‘Cuộc chơi’ dành cho doanh nghiệp nhập khẩu đường?

31/03/2021 11:55

(69)

Ngày 9-2 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái-lan.


Với quyết định này, mới xem ngỡ tưởng hướng đến có lợi và cứu vãn người nông dân, doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước sau khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Atiga) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế thì liệu đây có phải “cuộc chơi” chỉ dành cho các DN nhập khẩu đường từ Vương quốc Thái-lan (?).

mía đường, nhập khẩu đường

Nhiều điểm còn băn khoăn

Điểm đầu tiên có thể thấy Atiga đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 nhưng sau hơn một năm đến ngày 16-2-2021, Quyết định số 477/QĐ-BCT mới có hiệu lực nhưng đây mới chỉ là quyết định tạm thời (?).

Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2019 dưới hình thức nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu các DN mía đường trong nước đã ồ ạt nhập khẩu đường có nguồn gốc từ Thái-lan, gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành mía đường trong nước.

Điển hình như Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) và các công ty thành viên trong khoảng bốn tháng đầu năm 2019 đã nhập khẩu hơn 193,6 nghìn tấn đường các loại và cả niên vụ 2018 – 2019 DN này đã nhập khẩu và mua ngoài khoảng hơn 550 nghìn tấn đường các loại.

Bước sang đầu năm 2020, khi Atiga chính thức có hiệu lực mức thuế nhập khẩu chỉ còn 5% thì các DN mía đường trong nước đã gia tăng nhập khẩu đường trắng tinh luyện và đường thô từ Thái-lan.

Theo số liệu của Hiệp hội mía đường Việt Nam, trong chín tháng đầu năm 2020, các DN trong nước đã nhập khẩu đường từ Thái-lan hơn 952,8 nghìn tấn (theo số liệu chúng tôi có được thì TTC Sugar và các công ty thành viên nhập khẩu chiếm khoảng 2/3 tổng lượng đường nhập khẩu cả nước, khoảng gần 560 nghìn tấn).

Trong ba tháng cuối năm, sau khi Bộ Công thương có Quyết định số 2466/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía, hiện tượng bùng nổ nhập khẩu đường từ Thái-lan với số lượng hơn 378,7 nghìn tấn.

Như vậy, năm 2020 các DN Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,33 triệu tấn đường từ Thái-lan. Các DN có số lượng đường nhập khẩu lớn phải kể đến như Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar), Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsugar), Công ty TNHH Một thành viên Vilitas Thái Bình, Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Cuộc Sống Việt…

Trên thực tế, đến ngày 21-9-2020 Bộ Công thương mới có Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái-lan.

Theo thông báo của Bộ Công thương, việc điều tra này xuất phát từ việc ngày 20-8-2020, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương (Cơ quan điều tra) nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có các mã HS 1701.13.00, 1701.14.00 và 1701.99.10 (hàng hóa bị điều tra) có xuất xứ từ Thái-lan.

Bên yêu cầu là đại diện của ngành sản xuất đường mía trong nước, gồm sáu DN là Công ty CP Mía đường Sơn La, Công ty CP Mía đường Sơn Dương, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty CP Mía đường Cần Thơ, Công ty CP Mía đường 333 và Công ty CP Mía đường Sóc Trăng. Mức thuế đề xuất của bên yêu cầu chống bán phá giá với hàng hóa bị điều tra ở mức 37,9%.

Trong khi đó, hơn 5 tháng sau khi tiến hành điều tra, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái-lan (tăng cao hơn so với mức đề xuất tại Quyết định số 2466/QĐ-BCT) với  đường tinh luyện và các loại đường mía khác không phải đường thô là 44,23% và mức thuế chống trợ cấp tạm thời là 4,65% (tổng cộng là 48,88%); đường thô được áp thuế chống bán phá giá tạm thời là 29,23% và mức thuế chống trợ cấp tạm thời là 4,65% (tổng cộng là 33,88%).

Tuy nhiên, theo Quyết định số 477/QĐ-BCT thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời có thời hạn áp dụng là 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực (từ ngày 16-2-2021).

Áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước (hồi tố) đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá, có trợ cấp; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá, có trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

Đến thời điểm này, Quyết định số 477/QĐ-BCT cũng chỉ là một quyết định tạm thời. Như vậy, nếu được áp dụng thì hàng trăm nghìn tấn đường mía được các DN trong nước nhập khẩu trước đó vẫn “nằm ngoài” việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái-lan (?).

Ai là người hưởng lợi?

Từ hai Quyết định số 2466/QĐ-BCT và Quyết định số 477/QĐ-BCT, một chuyên gia của ngành mía đường cho rằng: “Ngay trong nội dung mức thuế theo bên yêu cầu của sáu DN ngành mía đường về đề xuất mức thuế chống bán phá giá với quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đã có sự khác biệt. Đây chính là kẽ hở để các DN nhập khẩu mía đường tận dụng tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu đường mía từ Thái-lan”.

Thực tế, trong Quyết định số 2466/QĐ-BCT thì đề xuất về mức thuế của bên yêu cầu với loại hàng hóa bị điều tra ở mức 37,9% nhưng tại Quyết định số 477/QĐ-BCT lại được tách ra làm hai loại với 44,23% đường tinh luyện và đường thô là 29,23% (chênh lệch 15%).

Với mức chênh lệch này, đường nhập từ Thái-lan sẽ lệch nhau khoảng 1.500 đồng/kg. Chuyên gia cũng cho biết: “Đối với việc trợ giá của Chính phủ Thái-lan được thực hiện trực tiếp với người nông dân trồng mía hoặc thông qua DN. Như vậy, tiền hỗ trợ sẽ được tính đều trên số lượng đường mía được sản xuất ra. Do đó, việc tách rời mức áp giá thuế chống bán phá giá là không phù hợp và DN sẽ chuyển hướng chỉ nhập đường thô”.

Trước việc chậm trễ đưa quyết định chính thức vào áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, đồng thời tình trạng ồ ạt nhập khẩu đường của các DN trong nước (kể cả thời điểm đã có Quyết định điều tra của Bộ Công thương) thì ai là người đang hưởng lợi (?).

Nhìn từ con số năm 2020, các DN Việt Nam đã nhập 1,33 triệu tấn đường mía từ Thái-lan, với mức giá trung bình khoảng 450 USD/tấn (tương đương khoảng hơn 10,3 triệu đồng/tấn) thì tổng giá trị nhập khẩu đường lên đến hơn 13.500 tỷ đồng.

Trong đó,  nếu áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái-lan theo như Quyết định số 477/QĐ-BCT lấy trung bình 41,38% (từ 48,88% và 33,88%) thì ngân sách nhà nước có thể thu về hơn 5.379,4 tỷ đồng.

Từ đây cũng có thể thấy được rằng, mỗi kg đường được nhập khẩu từ Thái-lan vào trong nước sẽ có mức chênh lệch khoảng 4.200 đồng. Với mức độ chênh lệch này thì các DN trong nước như TTC Suger, Vietsugar… sẵn sàng “loại bỏ” người trồng mía ra khỏi cuộc chơi, không tập trung cho vùng nguyên liệu mà ồ ạt nhập khẩu đường từ Thái-lan cũng là điều không khó hiểu (?).

Thực tế, niên vụ mía 2020 – 2021 tiếp tục là một năm khó khăn của DN mía đường và người nông dân trồng mía trong nước. Đến thời điểm này, chưa kết thúc niên vụ nhưng nhiều địa phương trên cả nước đã tạm ngưng việc thu mua và chế biến mía đường.

Nguyên nhân chính được xác định năm nay, diện tích và sản lượng mía tiếp tục giảm. Theo đánh giá của Hiệp hội mía đường Việt Nam, sản lượng đường sản xuất trong nước niên vụ này chỉ đạt khoảng 75% so với niên vụ trước.

Niên vụ mía 2019 – 2020 sản lượng đường sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 750 nghìn tấn, trong khi đó niên vụ 2018 – 2019 tổng sản lượng mía đạt khoảng 12 triệu tấn mía và sản xuất được 1,2 triệu tấn đường. Đồng thời diện tích mía tiếp tục giảm xuống dưới 150 nghìn ha, thấp hơn so với vụ trước khoảng 10 nghìn ha.

Trong khi đó, bước vào đầu vụ giá mía khoảng 850 nghìn đồng/tấn, tăng dần lên 900, 950 nghìn và thời điểm hiện tại nhiều khu vực nhà máy thu mua khoảng 1,1 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân chính được xác định là do giá đường thị trường thế giới tăng cao và một phần tác động từ Quyết định số 477/QĐ-BCT trong việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái-lan.

Bài và ảnh: VIẾT ĐOÀN, CHÍ KIÊN, DUY TÂN/Theo Báo Thời Nay
https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-phongsu/cuoc-choidanh-cho-doanh-nghiep-nhap-khau-duong–640133/

Đọc thêm

lên đầu trang