Tại buổi làm việc với đoàn công tác về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) năm 2017, định hướng năm 2018 do Phó Bí thư Thảnh ủy TPHCM Võ Thị Dung làm trưởng đoàn ngày 24-10 vừa qua, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Trương Văn Thống khẳng định huyện sẽ quyết tâm xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.
CỦ CHI TIÊN PHONG ĐI ĐẦU XÂY DỰNG CHUỖI THỰC PHẨM AN TOÀN
Theo ông Trương Văn Thống, Củ Chi là huyện thuần nông; trong định hướng phát triển, huyện đang khuyến khích người dân sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng nông sản đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Cụ thể, trong tiêu dùng, huyện đã yêu cầu tất cả trường học phải sử dụng thực phẩm được mua từ hệ thống siêu thị Co.opmart, tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Huyện cũng đề nghị phía Co.opmart không tính chiết khấu cho nhân viên đi mua hàng mà giảm giá trực tiếp vào sản phẩm nhằm kéo giảm giá tiền nhưng vẫn đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh.
Dự kiến, trong tháng 11-2017 tới, huyện sẽ yêu cầu tiểu thương tại 16 chợ truyền thống phải tham gia bán thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả truy xuất được nguồn gốc, tiến tới loại bỏ dần các loại thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Trong sản xuất, huyện Củ Chi tập trung phát triển 200ha rau muống đạt chuẩn VietGAP tại xã Bình Mỹ, xem đây là mô hình thí điểm trong việc trồng rau sạch. Để làm được việc này, huyện sẽ tăng cường công tác test nhanh, nếu sản phẩm của hộ nào không đạt yêu cầu sẽ kiên quyết tiêu hủy chứ không “mang sản phẩm này đến bán ở nơi khác” như trước. Ngoài ra, huyện cũng tập trung phát triển đàn bò sữa, tiến tới hình thành trung tâm bò sữa và xây dựng thương hiệu bò sữa Củ Chi. Nguồn sữa này trước mắt sẽ cung cấp cho chương trình sữa học đường trên toàn địa bàn huyện Củ Chi và các quận huyện khác của TPHCM. Với mặt hàng rau và hoa, huyện cũng sẽ hướng các hộ sản xuất áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, các tiêu chuẩn an toàn để tạo ra sản phẩm có chất lượng.
Ông Trương Văn Thống, cho rằng, để tồn tại và cạnh tranh, huyện sẽ kiên quyết đi theo hướng sản xuất sạch và sẽ làm được điều này. “Tuy nhiên, cái khó là nếu chúng ta không có sự phối kết hợp giữa các tỉnh thành để triển khai đồng bộ, sẽ rất khó cho Củ Chi. Nếu chúng ta có thịt ngon, rau sạch nhưng các loại thực phẩm khác không đảm bảo chất lượng sẽ làm giảm ý nghĩa. Do vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần ban hành khung pháp lý để tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn, giúp người dân định hướng sản xuất và tạo sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường”, ông Thống kiến nghị.
Trong thời gian tới, huyện Củ Chi sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, định hướng phát triển hệ thống phân phối trên địa bàn huyện đúng quy hoạch; xây dựng chợ truyền thống theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại, an toàn; góp phần tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát về ATTP, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện cho đối tượng là DN, tiểu thương về các lĩnh vực như nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiết kiệm năng lượng và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
TP.HCM CŨNG TĂNG TỐC TRONG VIỆC ĐẨY MẠNH CHUỖI THỰC PHẨM AN TOÀN
Vừa qua, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Đề án chuỗi thực phẩm an toàn” tại TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu của đề án nhằm kiểm soát tốt sản phẩm từ sản xuất đến lưu thông, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất cấm, hóa chất ngoài danh mục…
Đề án cũng đặt ra kế hoạch đến cuối năm 2017, các sản phẩm thuộc chuỗi đạt trên 20% tổng sản lượng nông sản, thực phẩm cùng loại được tiêu thụ trên địa bàn thành phố; xây dựng cơ sở kinh doanh các sản phẩm thuộc chuỗi trong hệ thống siêu thị, chợ phiên nông sản an toàn.
Hiện TP.HCM đang tăng tốc xây dựng ba chuỗi thực phẩm an toàn, gồm: chuỗi sản phẩm động vật (heo, bò, gà, vịt, trứng), chuỗi sản phẩm thực vật (các loại rau củ quả), chuỗi sản phẩm thủy sản (tôm, cá, nước mắm).
THÙY ANH (tổng hợp)