BS Trần Sĩ Tuấn: Liệu TP.HCM có đẩy lùi được làn sóng dịch thứ 4 và bao giờ hết giãn cách theo Chỉ thị 16? 

13/07/2021 04:19

(635)


LTS: Trong tình hình TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 vì đợt bùng phát dịch thứ 4 này khá phức tạp, mỗi ngày lượng bệnh nhân tăng cao đến cả ngàn người, nhiều cơ sở được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. Dấu hiệu các sơ sở hạ tầng y tế đang quá tải nhiều bác sĩ có chuyên môn đã đề xuất ý kiến cách ly bệnh nhân F1 tại nhà, coi đây là cúm mùa và sống chung với Covid… 

Một trong ý kiến đi ngược lại, dường như có vẻ bảo thủ, của bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cũng rất đáng quan tâm khi nhìn vào khả năng thực tế đời sống người Việt và hạ tầng cơ sở ngành y tế.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì chắc chắn TP.HCM sẽ đẩy lùi được dịch bệnh vì chúng ta đang  thực hiện  những biện pháp phòng chống dịch rất đúng đắn:

– Triệt để thực hiện chỉ thị 16 (cấp độ cao nhất về giãn cách), điều này vô cùng quan trọng trong dập dịch. Với biến chủng Delta thì 1 F0 có thể truyền bệnh cho 7 người (còn gọi là R0, R0 = 7). Khi giãn cách triệt đề thì F0 không còn cơ hội truyền bệnh nữa. R0 càng cao dịch bùng phát càng lớn. Thực hiện triệt để chỉ thị 16 đồng nghĩa với đưa R0 về 1, lúc đó ta đã chặt đứt được nguồn lây, khống chế được dịch.

– Nếu chỉ khống chế được dịch trong thời gian thực hiện CT 16 thì chưa đủ vì khi hết thời gian giãn cách, các F0 sau thời bị giam cầm được sổ lồng và lại tung tăng truyền bệnh, R0 lúc đấy lại là 7, dịch bệnh sẽ lại bùng phát.

Vậy muốn đầy lùi dịch bệnh thì chúng ta phải tìm được F0 để loại hoàn toàn ra khỏi cộng đồng. Để khi chúng ta gỡ bỏ mọi biện pháp giãn cách thì không còn F0 lây bệnh cho cộng đồng. Và chỉ có xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm mới giúp chúng ta phát hiện được F0 để loại ra khỏi cộng đồng.

TP.HCM đang có chiến dịch xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay nhằm phát hiện F0, đây là chủ trương rất đúng (trong quá trình thực hiện chiến dịch xét nghiệm cho 5 triệu người dân TP.HCM có những điều cần rút kinh nghiệm, tôi cũng đã góp ý ở những Stt trước).

– Vậy TP.HCM bao giờ hết giãn cách: Điểu này phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ xét nghiệm và ý thức của người dân trong việc thực hiện Chỉ thị 16. Theo cánh nhìn của tôi thì đầu tháng 8 /2021, sẽ hạ mức độ xuống 15 rồi 19 từng bước chứ không xoá bỏ một lúc.

– Mỗi ngày TP.HCM hiện tại phát hiện cả nghìn F0 có đáng lo không, liệu có “toang” không ? Không có gì quá lo lắng đâu vì theo tôi chúng ta không sợ phát hiện ra nhiều F0 trong cộng đồng mà chỉ sợ có nhiều F0 trong cộng đồng mà ta không phát hiện ra.

Cả nước đang dồn vaccine cho TP.HCM hy vọng chúng ta sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là máy thở, ECMO, ICU, giường bệnh… chúng ta cũng đã lường trước được, cũng đã có sự chuẩn bị với sự góp sức của y tế cả nước chắc chắn sẽ vượt qua.

Vấn đề là ta phải hết sức bình tĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong cách ứng phó với dịch bệnh, Nhân dân không lơ là chủ quan thì không có gì phải quá lo sợ trước Covid vô tri vô giác!

Trên đây là cách nhìn của cá nhân tôi, một bác sĩ không được học và cũng không làm dịch tễ. Vấn đề này “nóng” tôi đưa lên trước. Còn nếu như năm 2022 Việt Nam chưa đạt miễn dịch cộng đồng thì ta điều chỉnh thế nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, chuyên gia hồi sức cấp cứu, người theo dõi và điều trị các trường hợp những bệnh nhân nhiễm Covid nặng: Với những bệnh nhân nhiễm Covid thường diễn biến nặng và bất thường trong những ngày đầu, từ không triệu chứng đến phải thở máy, ECMO chỉ vài ngày… Chỉ sau ngày thứ 8 trở đi ta mới yên tâm, dù xét nghiệm vẫn dương tính.

TP.HCM với trên 14000 F0 đang được điều trị tại các bệnh viện và con số này còn tiếp tục gia tăng chưa có điểm dừng. Nhiều bác sĩ, chuyên gia cho rằng nên cho cách ly và điều trị tại nhà với những bệnh nhân nhiễm Covid nhẹ và không triệu chứng, để giảm áp lực cho bệnh viện. Theo ý kiến cá nhân tôi thì không nên. Bởi vì :

– Đưa F0 vào bệnh viện là cắt đứt nguồn lây, đảm bảo an toàn cho cộng đồng trong điều kiện nước ta nhà cửa chật chội, nhiều người sống chung trong một ngôi nhà chật chội hoặc nhà chung cư, không có không gian riêng. Ý thức phòng dịch của nhiều người còn chưa tốt.

– Như ý kiến của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thì trong tuần đầu tiên bệnh diễn biến bất thường, đưa bệnh nhân vào bệnh viện để theo dõi cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nhiều cơ hội sống hơn. Bởi vì khi phát hiện dương tính ta cũng khó xác định bệnh nhân nhiễm Covid vào ngày thứ mấy.

Vậy làm thế nào để giảm áp lực cho bệnh viện khi các ca dương tính tại TP.HCM tiếp tục gia tăng? Theo tôi chúng ta nên rút ngắn thời gian điều trị tại bệnh viện cho những bệnh nhân bị nhiễm mà không triệu chứng sau 8 ngày nhập viện dù xét nghiệm vẫn dương tính.

Những bệnh nhân này được chuyển đến khu cách li tập trung tiếp tục theo dõi và xét nghiệm đến khi đủ điều kiện thì mới cho về cách li tại nhà. Như vậy chúng ta đã giảm được 1/3 số bệnh nhân nằm viện mà vẫn an toàn cho người nhiễm bệnh và cộng đồng.

Về vấn đề này chỉ có tiểu ban điều trị mới có quyền quyết định, rất mong các anh nghiên cứu và nếu được cho triển khai vì các bệnh viện ở TP.HCM đã bị rất nhiều áp lực về số lượng bệnh viện nhập viện.

Trên đây là ý kiến của cá nhân tôi!

Đọc thêm

lên đầu trang