Bạn cần biết vài thông tin về Covid -19 để tự tin bảo vệ chính mình

10/06/2021 12:26

(170)


Tình hình dịch Covid ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn khá căng thẳng. Sau thời gian ngăn ngừa/chống dịch hiệu quả dựa trên phương thức truy vết và cách ly tập trung, hiện nay với tốc độ lây lan rất nhanh của biến chủng Delta từ Ấn Độ, có vẻ phương thức này bắt đầu đuối với sự xuất hiện của nhiều nguồn bệnh không rõ gốc phát sinh từ cộng đồng.

Đặc biệt, mới đây đã có trường hợp một bệnh nhân bị tử vong trên đường đến bệnh viện, sau đó  xét nghiệm và phát hiện ra bị nhiễm Covid từ trước. Theo tôi, điều đó chứng tỏ hiện nay dịch bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng khá nhiều, nhưng chưa phát hiện ra do không có triệu chứng, hoặc triệu chứng mờ nhạt nên không được xét nghiệm.

Ngoài ra, cũng có thể có trường hợp mọi người ngại bị đưa đi cách ly tập trung nên cố lướt cho qua, không đi báo cáo ngay khi có triệu chứng nhẹ.

Cần bình tĩnh và tự tin nhận diện các dấu hiệu của cơ thể

Với kiến thức và kinh nghiệm sống chung với lũ Covid hơn một năm qua, tôi xin mạn phép chia sẻ ở đây một ít kiến thức để giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn và phòng chống cũng như tự bảo vệ mình tốt hơn. Có những thông tin có thể mọi người đã biết, xin bỏ qua

– Trong cuộc chiến chống chọi với Covid, điều cần nhất là bình tĩnh và tự tin. Tuy số người (trên thế giới) bị nhiễm Covid rất lớn, nhưng tỷ lệ bị nghiêm trọng không cao, số đông là qua khỏi, cho nên đừng quá hoảng hốt, lo lắng khi thấy test ra kết quả positive

– Có rất nhiều người từng bị Covid nhẹ, giống như cúm thường rồi qua khỏi, không biết mình đã nhiễm Covid nếu không test. Những trường hợp nhiễm Covid mà không có triệu chứng này rất nguy hiểm vì tuy người nhiễm (F0) không thấy triệu chứng gì, nhưng vẫn lây nhiễm qua người khác được. Đây là thời gian nguy hiểm nhất trong tiến trình lây / nhiễm bệnh, người bị lây nhiễm sau (F1) có thể bị nặng hơn, tùy “cơ địa”

– Có rất nhiều triệu chứng khác nhau khi bị lây nhiễm, thậm chí trong cùng một nhà, mỗi người có thể có triệu chứng khác nhau hoàn toàn, nên phải luôn cảnh giác và theo dõi những biến chuyển khác lạ trong người.

– Triệu chứng rõ rệt nhất của Covid, không nhầm với các bệnh khác, là hiện tượng mất mùi vị (mũi, lưỡi + miệng). Các triệu chứng khác bao gồm (có thể chỉ có 1 trong các triệu chứng này):

–  Sổ mũi kéo dài, chảy nước mũi liên tục trong vài ngày

– Ho khan liên tục kéo dài

– Nhức đầu chóng mặt, người mất sức, mệt lả

– Thở ngắn, thở bị hụt hơi (shortness of breath)

– Sốt liên tục (không quá cao)

– Đôi khi có người bị tiêu chảy

– Có 1 điều nhiều người bị nhầm lẫn, cho sốt là triệu chứng cơ bản đầu tiên khi nhiễm Covid, vì cho tới nay các nơi công cộng vẫn dùng cách đo nhiệt độ (thân nhiệt) để nhận dạng người bị nhiễm. Thực ra đo thân nhiệt là biện pháp dễ dàng và đơn giản nhất cho các nơi công cộng, chứ không phải là điều kiện bắt buộc. Rất nhiều người bị nhiễm Covid, ngay cả trường hợp nặng, nhưng trong suốt thời gian từ khi nhiễm đến suốt thời gian điều trị đều không hề bị sốt. Đừng coi thường nếu thấy mình không bị sốt

– Đặc điểm của virus Covid là làm tổn thương (nghiêm trọng) hệ thống hô hấp trong cơ thể, mà cụ thể là cơ chế hấp thụ oxy của phổi, và làm rối loạn nhịp tim (làm nhịp tim cao hơn bình thường). Khi bị nhiễm Covid, cần phải đặc biệt chú ý đến 2 chỉ số sau:

– Chỉ số hấp thụ oxy, hay chính xác là chỉ số bão hòa của oxy trong máu (SpO2 – blood oxygen saturation). Chỉ số này cho biết tình trạng hoạt động của phổi, tức cho biết virus đã làm tổn hại phổi đến mức nào. Chỉ số này phải cao hơn 90%. Ở người bình thường, tối thiểu mức SpO2 phải từ 95% trở lên. Ở Mỹ nếu SpO2 xuống thấp hơn 90% bác sĩ sẽ cho gọi cấp cứu / nhập viện ngay

– Nhịp đập của tim (heart rate). Virus Covid làm tổn thương tim, làm nhịp tim bị rối loạn, không đều và nhanh hơn bình thường (trên 100 nhịp/phút)

– Để theo dõi 2 chỉ số này, nên mua máy đo oxy bão hòa  trong máu, loại kẹp ở đầu ngón tay. Máy này khá rẻ, ở Việt Nam có bán trên các mạng online. Máy cho biết 2 chỉ số cơ bản là nồng độ oxy bão hòa trong máu và nhịp tim.

– Ngoài việc dùng máy đo oxy, cần kiểm tra hoạt động của phổi xem có bị khó thở (short breath) không, bằng cách hít hơi dài và sâu hết sức. Nếu chỉ được một nửa so với bình thường đã cảm thấy nghẹn không hít vào được nữa tức là đã bị khó thở rồi, cần sớm được thở oxy để hỗ trợ cho cơ thể

– Bệnh viện ở Mỹ hiện nay điều trị Covid-19 bằng 2 loại thuốc chính là Remdesivir (anti viral – kháng virus) và Dexamethasone (steroids – kháng viêm). Các thuốc này phải do bác sĩ và bệnh viện chỉ định dùng cho bệnh nhân, không tự ý sử dụng. Xin đừng nghe những thông tin lan truyền trên các mạng xã hội mà tự mua và sử dụng thuốc này nọ, đặc biệt là không dùng Chloroquine Phosphate hoặc Hydroxychloroquine Sulfate. Thuốc này chỉ được thử nghiệm trong một thời gian ngắn của đầu mùa dịch năm 2020 rồi dừng lại, không hề được dùng để điều trị Covid chính thức tại Mỹ. Nếu tự sử dụng với liều cao liên tục sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.

 Tóm lại, ở nhà nên có sẵn:

– Nhiệt kế (nên mua loại nhiệt kế số (digital) thủy ngân ngậm trong miệng, độ chính xác cao hơn loại dùng hồng ngoại, không tiếp xúc

– Máy đo oxy bão hòa / nhịp tim

– Hiện nay người bị nhiễm Covid và người chích vaccine Astraveneca thường dễ bị nguy cơ đông máu (blood clots). Nguy cơ này làm nghẽn mạch máu, đưa đến tai biến / tử vong. Mọi người nên uống ngay (hàng ngày) thuốc Aspirin 81 mg (Aspirin liều thấp), mỗi ngày 1 viên để phòng ngừa . Thuốc này có tác dụng làm loãng máu, liều lượng rất thấp (chỉ 81mg thay vì aspirin bình thường là 325mg hoặc cao hơn) nên không làm hại bao tử. Trước nay thuốc này được khuyến cáo dùng cho người lớn tuổi, trên 50 (chủ yếu là đàn ông) uống để giảm nguy cơ tai biến mạch máu, nhưng với tình hình Covid hiện nay, cả phụ nữ cũng nên uống.

– Ngoài ra là vài loại thuốc thông thường để hạ sốt, như Tylenol, Paracetamol …

Lưu ý

– Các phương pháp truyền miệng hiện nay mang ý nghĩa cảm tính nhiều hơn là hiệu quả, nhưng nếu không có hại thì cũng giúp người bệnh về mặt tâm lý. Có điều đừng áp dụng thái quá một phương pháp nào hết. Có nhiều người đồn nhau nên dùng kiểu xông hơi giải cảm để hạ sốt khi bị Covid, thực ra nếu áp dụng 1 lần và cảm thấy khỏe hơn thì được, nhưng không nên xông liên tục sẽ làm người mệt và sức hơn, vì ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và tuần hoàn. Còn việc dùng bấm huyệt, nếu trị được Covid thì “thầy” của bấm huyệt là Trung Quốc đã không phải còng lưng ra mà nghiên cứu vaccine!

– Khi bị Covid làm khó thở hay oxy giảm xuống, tư thế nằm tốt nhất là nằm sấp chứ không nằm ngửa, vì nằm ngửa phổi bị trọng lượng cơ thể đè xuống sẽ khó giãn nở ra, khó hấp thu oxy hơn

Trên đây là một ít thông tin vắn tắt, xin gửi mọi người đọc tham khảo. Điều quan trọng hơn cả là cố gắng giữ gìn, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để không bị lây bệnh. Nhưng nếu lỡ bị lây nhiễm, các bạn nên bình tĩnh và (nếu được) tự kiểm tra theo cách đo 2 thông số như đã nói ở trên. Ít nhất như vậy bạn cũng biết tình trạng của mình như thế nào. Biết sớm được giây phút nào là cơ hội sẽ lớn thêm chút đó.

Dịch bệnh này cả trăm năm mới xuất hiện một lần (thực ra sắp tới có thể chu kỳ này sẽ ngắn hơn, do bàn tay con người can thiệp), các bạn hãy tỉnh táo và bình tĩnh vượt qua cơn hồng thủy Covid để sau này còn hãnh diện kể lại cho con cháu nghe.

 Chúc tất cả may mắn và mạnh khỏe!

Nguyễn Văn Đạo

Đọc thêm

lên đầu trang