spot_img

Cơn ác mộng ô nhiễm không khí

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm 2019 này là “Ô nhiễm không khí”, và mới đây ấn phẩm tiêu biểu Từ điển Oxford của Nhà Xuất bản Đại học Oxford Anh quốc nổi tiếng với các công trình nghiên cứu ngôn ngữ quy mô, uy tín, vừa chọn “climate emergency” (tạm dịch : “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”) là “từ của năm 2019”. Cụm từ này được chọn sau khi khảo sát tần suất sử dụng nó tăng hơn 100 lần trong năm qua, chứng tỏ diễn biến tiêu cực của khí hậu đã đến mức cấp cứu để ngăn chặn trước khi quá muộn. Rõ ràng cặp đôi Biến đổi khí hậu và Ô nhiễm không khí đang dần hiện diện rõ nét như 1 đề tài thời sự đen tối của nhân loại.

THỰC TRẠNG BÁO ĐỘNG CỦA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ 

Trong các dạng ô nhiễm với các hệ sinh thái và cuộc sống con người, ô nhiễm không khí là đáng sợ nhất vì sức lan tỏa sâu rộng, dễ gây nhiễm, sự cảm thụ thì mờ nhạt nhưng tác động thì trực tiếp, nhanh chóng, ảnh hưởng nặng nề lên cơ thể con người và động vật. Người ta có thể sống cả tháng thiếu ăn, cả tuần thiếu nước nhưng không thể quá vài chục phút thiếu không khí, và sẽ chết dần trong ngột ngạt nếu bầu không khí có chất lượng tệ hại, ô nhiễm dù vẫn đủ không khí để thở. Chính vì thế mà ô nhiễm không khí là thứ vấn nạn nghiêm trọng mang tầm xuyên quốc gia và đang là thách thức đau đầu nhất của cả thế giới.

Ô nhiễm không khi & Biến đổi khí hậu : Cặp bài trùng tai họa

Ô nhiễm không khí có liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu, trong đó quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch vừa gây ô nhiễm không khí, vừa là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Phát thải khí sản xuất, công nghiệp, canh nông, giao thông vận tải, sinh hoạt đã gây hiệu ứng nhà kính làm nóng lên bầu khí quyển tạo biến đổi khí hậu, và biến đổi đó tác dụng đảo chiều làm tăng tốc thêm các tác động tiêu cực lên tình trạng không khí sẵn bị ô nhiễm. Hai động thái này tương tác hữu cơ nhau như 1 vòng xoáy tệ hại ngày càng đưa bầu khí quyển bảo bọc ta đến tình trạng thảm họa lớn dần. Tuy có mối liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng khác với tầm tác động đã rộng lớn, căn cơ, sâu sắc của Biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí đang xuất hiện rõ rệt hơn, trực tiếp hơn, quy mô hơn, mãnh liệt hơn và hiện cũng đang là mối quan tâm toàn cầu vì được xem như tác nhân hàng đầu ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và sức khỏe.

Ô nhiễm không khí là thảm họa khó kiểm soát đang phủ bóng đen chết chóc lên mọi ngóc ngách từ nơi đông đúc thị thành, làng thôn đến nơi hẻo lánh rừng núi, băng giá của trái đất với tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Dữ liệu về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết ở hầu hết các thành phố trên thế giới với dân số từ 100.000 người tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, có đến 60% dân cư ở những cộng đồng yếu thế, khu vực thiệt thòi đang hít thở thứ không khí không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm đến 92% trong tổng số 9 triệu ca tử vong toàn cầu vì ô nhiễm không khí, và 3 đối tượng dễ tổn thương nhất là Phụ nữ, trẻ em và người lao động ngoài trời, cũng chính là 3 thành phần có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Ô nhiễm không khí kéo theo bao hệ lụy môi trường và sức khỏe, làm sụt giảm năng suất lao động lẫn chất lượng cuộc sống, tăng biến động xã hội, tạo gánh nặng khủng khiếp lên hệ thống y tế cộng đồng và bị khẳng định chính là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư thế giới, chỉ đứng sau tim mạch, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách, chiếm 50% số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Những dự báo ảm đạm gần đây về sự tăng tốc của ô nhiễm không khí sẽ đưa số nạn nhân và các ca tử vong vượt mặt cả 3 tai họa sức khỏe kia cộng lại trong 1 ngày không xa khi bùng nổ tình trạng tăng dân số cơ học, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa GDP, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng mà không hề phát triển bền vững sẽ là các yếu tố chủ quan kích tăng tỷ lệ thuận ô nhiễm không khí hòa theo các tác động khách quan tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Diễn biến và hệ quả 

Hai quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ nói trên đứng đầu bảng tử vong toàn cầu do ô nhiễm không khí cũng chính là 2 nước có tình trạng ô nhiễm không khí bị xếp hạng tồi tệ nhất thế giới, còn riêng Việt Nam ta hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á với điều đáng lưu ý là ở các đô thị lớn trong nước -mà tiêu biểu dẫn đầu là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lượng bụi và khí thải đang liên tục tăng cao trong không khí khiến chỉ số chất lượng không khí AQI luôn ở mức báo động. Trên diễn biến đại diện cho cả nước ở 2 thành phố lớn này, AQI của Thủ đô Hà Nội trung bình là 121 với nồng độ bụi mịn PM 2.5 là 50.5 µg/m3 gấp đôi quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp năm lần khuyến nghị từ WHO (10 µg/m3), còn AQI của TP.HCM trung bình là 86, nồng độ PM 2.5 là 28.3 µg/m3 cao một ít hơn so với quy chuẩn quốc gia và gấp ba lần khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Thang đo Chỉ số Chất lượng Không khí (Air Quality Index) là tổng hợp số liệu quan trắc từ 5 nguồn thông số ô nhiễm không khí chủ yếu : (1) Ozone mặt đất; (2) Ô nhiễm phân tử PM (Particulate Matter –Vật chất vi thể); (3) Carbon monoxide (CO); (4) Sulfur dioxide (SO2) và (5) Nitrogen dioxide (NO2). Cả 5 “đối tượng thủ ác” trên tích tụ trong bầu khí quyển của Tầng đối lưu gần nhất bao bọc cuộc sống con người, nơi diễn ra mọi hiện tượng thời tiết, đã tạo mối tương tác tai họa lên ô nhiễm không khí bởi tích tụ bụi, khí thải và nhiệt độ ấm lên do hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu. Trong ô nhiễm không khí do cái “lẩu thập cẩm” của 5 thứ nguyên liệu cơ bản đó thì có đến 4 là tồn tại ở dạng khí tạo ô nhiễm hóa học, chỉ còn ô nhiễm phân tử PM là dạng bụi vi mô gây đủ thứ ô nhiễm vật lý, sinh học, hóa học, đã vậy lại có khuynh hướng tập trung mật độ dày đặc lơ lửng trong lớp gần sát mặt đất, nhất là khi có điều kiện về ẩm độ cao và nhiệt độ thấp, nên đang dần được xem là tác nhân nguy hiểm nhất của ô nhiễm không khí. Hiện tượng mù khô quang hóa đã và đang xảy ra cả ở 2 thành phố lớn VN chính là minh chứng rõ nét cho loại ô nhiễm không khí nguy hại nặng ký phổ biến này.

Chất PM gây ô nhiễm thứ (2) này trong thang AQI là các hạt bụi mịn biến thiên kích cỡ từ 100 đến 1 micron, đang là thủ phạm của các hiện tượng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thường xuyên và tác hại đáng sợ trong diễn biến ô nhiễm môi trường hiện tại, gây hầu hết các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí. Bụi mịn là một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn bay lơ lửng trong không khí -bao gồm sulfate, nitrat, amoniac, natri clorua, cacbon, bụi khoáng và nước. sinh ra từ tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, khói núi lửa, các cơn bão cát, lốc xoáy, hoặc từ chất thải sinh vật nhưng đa phần bụi mịn được tạo ra từ các hoạt động của con người qua việc đốt than củi, đốt nhiên liệu hóa thạch, làm nông nghiệp, phát thải cơ giới nông – lâm, từ các công trình xây dựng, đường phố, phương tiện giao thông, khói máy công nghiệp, đốt rác thải, hỏa hoạn, phá rừng, nấu bếp, hút thuốc.

Trong 1 diễn biến khác, ô nhiễm rác thải nhựa đã biến tướng để hình thành các hạt Vi Hạt Nhựa từ sự phân mảnh do bị phá hủy kết cấu lý – hóa dưới tác động hủy hoại, phân rã của bức xạ UV mặt trời, gió, nước, va đập cơ học, nén vụn, canh tác, xây dựng… Các PM Vi Hạt Nhựa cũng thành bụi mịn có đủ mọi chủng loại PM, kích thước biến thiên từ 1mm đến 1 micron, thậm chí đến nay đã sắp đạt đẳng cấp “vật liệu nano” với đường kính vượt qua ngưỡng 0,1 micron theo đúng quy trình thuận của “công nghệ nano” tự nhiên –là do va đập, nghiền nát, biến dạng, rã mảnh, nhiệt phân, hóa tác… Vi hạt Nhựa có đầy khắp nơi không chừa chỗ nào trên hành tinh do được phân tán từ gió, mưa, luồng nước, kể cả trong cơ thể con người qua chuỗi thức ăn và ghê nhất là tràn lan lơ lửng trong không khí mà ta hít thở đến nỗi được khoa học xem như 1 dạng ô nhiễm không khí mới, có tác động trực tiếp, khó tránh và cực kỳ nguy hiểm.

WHO cho biết có hơn 70.000 bài báo khoa học chứng minh rằng ô nhiễm không khí đang đe dọa cực kỳ tệ hại sức khỏe của chúng ta và dự đoán ​​sẽ còn phát hiện thêm nhiều tác động xấu hơn nữa trong các nghiên cứu tương lai, nhất là khi bụi mịn PM 10 hoặc 2.5 đang được “bổ sung lực lượng” với sự gia nhập tai họa của Vi Hạt Nhựa, thứ PM siêu vi polimer bền vững vừa kể trên. Đám thủ ác này sẽ làm vấn nạn ô nhiễm không khí càng đáng sợ hơn và sẽ không còn là thắc mắc liệu có hay không việc con người hít phải các bụi mịn, bụi nhựa mà vấn đề chỉ còn là không biết rõ lượng hạt ác nghiệt đó mà chúng ta hít vào mỗi ngày mỗi giờ là bao nhiêu !

Tác hại khôn lường mọi mặt 

Ô nhiễm không khí hiện được xem là mối đe dọa môi trường lớn nhất thế giới do ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe con người bởi 4 nhóm nguy cơ : (1) Các phản ứng hóa học bất lợi từ tạp khí ô nhiễm gây phơi nhiễm xâm hại giác quan, nội tạng cơ thể; (2) Tổn thương và tắc nghẽn cơ học trong cơ thể; (3) Gây nhiễm độc đầu độc môi trường mô, cơ, xương, khớp, nội tạng chúng khu trú; (4) Phát tán mầm bệnh và tạp chất ô nhiễm bám theo không khí hít vào… Toàn bộ hay cục bộ, 4 dạng tác hại đó gây nên đột quỵ, ung thư, bệnh tim mạch và biết bao bệnh lý trời ơi đất hỡi khác về hô hấp, tuần hoàn và thần kinh. Thâm chí các hạt bụi mịn và siêu mịn – một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập qua màng tế bào tạo ra nguy cơ cực kỳ cao hơn đối với cơ thể con người bởi các hiện tượng kích ứng oxy hóa, tổn hại tế bào, ung thư, viêm và suy yếu các chức năng phân bổ năng lượng, thậm chí tác động đến ADN, gây ra đột biến gene di truyền.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà Ô nhiễm không khí còn khiến nảy sinh hàng loạt những bất ổn kinh tế – xã hội khiến nhiều trường học phải đóng cửa, cơ quan đổi giờ làm, mất ngày công và năng suất lao động, phá hủy chất lượng nguồn nhân lực, gây họa giao thông, tăng chi phí y tế…Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới WB, thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỷ USD, và riêng với Việt Nam, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm (chiếm từ 5 – 7% GDP). Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định ô nhiễm môi trường không khí đã gây chết người cao nhất trên toàn thế giới, tương đương 16% tổng số các trường hợp tử vong, tính ra cao gấp 3 lần so với số người chết do AIDS, lao và sốt rét cộng lại; gấp 15 lần so với chiến tranh và các hình thức bạo lực khác. Không thể hiểu khác hơn : Ô nhiễm không khí chính là tên sát thủ thầm lặng giết người hàng loạt !

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC MỐI HỌA Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

Trong chương trình hành động ngăn chặn các tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường không khí và biến đổi khí hậu, điều bất ổn đáng lo ngại nhất trong định hướng vĩ mô của 1 số địa phương là chủ trương và động thái tăng tốc xây dựng các lò đốt rác phát điện với rác thải không cần phân loại phức tạp làm nhiên liệu đốt phát điện. Điều này khi chưa có những đánh giá tác động môi trường đầy đủ của khí thải dù có hay không công nghệ tiên tiến hiệu quả để thu hồi, xử lý, thì việc đốt rác phát điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, chưa kể không tận dụng thu gom tái chế được nguyên liệu tái sinh cho sản xuất của nền kinh tế tuần hoàn. Và khủng khiếp là khi rác thải nhựa được đốt bỏ (mà người ta lại nói là càng tạo nhiệt lượng cao), các độc tính bản chất của polimer cộng thêm các phụ gia đã được nhồi nhét thêm vào trong quá trình sản xuất để cải thiện những đặc tính lý hóa sẽ bay hơi phát tán các kim loại nặng, các POPs ô nhiễm hữu cơ bền vững, dioxin, furan. ..v.v. ra đầy môi trường không khí. Làm kiểu giải quyết ô nhiễm môi trường mang tính chất “giải pháp tình thế” theo cách bằng mọi giá đốt rác phát điện để giảm khối lượng chôn lấp và thời sự ô nhiễm dồn ứ chất thải rắn như vậy không khác gì chọn lựa 1 điều tệ hại lâu dài, bất trắc để tránh chỉ 1 điều tệ hai trước mắt.

Do mối tương quan hữu cơ giữa Ô nhiễm không khí và Biến đổi Khí hậu, những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng có thể cải thiện không khí bị ô nhiễm, và ngược lại… nên phòng chống ô nhiễm không khí cũng luôn tương tác đồng bộ với các vấn đề ứng phó Biến đổi khí hậu. Đê ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, cần tiếp cận, giải quyết một cách toàn diện, sâu sắc từ nguồn gây ô nhiễm đến đối tượng bị ô nhiễm với nhiều biện pháp đồng bộ, căn cơ để chọn giải pháp thích hợp cho từng trường hợp đặc thù và cả tổng thể để kiểm soát, xử lý, đấu tranh với các sự cố về môi trường không khí…

Cụ thể hơn, về các biện pháp kỹ thuật, cần đưa các công nghệ mới vào mọi ngành sản xuất – dịch vụ nhạy cảm phát thải ô nhiễm không khí; Thay thế thiết kế, quy trình, máy móc thiết bị lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiện đại, gây ít ô nhiễm hơn; Sử dụng Điện hay tăng cường năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, hoặc cũng nhiên liệu hóa thạch nhưng dùng thứ ít ô nhiễm hơn như LPG, LNG thay cho Than Đá, Củi, Dầu xăng hay hài hước hơn là chất thải rắn của mấy lò đốt.

Về biện pháp tổ chức kinh tế – xã hội, cần di dời các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm không khí ra xa khu dân cư và bắt buộc có đánh giá tác động môi trường không khí cùng giải pháp đồng hành thu hồi, tiết giảm khí thải, không bố trí những khu công nghiệp, chế xuất, trang trại trong thành phố; Trồng nhiều cây xanh, lập nhiều ao hồ nước, tạo những mảng thực vật rộng lớn và đều khắp thành phố, các khu dân cư vệ tinh nhằm điều hòa Xanh hóa môi trường sinh thái; Tuyên truyền vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân để giảm thiểu ùn tắc và mật độ khói bụi, hướng dân người dân tự phòng tránh bằng các trang bị bảo hộ, thiết bị lọc khí tại gia và phương pháp vệ sinh y tế- môi trường, phòng chống cháy nổ, hạn chế hương khói cúng bái, đun nấu thông minh an toàn, ăn uống khoa học nâng cao hệ miễn dịch…

Cần phải có đồng thời những biện pháp hành chính, pháp trị mạnh mẽ nghiêm túc để điều hành, kiểm soát, chế tài mọi vi phạm hoặc hoạt động ẩn họa ô nhiễm không khí, theo đó phải hạn chế hay đánh thuế những sản phẩm có tác động ô nhiễm môi trường không khí như nguyên nhiên liệu hóa thạch, hóa chất tẩy rửa – bảo quản -diệt trùng có hại sức khỏe, thuốc lá thường và điện tử, cao su săm lốp, bao bì nhựa 1 lần, vàng mã và phạt năng các hành vi phát thải sản xuất bất hợp pháp, đốt đồng đốt rác bừa bãi… Hướng đến 1 xã hội có môi trường trong lành, xanh sạch, cần bảo đảm được chỉ tiêu phát triển bền vững với tư duy “không đánh đổi môi trường để phát triển”.

Cũng cần nên cảnh giác trước những túi nylon ‘thân thiện môi trường”  khi đến hơn 50% chất liệu gốc vẫn là polimer trong cấu trúc, còn lại là phụ gia phân hủy sinh học . Loại túi này do đó chỉ “phân rã” (degradable) chứ không hề “phân hủy” (compostable) và chính là gây họa vi hạt nhựa với kích cỡ nhỏ đến vô hình làm khó kiểm soát thu hồi như loại túi bình thường. Thứ túi “xanh” này thực chất là “làm khó môi trường” chứ không hề thân thiện như đang thành ngôi sao nhựa bao bì trên thị trường. Những chiếc túi phân hủy sinh học nửa vời này là gốc nguyên phát của các bụi nhựa PM 10 hay 2.5 thứ phát và chính là tác nhân cộm cán tương lai gây họa môi trường không khí. Nó cần phải bị ưu tiên đánh thuế, thậm chí cấm lưu hành thay vì được biểu dương trước người tiêu dùng thiếu những thông tin khoa học nghiêm túc và đầy đủ về sản phẩm.

HÀNH ĐỘNG KHÔNG THỂ MUỘN HƠN

Mức phát tán của ô nhiễm không khí vẫn thường vượt biên giới quốc gia lan tỏa ra các nước trong khu vực nên hành động đơn phương từng quốc gia sẽ không giải quyết nổi thách thức toàn cầu này nhưng vẫn có thể cùng nhau hợp tác làm thay đổi tình trạng đó để làm cho chất lượng không khí tiểu vùng tốt hơn lẫn ngăn chặn động thái và cường độ ô nhiễm không khí, bảo vệ các hệ sinh thái khu vực lãnh thổ của mình. Trên bình diện thế giới nếu đâu đâu cũng cùng 1 chương trình hành động dưới sự điều phối thống nhất của Tổ chức Môi trường Liên hiệp Quốc thì kết quả tích cực đó sẽ được nhân rộng toàn cầu để chung tay khắc chế được thực trạng tai họa này..

Với biến đổi khí hậu với quy mô bao trùm, nhân quả sâu xa, con người nhỏ bé chúng ta chỉ còn biết sống chung với nó nhưng cố gắng quyết liệt giảm thiểu, khắc chế tác hại với những chương trình chung tay hành động (như cam kết giảm phát thải carbon toàn cầu) nhưng với Ô nhiễm không khí, chúng ta có thể khởi đầu mạnh mẽ, nghiêm túc bằng những hành động riêng rẽ nhỏ bé nhất đến to lớn đại trà hơn từ ngày hôm nay với sự thay đổi tích cực ý thức, hành vi có tác động môi trường, đẩy mạnh sản xuất sinh hoạt xanh, phát triển bền vững để phòng chống tình trạng này . Nỗ lực về ý thức môi sinh, thay đổi hành trình phát thải của từng cá nhân trong cộng đồng để giảm thiểu “dấu chân carbon” -dạng bán lẻ ô nhiễm hòa cùng hoạt dộng các đơn vị công nghiệp sản xuất phát triển bền vững tránh tác động tiêu cực môi trường bằng hạn chế phát thải nguy hại để giảm thiểu “hãng giày carbon” -dạng bán sỉ ô nhiễm … sẽ làm bức tranh môi trường có gam màu tươi sáng hơn và đưa nhân loại tránh được mối đe dọa thảm thương của kịch bản không khí ô nhiễm đến mức diệt vong.

Ô nhiễm không khí là dạng ô nhiễm khó kiểm soát, khó trị, khó tránh nhất, đáng sợ hơn hẳn ô nhiễm đất đai, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm chuỗi thực phẩm, ô nhiễm vật lý của âm thanh, sóng điện tử, ánh sáng… Nó đi vào cơ thể ta hàng ngày, hàng giờ. Ô nhiễm Không khí với tên xung kích điên cuồng là bụi mịn đang đe dọa xóa sổ thế giới loài người bằng dịch bệnh như 1 Terminator -“kẻ hủy diệt”. Sẽ không chờ Thiên tai tận thế, Siêu bão, Sóng thần, Núi lửa, Nước biển dâng, Thiên thạch va chạm, Chiến tranh hạt nhân, Đại dịch thế kỷ Ebola, Aids… mà chính sự phát sinh, phát triển âm thầm nhưng hung bạo, lạnh lùng nhưng hủy diệt của anh em nhà bụi mịn, bụi nhựa của dòng họ Ô nhiễm không khí đầy tai tiếng này sẽ đưa con người đến “ngày phán xét” trong 1 tương lai không xa nếu không ngay từ lúc này, phải khẩn trương, quyết liệt, nghiêm túc phản ứng chống lại nó.

Viễn cảnh thảm họa tận thế đó hoàn toàn không phải là cơn ác mộng mà đang có khả năng hiện thực hoá rất cao khi chỉ vài ngày sắp tới trước Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP 25 ở Madrid. Tây Ban Nha, tờ báo khoa học nổi tiếng Nature đã đăng tải kết quả nghiên cứu của 1 Đại học Anh quốc là Trái đất đang đi nhanh đến “điểm tới hạn toàn cầu” của Khí hậu với tín hiệu đầu tiên là 9 vùng rộng lớn trên thế giới không còn khả năng sinh sống do hệ sinh thái bị tàn phá do hứng chịu thiên tai của biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đến mức hết sống nổi. Không thể để thế hệ sau này trong bầu không khí độc hại đến mức chẳng dám ra đường mà ngồi lì trong nhà oán trách nguyền rủa điều chúng ta bất chấp hậu quả gây ra hôm nay ! Câu trả lời sinh tử cho vấn đề này là phải hành động ngay, vì đây là sứ mạng của bây giờ hoặc sẽ không bao giờ !

LÊ HÙNG

spot_img
spot_img
spot_img
spot_img

Đăng ký trở thành Hội viên

Tham gia Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và cùng xây dựng môi trường xanh hơn!

Tham gia sự kiện

analytica Vietnam 2025 - Triển lãm quốc tế chuyên ngành lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực Phân tích, Thí nghiệm, Công nghệ Sinh học và Chẩn đoán

Bài liên quan:

Giới trẻ hưởng ứng tích cực trao tặng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường tại Đêm Chung kết Cảm hứng HOZO 2024...

Tiếp nối sau 2 đêm Bán kết bùng nổ tại Nhà Văn hóa Thanh niên vào tháng 10 vừa qua. HOZO một lần nữa gửi đi những lời kêu gọi chân thành đến tất cả khán giả Thành phố...

Tôn Đông Á đồng hành cùng hành tinh xanh – bước tiến vị môi trường bền vững

Trải qua 26 năm hình thành và phát triển, Tôn Đông Á đã khẳng định vị thế là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực thép lá mạ tại Việt Nam, đồng thời tiên phong thực hiện sứ mệnh...

GROWTECH VIETNAM 2024: CỘT MỐC ẤN TƯỢNG CHO CÔNG NGHIỆP NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Growtech Vietnam 2024, triển lãm quốc tế hàng đầu về thiết bị và công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp, đã khép lại thành công vang dội sau ba ngày sôi động tại Nhà B, Trung tâm Hội...

Công bố Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 15/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại...

WEBINAR “Kinh Tế Tuần Hoàn và Đổi Mới Sáng Tạo trong Phát Triển Bền Vững”

Việt Nam đang đối mặt với áp lực về phát triển kinh tế song hành cùng bảo vệ môi trường. Hội thảo SUSTAINABLE FUTURE 7 là cơ hội để các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận các giải...

“Trại cai nhựa” cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần từ những hành động nhỏ

Ngày 16/11/2024, tại Sảnh Tây - AEON MALL Tân Phú Celadon. Choice khởi xướng dự án truyền thông "Trại Cai Nhựa" với khẩu hiệu "Cắt cơn nghiện nhựa, chữa lành hành tinh". Dự án nhằm nâng cao nhận thức về...
spot_img
spot_img