Có khuất tất về nghĩa vụ thuế của Grab đối với đối tác tài xế?

10/08/2019 05:26

(12)


Liên quan đến việc Grab phản hồi có đóng thuế cho tài xế Nguyễn Văn Hưng, ngày 6/8/2019, tài xế Nguyễn Văn Hưng, ngụ tại TPHCM đã tiếp tục có đơn khiếu nại Grab gửi các cơ quan nhà nước như: Tổng Cục thuế, Thanh tra Chính Phủ, Kiểm toán Nhà nước, Cục thuế TPHCM…, về việc nội dung của Cục thuế TPHCM đưa ra hoàn toàn trái ngược với các văn bản trả lời trước đó trong việc xác nhận số thuế thuế của ông Hưng.

Ông Nguyễn Văn Hưng trao đổi với báo chí

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, sau khi bị Grab đột ngột ngắt ứng dụng vào ngày 14/11/2018 , ông Hưng đã nhiều lần đề nghị Công ty TNHH Grab chứng nhận đã nộp thuế VAT và thuế TNCN cho khoản thu nhập được phân chia nhưng công ty này liên tục trì hoãn. Đến ggày 4/4/2019, ông Hưng làm đề nghị xin xác nhận nộp thuế thu nhập cá nhân lên Cục thuế TPHCM lần thứ nhất và đến ngày 9/4/2019, Cục thuế TPHCM đã có văn bản trả lời số 4786/TB-CT, với nội dung “Không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế của ông Nguyễn Văn Hưng, mã số thuế 8564914555 trong tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2018 của Công ty TNHH Grab mã số 0312650437 trên hệ thống của cơ quan thuế”.

Tuy nhiên, đến ngày 18/6/2019, ông Hưng nhận được Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân kinh doanh số 0000193 do Công ty TNHH Grab ghi ngày phát hành là 12/4/2019 xác nhận trong khoảng thời gian từ 1/1/2018 đến 31/12/2018, ông Nguyễn Văn Hưng đã nộp thuế thu nhập cá nhân cho khoản thu nhập chịu thuế là 154.116.000 đồng.

Liên quan tới vụ việc không có dữ liệu thuế Grab đóng cho tài xế, ngày 5/8/2019, ông Hưng lại nhận được văn bản số 8213/CT-KK do Trưởng phòng Kê khai – Kế toán thuế Phạm Minh Tuấn ký với nội dung văn bản: “Căn cứ tờ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh (mấu số 01/CNKD) từ tháng 1/2018 đến tháng 11/2018 do Công ty TNHH Grab (MST: 0313368659) khai nộp tại Chi cục Thuế quận 10, hàng tháng Công ty TNHH Grab đã kê khai và khấu trừ thuế của ông Nguyễn Văn Hưng, số căn cước công dân 030074000678, số xe 51F-940.46. Số thuế đã khấu trừ năm 2018 của ông Nguyễn Văn Hưng là 7.046.707 đồng”. Như vậy, Văn bản số 8213/CT-KK có nội dung hoàn toàn trái ngược với các văn bản trả lời số 4786/TB-CT ngày 9/4/2019, văn bản số 12092/TB-CT ngày 24/6/2019 của Cục thuế TP.HCM về số liệu thuế của ông Hưng.

Theo anh Hưng, vậy có khuất tất về nghĩa vụ thuế của Grab đối với đối tác tài xế hay không, khi bản thân ông đã rất nhiều lần lên cơ quan thuế để xin truy xuất số liệu thuế nhưng hệ thống máy tính cơ quan thuế đều cho ra kết quả không có dữ liệu thuế. Nay, dưới áp lực của dư luận và báo chí, cơ quan thuế lại có văn bản trả lời đối ngược với những văn bản trả lời trước đây.

Chính vì vậy, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của công dân, ông Hưng đã có đơn đề nghị Cục thuế TP.HCM cho phép được sao lục tờ khai thuế hàng tháng của Grab đã nộp lên cơ quan thuế từ tháng 1/2018 đến tháng 11/2018 nhằm mục đích chứng minh việc nghĩa vụ thuế của tôi đã được công ty TNHH Grab thực hiện trong năm 2018.

Ông Hưng cho rằng, với gần 200 ngàn đối tác, Grab đã chiếm giữ 3,6% tổng doanh thu khách hàng với danh nghĩa nộp hộ thuế VAT, thuế TCNN. Đây là số tiền rất lớn, ước khoảng 1.400 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, theo ông Hưng, số thuế thực tế Công ty TNHH Grab nộp cho nhà nước trong năm 2018 qua mã số thuế 0313368659 chỉ có 246 tỷ đồng. Trong khi ông Hưng đã nhiều lần lên Cục thuế lấy chứng nhận, viết đơn thư các nơi, được dư luận báo chí quan tâm thì nhận được giấy xác nhận của Cục thuế. Vậy còn hàng trăm ngàn đối tác khác, qua vài năm trôi qua, không có bất cứ một chứng từ nào được lưu ở cơ quan thuế thì sẽ chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ của mình như thế nào? Đây không chỉ là vấn đề nghĩa vụ thuế với nhà nước mà còn là vấn đề quyền lợi của người nộp thuế được thực thi như thế nào theo Luật quản lý Thuế? Đặc biệt là quyền của người nộp thuế là các cá nhân lao động yếu thế trước các nền tảng công nghệ khổng lồ.

Vì lẽ đó, ngày 6/8/2019, ông Nguyễn Văn Hưng tiếp tục có đơn đề nghị Tổng Cục thuế thực hiện thanh tra toàn bộ việc thu hộ, nộp hộ thuế VAT, thuế TNCN của tất cả các đối tác của Grab (bao gồm: Grabcar, Grabbike, Grabfood, Grabexpress) trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn 2016-2018 và có câu trả lời rõ ràng cho tất cả các đối tác Grab được biết.

YẾN NGUYỄN

Đọc thêm

lên đầu trang