nước cả, mà chỉ dùng để xuất khẩu sang Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Tổng sản lượng của nhựa có gốc sinh học trên thế giới năm 2019 mới chỉ có khoảng 300.000 tấn, so với hơn 300 triệu tấn nhựa có gốc từ dầu và khí đốt, chỉ bằng 0,1% (một phần ngàn). Ở đây chưa nói đến giá quá cao và khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu này tại Á châu, vì thế hầu hết nhựa có gốc sinh học, tự phân hủy sinh học, cho đến nay đều được dùng cho những ứng dụng trong y khoa.

Nhìn như thế để thấy rằng, rác là một vấn đề của sự phát triển, và không một loại nguyên liệu tự hủy nào có thể giúp ta giải quyết vấn đề rác, mà chỉ có thể qua luật lệ, tổ chức thu gom hiệu quả và kinh tế, cũng như áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại, thích hợp với môi trường và qua ý thức, sự tự hạn chế của mỗi thành viên trong xã hội.

Nguyễn Như Khuê

Đọc thêm

lên đầu trang