Chỉ một giây – Nhờ ý thức mà bảo vệ được môi trường

28/11/2019 06:01

(247)


Sáng ngày 27/11/2019, Hội trường Thành ủy TPHCM tưng bừng cờ hoa và các đoàn trẻ em trong những bộ đồng phục của Happy Class, tíu tít bước vào hội trường. Với nhiều em, và cả các phụ huynh đi cùng, có lẽ đây là lần đầu tiên được bước chân vào một hội trường to lớn uy nghị, thường tổ chức các sự kiện lớn của thành phố và doanh nghiệp. Thế nhưng, các em rất tự tin, vì hôm nay các em đang là những chiến sĩ nhí được vinh danh tại lễ tổng kết giai đoạn 1 và triển khai các giải pháp giai đoạn 2 chương trình “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường”.

1- Với những em bé, tuy còn nhỏ tuổi, bước chân vẫn rất tự tin. Bởi vì, qua một năm tham gia chương trình “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” nhưng trước đó nhiều bé đã cùng tham gia chương trình “Hành trình giải cứu rác chết” nên cũng đã biết cách thu gom, xếp các hộp sữa, cùng tuyên truyền gia đình và bạn bè cùng làm theo nên khá dạn dĩ. Nhiều bé, tại lới hay khu vực sinh sống, đã chủ động thu gom vỏ hộp sữa để dành mang đến điểm giao nộp. Để có được những vỏ hộp sữa đúng qui cách trước khi chuyển về nhà máy tái chế Đồng Tiến, các bé đã nhờ các anh chị, cô chú, bà con cùng thực hiện thao tác dán sticker miệng hộp, vuốt bao bì thành một tấm phẳng, xếp gọn vào các túi, và chờ ngày đi giao.

Cũng trong buổi lễ, những sáng lập viên của chương trình là doanh nghiệp xã hội RW (Revival Waste) với dự án “NHC – Hành trình giải cứu Rác chết” đã phối hợp cùng Công ty Tetra Pak Việt Nam – công ty cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển đã tổ chức Hội nghị sơ kết này.

Chương trình “ Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” giai đoạn 1 được thực hiện từ tháng 8 năm 2018 với mục tiêu chương trình nhằm hướng dẫn phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Trong giai đoạn 1, chương trình đã phát triển và nhận được sự tham gia từ 625 trường mầm non, tiểu học với hơn 500.000 học sinh tham gia, tổ chức 358 đợt truyền thông, tập huấn cho giáo viên và học sinh. Riêng cộng đồng vì môi trường đã thiết lập 57 trạm tiếp nhận hỗ trợ thu gom vỏ hộp sữa tái chế  và giải cứu hơn 4 triệu vỏ hộp sữa.

Theo kế hoạch của giai đoạn 2, đó sẽ là việc mở rộng ra các trường tại Tp.HCM và thực hiện tại 800 trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội.

2 – Và hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan đoàn thể ban ngành, trường học và các đơn vị có liên quan đã lắng nghe các báo cáo về chương trình thí điểm. Trong đó, tất cả các trường tham gia chương trình đã làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn và kiểm tra việc phân loại vỏ hộp sữa sau khi học sinh uống, giúp chất lượng vỏ hộp thu gom đạt tiêu chuẩn để tái chế.

Cụ thể, tại đơn vị các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được doanh nghiệp xã hội NHC – là một trong những đối tác của Tetra Pak – thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về nhà máy Giấy Đồng Tiến (Bình Dương) để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái…

Chương trình nhận được sự phản hồi tích cực và đóng góp ý kiến từ bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường và bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tp.HCM.

Trong chương trình, đại diện Công ty Tetra Pak Việt Nam ông Anders Gustafsson – Tổng giám đốc Phát triển Marketing, chia sẻ: “Tetra Pak ra đời từ ý tưởng “một bao bì phải mang lại nhiều giá trị hơn chi phí tạo ra nó”. Tại Tetra Pak, chúng tôi đã đóng góp vào điều này bằng cách sử dụng những vật liệu tái tạo, tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu một cách có trách nhiệm để sản xuất vỏ hộp và đầu tư ngày càng nhiều vào tăng cường tái chế.”

Ông Huỳnh Hữu Hải Bình – Tổng Giám Đốc doanh nghiệp xã hội Revival Waste cũng có đôi lời chia sẻ trong chương trình về hoạt động phân loại, thu hồi và tái chế vỏ hộp sữa giấy: “Với hành trình này, chúng tôi kỳ vọng rằng 20 năm sau chúng ta có một thế hệ, mà việc phân loại rác là việc đương nhiên phải làm, là văn hóa của cả một thế hệ”.

3 – Khá là hào hứng, trong chương trình còn có phần chia sẻ kinh nghiệm triển khai và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình với sự chia sẻ của những người đang làm việc trực tiếp tại địa phương, giáo viên và phụ huynh của các bé.

Bà Nguyễn Thị Lan – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp cho biết, khi Gò Vấp tìm kiếm một mô hình hoạt động phân laoi5 rác bảo vệ môi trường thì đã gặp chương trình này và hai bên cùng nhau bàn các giải pháp thực hiện triệt để. Với Gò Vấp, đây là cả tâm huyết của Hội với những “Hoa hậu rác” đi vận động người dân trên địa bàn cùng làm những công việc giúp ích cho môi trường cho xã hội.

Còn đối với cô Nguyễn Thị Ánh Hồng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 7, quận Phú Nhuận, thì đây là chương trình có nhiều ý nghĩa về mặt giáo dục cho các em học sinh từ hoạt động này các em sẽ có ý thức trong việc bảo vệ môi trường.

Để cảm ơn và ghi nhận lại sự đóng góp của 23 đơn vị là các cơ quan đoàn thể ban ngành tại Quận 2, Quận 3, Quận 4, Quận 6, quận Tân Bình, quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức đã cùng nhau phối hợp thực hiện tốt chương trình tại địa phương, đại diện phía ban tổ chức là ông Huỳnh Hữu Hải Bình và ông Anders Gustafsson đã cùng nhau gửi đến các đơn vị những phần quà được tái chế từ vỏ hộp sữa mà họ đã cùng nhau chung tay thực hiện.

Bên cạnh đó các chiến binh môi trường nhí đến từ Happy Class cũng được nhận tuyên dương đại diện thay cho toàn bộ các bạn học sinh tham gia chương trình vì đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện chương trình.

4 – Tại sự kiện này, ông Anders Gustafsson – Tổng giám đốc Phát triển Marketing Tetra Pak đã có bài phát biểu khá thú vị. Nguyên văn bài phát biểu như sau:

“Hôm nay tôi vô cùng vinh dự có mặt tại hội nghị này cùng với quý vị để nhìn lại quá trình thực hiện thí điểm chương trình thu gom, tái chế vỏ hộp thức uống giấy tại trường học tại TP. Hồ Chí Minh trong năm qua cũng như khởi động giai đoạn 2 của chương trình.

Tetra Pak ra đời từ ý tưởng “một bao bì phải mang lại nhiều giá trị hơn chi phí tạo ra nó”. Tuy nguyên tắc hướng dẫn này vẫn còn rất phù hợp nhưng nguyên tắc được tiếp nhận theo một ý nghĩa sâu sắc hơn trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngày nay, để là một phần của giải pháp, chúng ta cần một tham vọng táo bạo, đó là chúng ta phải hoàn thiện một nền kinh tế tuần hoàn phát thải ít carbon. Tại Tetra Pak, chúng tôi đã đóng góp vào điều này bằng cách sử dụng những vật liệu tái tạo, tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu một cách có trách nhiệm để sản xuất vỏ hộp và đầu tư ngày càng nhiều vào tăng cường tái chế. Nhưng chúng tôi hiểu rằng mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Kết quả tích cực thu được từ chương trình thử nghiệm tại 30 trường mầm non tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2018-2019 giúp chúng tôi tự tin mở rộng phạm vi chương trình “Một giây hành động, bảo vệ môi trường” đến 400 trường mầm non và trường tiểu học trong giai đoạn 2 của chương trình.

Hơn 500.000 em nhỏ đã học cách xử lý và phân loại vỏ hộp để thu gom và tái chế sau khi uống sữa tại trường. Hai tuần một lần, đối tác của chúng tôi là NHC đến thu gom những vỏ hộp này để tái chế tại nhà máy của đối tác tái chế là Công ty Giấy Đồng Tiến tại Bình Dương.

Tất cả những điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác tuyệt vời từ tất cả các đối tác. Do đó, tôi xin chân thành cảm ơn: Sở Tài nguyên & Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn và hỗ trợ thúc đẩy chương trình này; Doanh nghiệp xã hội NHC và Công ty Đồng Tiến đã nhiệt tình và tận tâm thực hiện; 23 Tổ chức chính quyền và đoàn thể tại các quận huyện: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, ủy ban nhân dân và hơn 400 trường học tại TP. Hồ Chí Minh.

Tôi muốn cảm ơn các bạn trong giới truyền thông vì đã chia sẻ chương trình xã hội này với công chúng cũng như chia sẻ sứ mệnh của Tetra Pak trong việc hỗ trợ những mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi đến từng trường học đã tham gia chương trình này. Nếu không có nhiệt tình và sự đóng góp của các bạn cho chương trình này thì hôm nay chúng ta đã không thể đạt được thành quả này.

Một lần nữa, xin cảm ơn các bạn đã hỗ trợ chương trình này mà chúng tôi xem đây như một đóng góp khiêm tốn của chúng tôi cho một thành phố Hồ Chí Minh xanh, sạch, đẹp.

VĂN MINH HOA

Đọc thêm

lên đầu trang