Cùng với việc vận động người dân không xả rác thải độc hại ra môi trường, nhiều tổ chức, đơn vị đã thực hiện thu gom bằng nhiều hình thức khác nhau, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Thu gom rác thải điện tử tận nhà
Chuẩn bị chuyển sang văn phòng mới, đồ đạc đã chuyển đi hết nhưng chị Nguyễn Thị Lan (ngụ quận Gò Vấp) băn khoăn không biết xử lý thế nào với mấy dàn máy tính hư hỏng để trong kho từ lâu. Chị Lan cho biết: “Vì thiết bị quá lỗi thời nên mấy cửa hàng sửa chữa điện tử từ chối mua, lực lượng thu gom rác từ chối thu gom bởi không thuộc rác thải sinh hoạt, thành thử tôi loay hoay hoài chưa biết tính sao. May mắn có người mách rằng chỉ cần lên trang Facebook Việt Nam tái chế đăng ký, sẽ có người tới tận nhà mang đi xử lý. Tôi nhắn hôm trước, hôm sau tình nguyện viên tới gom đi, rất nhiệt tình”.
Ra đời từ năm 2015, Việt Nam tái chế là địa chỉ quen thuộc ở Hà Nội và TP.HCM với nhiều hoạt động tuyên truyền, thu gom rác thải điện tử, từ những thiết bị nhỏ như cục pin, phụ kiện điện tử đến các sản phẩm máy móc, ti vi, tủ lạnh hư hỏng… Đến nay, tại TP.HCM, Việt Nam tái chế đã liên kết đặt 5 điểm thu gom cố định để người dân có thể đem bỏ rác thải điện tử bất cứ lúc nào.
Để mô hình lan tỏa, Việt Nam tái chế đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền ở khu dân cư, nơi công cộng và mạng xã hội; vận động nguồn quỹ để thực hiện chương trình “Đổi quà lấy rác”; cuộc thi “Săn rác điện tử”…; từ đó nhiều người biết đến và hưởng ứng nhiệt tình.
Chị Mai Thị Thu Hằng, đại diện Việt Nam tái chế, cho biết mô hình thu gom rác thải điện tử ra đời bởi một liên minh gồm các nhà sản xuất thiết bị điện trong và ngoài nước. Chương trình thể hiện trách nhiệm của họ với các sản phẩm vào cuối vòng đời sử dụng; đồng thời thực hiện theo Quyết định 16/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm bỏ (gồm ắc quy, pin, thiết bị điện, điện tử, dầu nhớt các loại, săm lốp và phương tiện giao thông).
Năm đầu tiên, Việt Nam tái chế chỉ thu gom được khoảng 850kg rác thải điện tử, nhưng tăng mạnh vào những năm sau. Riêng năm 2018, Việt Nam tái chế đã thu gom hơn 10 tấn. “Sau khi thu gom, rác thải điện tử được vận chuyển đến nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Tại đây, các thiết bị sẽ được xử lý bằng cách tháo dỡ theo quy trình, tất cả nguyên liệu thu hồi sau tái chế sẽ được phân loại đến các cơ sở phù hợp để tiếp tục xử lý, đảm bảo quy định của Bộ TN-MT”, chị Hằng khẳng định.
Đặt thùng thu gom tại nơi công cộng
Sẵn tiện đến UBND phường 8 quận 4 (TP.HCM) làm giấy khai sinh cho cháu ngoại, bà Nguyễn Thị Ba mang theo một túi gồm đèn để bàn đã hư, pin tiểu, vỏ chai xịt côn trùng… để bỏ vào thùng thu gom rác thải nguy hại đặt tại UBND phường. Bà Ba cho biết, trước đây mấy loại rác này bà thường bỏ vào thùng rác sinh hoạt. 5 tháng trước, trong đợt UBND phường ra quân tuyên truyền cách phân loại rác tại nguồn cho người dân, nghe nói về thùng thu gom rác thải nguy hại được đặt tại phường, từ đó hễ có dịp đến phường bà Ba lại mang theo các vật dụng nằm trong danh sách rác nguy hại để bỏ cho đúng nơi, đúng chỗ.
Bà Nguyễn Lê Kim Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường 8 quận 4, cho biết để giúp người dân hiểu sự nguy hại của loại rác thải điện tử, UBND phường đã phát tờ rơi, treo băng rôn và tổ chức các buổi tuyên truyền trong khu dân cư. Ngoài thông báo về điểm thu gom tại phường, cán bộ phụ trách còn ra quân nhận rác thải nguy hại ngay tại nhà dân.
Từ sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, hơn 3 năm qua, quận 4 đã mở rộng, đặt thùng rác thu gom rác thải nguy hại tại UBND 15 phường trên địa bàn quận. Để khuyến khích người dân toàn quận thực hiện phân loại rác, quận 4 tổ chức các đợt đổi rác thải nguy hại lấy quà, cây xanh. Kết quả, mỗi năm thu gom gần 200kg rác thải điện tử. Theo bà Đặng Thị Ánh Tuyết, chuyên viên Phòng TN-MT quận 4, nhờ hoạt động này, ý thức của người dân trong phân loại rác tại nguồn được nâng cao, giúp người dân tạo thói quen không trộn lẫn rác nguy hại vào các túi rác thải sinh hoạt khác.
Còn tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, 2 năm qua nhóm 5 sinh viên Khoa Điện – Điện tử đã thực hiện công việc vận động, thu gom rác thải điện tử trong nhà trường, thậm chí đến tận nhà thu gom khi sinh viên, giảng viên có nhu cầu thải bỏ. “Chúng tôi đặt thùng thu gom tại tầng hầm để ai cũng dễ dàng tìm thấy. Với thông điệp “Chúng tôi nhận rác thải nguy hại”, đến nay hầu hết sinh viên đã biết đến chương trình và tham gia rất nhiệt tình. Mỗi lần tổng kết, chúng tôi thu được nhiều nhất là các mạch điện, máy tính hư. Những phế phẩm này nếu chưa xử lý mà thải ra môi trường thì vô cùng nguy hại”, sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Trinh, thành viên của nhóm, bộc bạch.
Tại TPHCM, Việt Nam tái chế đã có 5 điểm tiếp nhận rác thải điện tử đặt tại: UBND phường 9 quận 3; UBND phường 15 quận 4; UBND phường 17 quận Phú Nhuận; UBND phường 2 quận Bình Thạnh và Trung tâm MM Mega Market An Phú (quận 2). Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học… có thể liên hệ qua fanpage Việt Nam tái chế, hoặc số điện thoại 0933882205 để yêu cầu tình nguyện viên tới tận nơi thu gom. |
Theo SGGP