Cây Cóc Trắng và cây Cóc Đỏ đang được khuyến khích trồng tại rừng ngập mặn Cần Giờ

31/05/2022 07:20

(3516)


Ngày 5/6/2022 tới đây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM sẽ phối hợp với UBND huyện Cần Giờ, cùng dự hỗ trợ đồng hành của Tập đoàn KPTGROUP (Tập đoàn Kim Phong), Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Khu Dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, tiến hành trồng 500 cây Cóc Trắng tại Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ. 

Đây là một hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới (5/6) và Đại dương Thế giới (8/6). Công tác chuẩn bị cho chương trình trồng rừng cũng đang được sôi nổi chuẩn bị. Bộ máy các bên phối hợp nhịp nhàng để chương trình trồng cây có ý nghĩa tốt đẹp.

Nhân dịp này, Tập đoàn KPTGROUP cũng trao tặng học bổng cho con em những người đang chăm sóc rừng phòng hộ có hoàn cảnh khó khăn, trao nguồn quỹ 20 triệu đồng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ để thực hiện công tác bảo vệ môi trường… 

Một cơ duyên đẹp gặp nhau vì cùng thông điệp bảo vệ môi trường

Khi Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM đang tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ để tiến hành trồng cây trong thành phố và trồng rừng ngập mặn, thực hiện trồng cây trong chương trình VÌ biển đảo Xanh Tổ Quốc… đã đưa thông điệp đến tất cả mọi người.

Những thành viên của Hội gặp ai cũng thuyết phục để kéo vào các hoạt động với hội, cùng tham gia các hoạt động có ý nghĩa như trồng cây, dọn rác trong các khu phố và kênh rạch… Có lẽ sự chân thành ấy tạo nên nguồn năng lượng tích cực lan tỏa ngày càng rộng.

Chính vì vậy, khi một doanh nhân trong ngành xử lý rác, ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Đa Lộc, biết một khách hàng của mình là KPTGROUP muốn làm một số công tác liên quan tới từ thiện và nhắm đến môi trường Xanh, đã nhanh chóng kết nối. Rất nhanh chóng chương trình được hoạch định và triển khai ngay.

Phó Chủ tịch tập đoàn KPTGROUP, bà Phan Thị Thắm, đã không quản ngày cuối tuần hay chủ nhật, liên tục đi khảo sát để lên kế hoạch cùng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM thực hiện một chương trình trồng rừng và kết hợp trao quà từ thiện. Trong đó, bà rất chú ý đến cuộc sống của con em những người đang giữ rừng và cảm động khi được chuẩn bị để chuyển những món quà nhỏ đến tay các em học sinh gia đình giữ rừng khó khăn.

Kế hoạch đó ngay lập tức được UBND huyện Cần Giờ ủng hộ và cùng vào cuộc chỉ đạo triển khai nhanh để kịp ngày trồng cây đúng vào ngày Môi trường Thế giới 5/6.

Đến lúc này, mọi công việc cơ bản đã hoàn thành từng hạng mục theo đúng kế hoạch và chỉ chờ ngày cùng xuất phát để đến với rừng ngập mặn Cần Giờ trồng 500 cây Cóc Trắng. Ông Lê Thanh Sang, đại diện Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết, hiện nay Cần Giờ đang trồng cây Cóc Trắng để phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ. Trong hai loại cây Cóc thì Cóc Đỏ quí hiếm đưa vào danh mục bảo tồn, còn Cóc Trắng dễ trồng hơn.

Thử tìm hiểu hai loại cây Cóc này nhé.

Cây Cóc Đỏ – Cây quý trong danh mục được bảo tồn

Cóc Đỏ là loài cây nằm trong danh sách cần bảo tồn do sở hữu vẻ đẹp độc đáo và rất hữu dụng. Nhưng chỉ vì những công dụng tuyệt vời và hữu ích, Cóc Đỏ đã bị khai thác quá nhiều dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng ngày càng tăng cao.

Cóc Đỏ hay Cọc Đỏ là giống cây có tên La tinh được gọi là Lumnitzera littorea. Nó là dòng cây nằm trong họ Bàng Combretaceae, thuộc bộ Sim Myrtales. Đây là giống cây thân gỗ và trưởng thành trung bình cao từ 10m đến 20m.

Cây có vỏ thân màu nâu thẫm và thường có những vết nứt. Phần vỏ có mặt trong sắc nâu đỏ, giác sắc nâu vàng, lõi gỗ có màu nâu thẫm. Cây thường phân cành nhánh nhiều và khúc khuỷu. Khi non cành nhánh sẽ có màu đỏ nhạt hơi xám, thường có các vết sẹo của lá rụng để lại tạo thành những dấu mắt.

Cóc Đỏ có lá sắc xanh sẫm, mọc cách nhau và thường mọc nhiều tập trung ở phần đầu cành cây. các phiến lá có hình dạng trứng ngược và có chiều dài từ 2cm đến 8cm. Đỉnh lá hơi tròn và có kèm theo những khía tai bèo. Lá ít gan và có cuống dài trung bình từ 0,5cm đến 1cm.

Cây Cóc Đỏ có hoa mọc cụm sắc đỏ, hoa mọc chùm tập trung đầu cành. Cuống hoa khá ngắn với đặc tính đài có 5 thùy. Phần trạng thùy thuôn dài và có hình bầu dục sắc đỏ. Hoa có từ 5 đến 10 nhị và chỉ nhị luôn mọc dài hơn phần cánh hoa. Bầu hoa gồm có 5 ô vòi hình chỉ với phần đầu nhụy dạng tù. Quả của cây có hình trứng và dài khoảng 3 – 4cm.

Cóc Đỏ là giống cây thường mọc ở những khu vực rừng ngập mặn ven biển hay sông. Đặc biệt là nơi có đất sét hơi chặt và hay mọc lẫn với các loại cây Giá, Dà. Cây Cóc Đỏ mọc thành cả một quần thể dày và chiếm ưu thế tại những khu vực Trung Bộ, Nam Bộ.

Vùng Phú Quốc của Việt Nam cũng là nơi có Cóc Đỏ sinh sống. Khu vực Rạch Tràm tập trung nhiều cây với dáng đẹp như bonsai, thân lớn tỏa bóng xuống sông. Trên thế giới giống cây này phân bố ở nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Singapore,…

Cóc Đỏ được biết đến là giống cây luôn cần được bảo tồn bởi sự khai thác quá mức. Nó sở hữu vô vàn những công dụng tuyệt vời nhưng lại khó trong việc phát triển và sinh trưởng tự nhiên. Những công dụng hữu ích của loài cây này đó là:

– Bảo vệ hệ sinh thái, tạo thành quần thể chống xói mòn đất, bảo vệ đê điều và chắn sóng gió. Nó hữu ích trong việc cải tạo đất chua và mặn không thể sử dụng.

– Người ta sử dụng gỗ Cóc Đỏ làm vật liệu cho ngành xây dựng, nội thất, đóng vật dụng.

– Lấy tanin để thực hiện đốt than, làm chất đốt.

– Sử dụng làm phân xanh hay hoa để nuôi ong.

– Sử dụng gỗ làm cọc hay dàn để trồng hồ tiêu.

Loài cây này đang được ươm mầm, nhân giống và phát triển. Để bảo tồn loài cây này, con người nên ngừng việc khai thác để bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ quần thể Cóc Đỏ đang ngày một hiếm.

Cây Cóc Trắng – Cây quý được Chính phủ đưa vào nhóm cây trồng trong rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống lũ bão, hạn chế tác động của thiên tai. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ với tổng diện tích hơn 31.000 hecta là “lá phổi xanh” của thành phố. Đây cũng là ngôi nhà chung của nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Trước thực trạng cháy rừng, thiên tai lũ lụt, biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây, nhiều người bắt đầu quan tâm đến giá trị của rừng và việc trồng rừng. Từ năm 2008, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đã tổ chức cho du khách trồng cây Cóc Trắng trên diện tích 10ha đất ruộng muối bỏ hoang.

Không chỉ tăng độ che phủ cho rừng ngập mặn Cần Giờ, hoạt động này giúp du khách hiểu được những khó khăn, vất vả của việc trồng rừng, nhất là khi nơi này từng là vùng đất chết sau chiến tranh.

Theo đông y, cây Cóc Trắng là dược liệu Ở Ấn Độ, người ta lấy nước dịch chảy ra từ vết rạch trên thân cây để đắp ngoài da, chữa ecpet và ngứa. Cây còn có nhiều công dụng trong đời sống, làm củi đun, gỗ làm cầu, trụ cầu, cột, cừ xây dựng, hầm than,…

Cây mọc ở rừng ngập mặn trên đất bùn cát, ở trên mức của thuỷ triều cao trung bình, từ Móng Cái vào tới Bạc Liêu, Hà Tiên, Cần Giờ Phú Quốc. Còn phân bố ở nhiều nước Châu Á, Châu Phi, Châu Úc. Cây ưa mặn không bắt buộc, rễ có khả năng đâm sâu vào lớp bùn dày.

Vừa mới đây, chương trình tình nguyện trồng 500 cây cóc trắng bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ đã thu hút gần 60 tình nguyện viên là cán bộ công nhân viên của Công ty TNHH BAT VN cùng với đoàn viên thanh niên huyện Cần Giờ.

Song song đó, tập thể nhân viên Roche Diagnostics Việt Nam với hơn 150 thành viên và ban lãnh đạo đã trồng hơn 1.000 cây cóc trắng, phủ xanh thêm 1.000 m2 đất cằn giúp bảo vệ và kiến tạo thêm môi trường xanh.

HUỲNH NGỌC THANH TRÂM

Đọc thêm

lên đầu trang