“Đánh thức” cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường bằng âm nhạc

31/10/2019 04:23

(173)


Với mong muốn sử dụng âm nhạc để “đánh thức” cộng đồng về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nghệ sĩ piano Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên sẽ công diễn chương trình âm nhạc mang tên “Tỉnh” gắn với chủ đề môi trường, diễn ra vào ngày 24/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Âm nhạc luôn có sức mạnh cảm hoá và lan toả, có thể kết nối, nâng cao nhận thức con người. Bằng bút pháp sáng tác khí nhạc phương Tây mang hơi thở âm nhạc truyền thống của ca trù, thông qua chương trình, nghệ sĩ piano Phó An My sẽ chạm đến trái tim mỗi khán giả yêu âm nhạc, khơi nguồn cảm hứng và thôi thúc mỗi người hãy hành động để bảo vệ môi trường.

Nghệ sĩ piano Phó An My “cháy” hết mình trên sân khấu

Đêm diễn “Tỉnh” là dự án tiếp nối chặng đường “độc thoại” của nghệ sĩ piano Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Chặng đường đi tìm chính mình, hướng về nguồn cội. Mỗi một bước đi như để tự hào và gìn giữ những nét tinh hoa độc đáo bản sắc Việt.

Dựa trên 5 nguyên tố căn bản cấu thành trái đất và vũ trụ (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) tương ứng trong quan niệm cổ nhạc Việt Nam và phương Đông (hò, xừ, xang, xê, cống), bằng bút pháp sáng tác khí nhạc phương Tây nhưng chứa đựng hơi thở của ca trù, chương trình “Tỉnh” phác hoạ hình ảnh các khung cảnh thiên nhiên đẹp kỳ diệu, lộng lẫy, hùng vĩ. Tuy nhiên, dưới bàn tay tác động của con người, đã tạo ra sự biến đổi khí hậu, khiến cho trái đất phải “oằn mình” gánh chịu lũ lụt, hạn hán, động đất, cháy rừng, bão… Hàng loạt thiên tai xuất hiện dày đặc như một lời cảnh báo của thiên nhiên dành cho con người.

Nghệ sĩ Phó An My chia sẻ: Hơn 10 năm qua, tôi đã thực hiện 9 chương trình. Là nghệ sĩ nhạc cổ điển nên tôi muốn dàn dựng những đêm nhạc sử dụng nhạc cụ của phương Tây nhưng người nghe vẫn thấy hơi thở của âm nhạc Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu muốn âm nhạc Việt tiến xa hơn, mang tính quốc tế hóa thì người nhạc sĩ phải biết chắt lọc tinh hoa của âm nhạc dân tộc để hòa quyện vào âm nhạc bác học, làm nên tác phẩm của của riêng mình.

Đã tròn 15 năm chặng đường nghệ thuật của nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên và nghệ sĩ piano Phó An My kể từ khởi đầu khi cánh cửa của con đường sáng tạo âm nhạc được mở ra từ ý tưởng “Đối thoại” vào năm 2004 và lần đầu tiên được giới thiệu thành công tại Festival Huế 2004.

Mỗi trang “Đối thoại” của Đặng Tuệ Nguyên và Phó An My đều là những đêm hòa nhạc để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả.

Đó là những đêm nhạc giàu cảm xúc, chứa đựng nhiều bất ngờ từ “Lửa” (Đối thoại piano-tuồng); “Bóng (Đối thoại piano-Hầu văn); “Gió” (Đối thoại piano-chèo). Năm 2017, đánh dấu một bước ngoặt mới khi Đặng Tuệ Nguyên và Phó An My quyết định bứt phá bằng ngôn ngữ và tư duy sáng tạo âm nhạc mới. Bước ngoặt mới này, Đặng Tuệ Nguyên và Phó An My định danh là “Độc thoại”.

“Độc thoại” là tự vấn mình, tự lục tìm trong mình những dấu vết của di sản cha ông đã ban tặng mà người nghệ sĩ đã thu lượm được, đã cảm nhận và lưu giữ được trong dòng máu và tâm hồn mình. Người nghe sẽ không còn thấy hiện diện cụ thể một khúc đàn, một khúc nhạc, một khúc dân ca cụ thể nào đó nữa mà chỉ chợt thấy, chợt bắt gặp dung dáng cổ nhạc trong những tuyến giai điệu, nhịp điệu, tiết điệu, âm sắc hoặc hòa âm trên cây đàn piano và các nhạc cụ đồng diễn. Đêm “Độc thoại” đầu tiên với chủ đề “Độc hành” mang đậm hương sắc vùng cao Đông Bắc Việt Nam được giới thiệu tại Hà Nội năm 2017.

Năm 2019, đánh dấu bước dấn thân dũng cảm hơn nữa của Đặng Tuệ Nguyên và Phó An My khi nghệ sĩ piano Phó An My sẽ “cô đơn” trên sân khấu. Đây là cuộc hành trình “Độc thoại” thực sự. Phó An My muốn một mình bộc lộ những khát khao, trăn trở của mình cùng cây đàn piano gắn bó với chị từ những năm tuổi thơ. Nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên đã “gồng mình” đáp ứng những khát khao đó khi tìm nguồn cảm xúc từ âm nhạc của nghệ thuật dân gian ca trù. Chương trình “Tỉnh” gồm nhiều trường đoạn, mỗi trường đoạn thể hiện một nội dung mang tính thực tiễn sâu sắc về thiên nhiên, cây cỏ, môi trường sống, cùng những thảm họa tác động từ con người.

“Sử dụng nhạc cụ phương Tây, nhưng người nghe vẫn nghe vẫn cảm nhận ra âm nhạc dân gian Việt Nam, đó mới là cái khó. Hơn nữa, ca trù là loại hình nghệ thuật đã ăn sâu vào tâm thức của bao thế hệ người dân Việt Nam. Khi kết hợp piano với ca trù, người nghệ sĩ phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng từng nốt nhạc, giai điệu. Đêm diễn thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên tôi sẽ cống hiến hết mình để mang đến cho khán giả những tiết mục hấp dẫn…”, nghệ sĩ Phó An My cho biết.

Có mặt tại tư gia của nghệ sĩ Phó An My để “thực mục sở thị” quá trình chuẩn bị cho chương trình “Tỉnh” mới thấy tinh thần dấn thân vì nghệ thuật của chị. Chương trình “Tỉnh” không nhằm mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận bởi lâu nay những chương trình âm nhạc bác học thường rất kén người nghe. Tuy nhiên, nghệ sĩ Phó An My vẫn đam mê và quyết tâm thực hiện chương trình này với một niềm mong muốn duy nhất, đó là làm sao bảo tồn, phát huy được giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống của Việt Nam bằng sự kết hợp với âm nhạc bác học.

Theo QĐND Online

 

Đọc thêm

lên đầu trang