Đặc sản Vàm Sát chớ nên bỏ lỡ khi đến Cần Giờ
(156)
Nếu có dịp đặt chân đến vùng đất Cần Giờ, chắc chắn bạn sẽ phải qua cánh rừng Sác xanh ngắt, sau đó là đến khu du lịch Vàm Sát. Tới đây ngoài được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, được chiêm ngưỡng nhiều loại động vật quý hiếm, đặc biệt, bạn còn được thưởng thức những món ăn dân dã, đậm vị đặc trưng của vùng nước ngập mặn.
Trước chiến tranh, Cần Giờ là khu rừng ngập mặn với quần thể động thực vật phong phú. Nhưng trong giai đoạn chiến tranh, bom đạn và chất độc hóa học đã làm nơi đây trở thành “vùng đất chết”. Năm 1979, UBND TP.HCM phát động Chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ, trong đó có khu vực Vàm Sát (nằm trên địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ). Một thời gian ngắn sau, rừng ngập mặn Cần Giờ đã hồi sinh trở lại, trở thành một khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ thống động thực vật phong phú đặc trưng của vùng đất ngập mặn.
Tận dụng đặc điểm tự nhiên và nguồn đa dạng sinh học thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ, chính quyền thành phố đã quy hoạch khu Vàm Sát Cần Giờ thành một địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Năm 2003, Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO đã công nhận Vàm Sát là 1 trong 2 khu du lịch sinh thái bền vững tại Việt Nam. Năm 2014, Vàm Sát được lọt vào danh sách “TP.HCM – 100 điều thú vị”
Bên cạnh khai thác du lịch, Vàm Sát còn làm nhiệm vụ bảo tồn rừng và động vật. Đến đây, du khách có thể thấy những con cá sấu Xiêm và cá sấu Hoa Cà được nuôi thả trong đầm lầy tự nhiên. Nhữngloài khỉ đuôi dài hoang dã không sợ người lạ. Những đàn dơi nghệ thuộc loài quý hiếm trên thế giới sống bầy đàn trong rừng sâu, hay những giống chim quý sống tự nhiên trên những ngọn cây cao. Ngoài ra, du khách có thể lên Tháp Tang Bồng nằm ở giữa khu du lịch Vàm Sát với chiều cao 26 m để chiêm ngưỡng toàn cảnh khu rừng ngập mặn Cần Giờ…
Đặc biệt, du khách đến đây sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã đặc trưng vùng đất ngập mặn, được nuôi trồng, khai thác ngay tại khu vực Vàm Sát.
Vịt nước mặn Vàm Sát
Vịt nước mặn hay còn gọi là vịt đầm lầy, hoặc vịt không mỡ. Đây là những con vịt biển được nuôi thả tự nhiên trong hệ thống đầm nước mặn của Vàm Sát. Thức ăn của chúng là tôm cua chết hoặc yếu trong các đầm thủy hải sản. Điều này giúp cho việc nuôi tôm cua cũng ngăn được dịch bệnh. Đồng thời, do vận động trong môi trường tự nhiên, vịt nước mặn có thịt chắc. Đặc biệt, dưới lớp da của chúng rất ít mỡ. Mỗi con có trọng lượng từ 2,3 đến 3 ký.
Vịt nước mặn Vàm Sát có thể được chế biến làm 3 món: Vịt quay lu, gỏi vịt rau rừng, cháo vịt. Trong đó, món vịt quay lu sẽ mang đến một vị ngon lạ, bởi da vịt được quay chín đỏ, dòn cùng thịt vịt mềm, không mỡ, thơm ngon. Để khẩu vị trở nên đa dạng, phần vịt quay lu còn được thưởng thức kèm với rau Bui – một loại rau đặc biệt của vùng rừng ngập mặn Cần Giờ. Với món gỏi vịt trộn với rau Lìm Kìm – cũng là một loại rau đặc biệt khác của vùng đất này: Thịt vịt luộc vừa tới, trộn rau lìm kìm, hành tây và cà rốt bào sợi, được chấm vào nước mắn chấm gỏi hơi ngọt một chút để kiềm với vị chua của rau lìm kìm. Còn với món cháo vịt, được nấu bằng gạo thơm, thêm chút đậu xanh và nấm rơm, rắc một chút tiêu, chút ớt sẽ đem đến cho du khách một vị ngon đặc biệt.
Cá Thòi lòi
Cá thòi lòi sinh sống rất nhiều ở vùng nước ngập mặn Cần Giờ, ngoài biết bơi như các loại cá khác, chúng còn có khả năng… trèo lên cây. Cá thòi lòi cũng có hình dáng khác biệt so với những dòng cá khác, bề ngoài của chúng khá xấu xí. Điểm đặc biệt của cá thòi lòi chính là đôi mắt to, tròn và lồi ở trên đỉnh đầu. Khi bơi dưới nước, người ta thấy hai con mắt chúng lồi lên trên. Chính vì thế, người ta gọi là cá “thòi lòi”. Trước kia, cá thòi lòi là món ăn của người dân nghèo vùng biển. Giờ đây cá thòi lòi là món ăn hấp dẫn đối với khách du lịch khi đặt chân đến những vùng đất ngập mặn như Vàm Sát. Cá thòi lòi nướng muối ớt, gỏi thòi lòi lá Lìm Kìm và chả thòi lòi cuộn tôm là những món đặc trưng của Vàm Sát.
Trước khi nướng, cá thòi lòi sẽ được bôi lên một lớp muối ớt hột rồi mới nướng. Do chiều dài thân cá thòi lòi chỉ khoảng 30 cm, nên đầu bếp sẽ phải dở đều tay. Khi da thòi lòi vừa ửng vàng, có mùi thơm là lúc cá chín tiếp tục được sẽ bôi lên một lớp mỡ hành để tăng thêm mùi vị. Mặc dù hình thù của cá thòi lòi sau khi nướng trông khá “gớm ghiếc”, nhưng khi rẻ cá ra, du khách sẽ thấy thịt cá trắng, thơm ngon, đặc biệtđể cá nguội vẫn không có mùi tanh.
Đối với món gỏi thòi lòi trộn lá lìm kìm, cá thòi lòi cũng được đem nướng, nhưng không tẩm muối ớt hay gia vị. Sau khi cá chín, xé nhỏ cá thành từng miếng vừa miệng. Sau đó, trộn với rau lìm kìm có vị chua nguyên chất, cùng một số rau khác và hành củ trang trí như các món gỏi thông thường. Món ăn này được chấm nước mắm ngọt và ăn cùng với bánh phồng tôm. Ngoài ra, cá thoi lòi còn được xay nhuyễn làm thành chả cá như thông thường. Sau đó cuộn vào 1 con tôm đã hấp chín. Đồng thời, bọc bên ngoài bằng rong biển thay cho “bánh tráng”. Sau đó, đưa vào chảo dầu chiên cho chín, ăn kèm với rau sống, cà chua chín.
Rau Bui, rau Lìm Kìm
Thưởng thức ẩm thực Vàm Sát, du khách sẽ không thể nào không nhớ tới 2 món rau đặc biệt: Rau Bui và rau Lìm Kìm. Hai loại này là đặc trưng của vùng ngập mặn Cần Giờ, chúng mọc nhiều nhất là ở vùng trung tâm của Khu Du lịch sinh thái Vàm Sát. Đây là những “gia vị” không thể thiếu tạo nên hương vị ẩm thực mà chỉ Vàm Sát mới có.
Rau Bui còn được gọi bằng cái tên khác Sơn cúc hai hoa, Cúc mặt trời, Hải cúc. Rau Bui có hoa màu vàng, thân có lông cứng thưa, phiếm lá hình xoan tam giác, mép lá có răng cưa và ít lông nhám trên hai mặt. Người ta thường hái những đọt lá non về xào, hoặc ăn sống như các loại rau thông thường. Mùi vị của rau Bui gây ấn tượng cho người dùng là có vị đăng đắng như khổ qua. Đồng thời có một chút the the như rau kinh giới. Nhưng nếu nhai kỹ một lúc sẽ vị giống thuốc bắc. Thông tin từ một số nghiên cứu cho biết, rau Bui có dược tính rất tốt giúp: bổ máu; lưu thông máu; làm dịu các cơn đau dạ dày… Ngoài ra, có thể giã nhỏ để đắp trị vết thương hoặc ghẻ ngứa.
Rau Lìm Kìm là loại thân leo, bò trườn, mọc nhiều khu vực gần kênh rạch, bờ đê trong rừng vùng đất phèn mặn. Người dân hay gọi với những cái tên khác là rau liềm kiềm, rau kìm, rau bìm nước. Đặc sản rau lìm kìm có lá màu xanh mướt, nhỏ cỡ ngón tay, thon thon tựa mắt ngọc. Điểm đặc biệt của đặc sản Lìm Kìm là vị chua khác nhau. Hái buổi sáng sớm, lá Lìm Kìm có vị chua chua hậu ngọt. Hái buổi trưa, đặc sản rau Lìm Kìm có vị chát hăng. Và buổi chiều, lá có vị chua chát… Để lá Lìm Kìm có vị chua chua và ít chát, người ta phải hái lá lúc mặt trời ló dạng.
PHƯƠNG LAN
MỚI ĐĂNG
- TP.HCM góp phần “Xanh hóa Trường Sa” với Chương trình ” Một triệu cây vì biển đảo Tổ quốc, Vì Quê hương Việt Nam Xanh”
- Chứng chỉ năng lượng tái tạo I-REC tại Việt Nam: Cùng Alena Energy hướng tới tương lai xanh
- Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức cuộc thi “SÁNG TẠO XANH – SÓNG TRONG LÀNH
- SAPUWA vinh dự được trao danh hiệu “Doanh nghiệp Xanh TP. HCM năm 2024”
- HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN MÔI TRƯỜNG TP HCM ĐẾN THĂM LỮ ĐOÀN TÊN LỬA BỜ 681
- Fujiwa Vietnam góp mặt trong TOP 98 “Doanh nghiệp Xanh TP. HCM năm 2024”
- ĐIỆN QUANG VINH DỰ ĐẠT DANH HIỆU DOANH NGHIỆP XANH 2024
- HANE tham gia đồng hành cùng Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”
- Hơn 60 doanh nghiệp, tập đoàn tham dự hội thảo “Tăng cường hiệu quả sản xuất với MES và IIoT – Giải pháp thông minh cho doanh nghiệp hiện đại”
- HUTECH TECHSHOW 2024: Cầu Nối Vững Chắc Giữa Nhà Trường Và Doanh Nghiệp