Cổ tích phố Đông

20/03/2020 10:50

(54)


Mùa khô năm nay, Sài Gòn chuẩn bị tết trong không khí thật đặc biệt. Hình như trời cũng chiều người. Buổi sáng, sương mù giăng dày đặc giữa phố phường se lạnh – một hiện tượng thời tiết hiếm thấy ở thành phố phương Nam này. Còn buổi chiều, trời trong không một gợn mây. Cơn nắng phương Nam ngọt ngào như ướp mật hòa quyện tuyệt vời với sắc đỏ của cờ hoa chuẩn bị giã từ năm cũ, đón năm mới sắp sang. Trong cái lạnh se se phảng phất hương xuân của tiết trời phương bắc, một người bạn đứng cạnh tôi mỉm cười: “Có vẻ năm nay mùa xuân đến sớm hơn”.

Tôi giật mình. Vâng! Có vẻ như mùa xuân đến sớm hơn thật. Cảm nhận đó không chỉ đánh dấu bằng sự chuyển vần kỳ diệu của thiên nhiên. Có cái gì trào lên trong tim như chất men nồng của thứ rượu quê tinh chất khiến tôi lâng lâng. Ngập trong hàng đoàn xe nối nhau vượt hầm Thủ Thiêm điểm nối 2 bờ Tây và Đông sông Sài Gòn – nối bán đảo Thủ Thiêm với trung tâm hòn ngọc Viễn Đông. Tôi ngẩn ngơ hình dung ra hàng vạn gương mặt bồn chồn, trong cái buổi sáng không thể quên: thông xe hầm sông Sài Gòn. Vẫn còn đây gương mặt tươi rói của các quan chức trong giây phút trọng đại nhất: cắt băng khánh thành sẵn sàng cho lễ thông xe. Trong tiếng chiêng trống vang lừng, tôi còn nhớ như in cái cảm giác không thể tả được khi thấy lát kéo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thoáng run lên. Có lẽ vì ông quá vui mừng và xúc động.

Nhưng làm sao không xúc động được? Phải mất gần bảy năm nằm gai nếm mật, bằng sức lao động sáng tạo của hàng ngàn công nhân Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài – giấc mơ kết nối 2 bờ Đông Tây sông Sài Gòn mới thành hiện thực. Mà đâu chỉ 7 năm. Đó là giấc mơ đau đáu cả đời của những người dân ven sông, chỉ cách trung tâm Sài Gòn hoa lệ 300 m đường sông, bao năm khắc khoải nhìn về “cái vùng sáng bồn chồn thương nhớ” của lòng mình. Cái vùng bưng Thủ Thiêm nghèo nàn thời Sài Gòn cũ ấy có đời sống hoàn toàn cách biệt với trung tâm tiêu thụ đô hội Quận 1. Đó là sản phẩm của một nền kinh tế lệ thuộc nhưng xóa đi hoàn toàn không đơn giản chút nào. Vùng đất rộng 737 ha là nơi sinh sống của 40.000 dân với những ngôi nhà lụp xụp trong ánh đèn điện tù mù, còn đó sau giải phóng như một thách với thức chính quyền mới. Đa phần người dân ở đây là công nhân, công chức nghèo hàng ngày qua lại giữa 2 bờ sông Sài Gòn. Kinh tế Thủ Thiêm chỉ tăng trưởng 5% năm, quá khiêm nhường so với mức tăng trưởng chung của thành phố. Ngoài công chức, người dân chủ yếu sống bằng các nghề tự do như buôn bán nhỏ và làm dịch vụ trên sông. Một số khác làm việc tại các công xưởng ven sông Sài Gòn. Nông nghiệp không thể phát triển vì đất đai hoang hóa. Các nguồn lợi thủy sản hầu như không có.

Làm sao để vùng đất giàu tiềm năng có thể bật dậy, xóa đi sự cách biệt tương phản và phân hóa giàu nghèo giữa 2 bờ Tây -Đông? Đó là trăn trở khôn nguôi của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ý tưởng về một phố Đông của Sài Gòn nhanh chóng định hình với việc thành lập một quận mới của thành phố – Quận 2. Lợi thế lớn nhất của Quận 2 là địa hình có sông bao bọc. Sông Sài Gòn ôm trọn lấy Quận 2 với chiều dài 8,5 km, trong đó Thủ Thiêm nằm ngay ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, được các chuyên gia phong thủy cho là có thế “chân long” phát sinh vượng khí. Cảnh quan và vị thế Thủ Thiêm hết sức lý tưởng. Nhiều nhà quy hoạch thế giới đến đây đã mơ tưởng một vị trí như vậy để phát triển một đô thị trung tâm với các trung tâm thương mại, tài chính và đô thị sinh thái. Nhưng con đường từ ý tưởng đến hiện thực lại không hề dễ dàng. Chỉ có chí đổi mới và tầm nhìn xa của một tư duy phát triển mới cho phép tìm ra giải pháp quy hoạch đúng đắn. Sau nhiều tranh luận gay gắt, nảy lửa về việc có hay không việc mở rộng thành phố sang hướng Thủ Thiêm, về việc xây cầu nổi hay cầu chìm? Ý tưởng xây hầm dìm kết nối đã dần hình thành và nhanh chóng được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Phát súng đầu tiên mở đầu cuộc chinh phục bờ Đông nổ vào tháng 2/2005, với việc khởi công xây dựng 2 hầm dẫn. Cùng lúc Đại lộ Đông – Tây (nay mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cũng dần hiện hình hài. Khởi công 4/2005, sau gần 7 năm, đại lộ Đông Tây đã cơ bản hoàn thành. Đại lộ dài 21,8 km, điểm đầu là nút giao quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) và điểm cuối nối với xa lộ Hà Nội (quận 2). Con đường mới từ 8 đến 14 làn xe nằm vắt qua các quận1,2,4,5,6,8, Bình Tân và Bình Chánh không chỉ nối gần lại khoảng cách giữa các quận huyện 2 bờ Đông Tây mà còn làm thay đổi diện mạo những khu ổ chuột ven kinh rạch và hai bờ sông Sài Gòn. Hàng ngàn người dân ven cầu Calmette, Lò Gốm, Rạch Cây, Chữ Y, Chà Và; dọc kênh Tàu Hủ- Bến Nghé, thực sự đã đổi đời.

Nhưng Đại lộ Đông Tây sẽ không phát huy tác dụng trọn vẹn nếu thiếu hầm dìm Thủ Thiêm. Không hẳn ở tổng số tiền đầu tư 16.000 tỷ đồng tương đương 762 triệu USD. Không hẳn là con số khổng lồ: 61.000 tấn thép, 450.000 tấn bê tông chất lượng cao, 5,1 triệu ngày công lao động. Sức thuyết phục là nghĩa của nó: đây là hầm dìm đầu tiên được thi công ở Việt Nam, do những người thợ Việt Nam thực hiện. Dìm và lắp đặt 4 đốt hầm mỗi đốt có chiều dài 93 mét, cao 9 mét, nặng 27.000 tấn, ở độ sâu 23-27 mét dưới đáy sông nước luôn chảy xiết và trong không gian thi công thao tác chật hẹp, sai số cho phép không vượt quá 10mm, cũng có thể coi là một kỳ tích. Trước đó, là việc lai dắt 4 đốt hầm dìm từ bể đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai, vượt qua 22 km đường sông quanh co trong điều kiện thủy văn vô cùng nguy hiểm, thành công. Để chúng ta có quyền tự hào với những thành quả sáng tạo của đội ngũ công nhân Việt Nam: 1.490 mét đường hầm, một trong 30 hầm dìm trên thế giới, con đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á, đã chính thức nối liền đôi bờ sông Sài Gòn. Tự nhiên, tôi bất giác nghĩ đến câu “Vừng ơi! mở ra” trong chuyện cổ tích. Và, sau nhát kéo của Chủ tịch Trương Tấn Sang, trong không khí tưng bừng của ngày hội lớn không bao giờ có thể quên ấy, nhìn từng đoàn xe chầm chậm vượt sông, tôi có cảm nhận, câu cổ tích về phố Đông Sài Gòn đã thực sự bắt đầu…

Tôi đứng lặng im. Ngay cả khi người bạn vỗ vai giục tôi lên xe. Tôi bần thần nhìn con đường dẫn đến cửa hầm Thủ Thiêm. Không ai biết các thế hệ sau sẽ bắt đầu câu chuyện như thế nào. Nhưng câu cổ tích hôm nay đơn giản chỉ bắt đầu bằng những con số. Có khoảng 45.000 lượt ô tô và 15.000 lượt xe máy qua hầm Thủ Thiêm vào trong tâm mỗi ngày vì rút ngắn được 30 đến 45 phút so với các tuyến đường khác. Hầm Thủ Thiêm và Đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ là trục đường gần nhất nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với cảng Cát Lái, với các tỉnh miền Đông và miền Tây. Con đường phát triển sẽ ngắn lại với khu vực Đông Nam bộ, tứ giác động lực và xa hơn là vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Nhưng câu chuyện sẽ lãng mạn hơn khi chàng hoàng tử Đông Tây đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng. Bán đảo Thủ Thiêm trong tương lai chắc chắn trở thành hòn ngọc với với nhiều dự án đô thị cao cấp. Một bán đảo xanh bên sông Sài Gòn sẽ hình thành trên vùng đất hoang hóa và sình lầy. Nàng công chúa ngủ trong rừng sẽ vươn vai đứng dậy, tráng lệ và kiều diễm, phụ thuộc vào những hành động thực tế của chúng ta…

Tôi lặng đi. Có tiếng ai hát đâu đó làm tôi giật mình. Hình như không còn nghe tiếng người và xe. Nắng đã dịu từ bao giờ nhưng cái màu vàng như mật của nó khiến tôi cảm giác như đang cuộn mình trong ổ kén tằm vàng óng. Trong cái se lạnh của buổi chiều cuối năm, trước mắt tôi thấp thoáng bóng dáng một đô thị tương lai yêu kiều soi bóng bên sông Sài Gòn .Tôi nghe tiếng hát bâng quơ “Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó” và cảm thấy mắt mình mờ đi. Tôi ngỡ mình đang bồng bềnh trôi giữa dòng người hư hư thực thực. Trong tiếng rì rầm, xa lắm, hình như tôi nghe tiếng của 2 bờ con sông Sài Gòn đang thầm thì kể câu chuyện cổ tích phố Đông, bắt đầu bằng hai chữ “Ngày xưa…”

(Trích trong tập sách THÀNH PHỐ VƯỢT VŨ MÔN)

DƯƠNG TRỌNG DẬT

Đọc thêm

lên đầu trang