Bài 3: Ưu điểm của nền kinh tế tuần hoàn

07/09/2020 02:29

(906)


Có thể nói kinh tế tuần hoàn là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Kinh tế tuần hoàn không phải là mục tiêu hướng đến mà là cách thức để đi đến phát triển bền vững.

Theo tinh thần đó, không có  tiêu chí, quy chuẩn để xác định, đánh giá một thực thể xã hội, một nền kinh tế đã là nền kinh tế tuần hoàn hay không mà chỉ là những tiêu chí đánh giá nơi đó đã có được vận hành theo kiểu kinh tế tuần hoàn hay chưa mà thôi…

Kinh tế tuần hoàn giúp tăng trưởng bền vững và tạo thêm việc làm

Kinh tế tuần hoàn là sự nghiệp của toàn xã hội, của tất cả mọi người, chứ không phải là của riêng Chính phủ, doanh nghiệp, hệ thống dịch vụ, ngành nghề nào… Các chỉ tiêu, chỉ số về kinh tế tuần hoàn hiện nay là các chỉ tiêu để theo dõi quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn ở mức độ phổ cập nào, chứ không phải để đánh giá, xếp hạng.

Trong nhãn quan so sánh, dĩ nhiên nền kinh tế tuần hoàn ưu việt hơn, nhân quả hơn vì kinh tế tuyến tính lâu đời có thể nói ngắn gọn chính là quá trình biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Còn kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận phát triển mới, hướng tới việc kết nối điểm cuối của quá trình sản phẩm trở lại với điểm đầu quá trình sản phẩm mới. Nó nhằm khôi phục và tái tạo các vật chất ở cuối mỗi vòng khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể.

Kinh tế tuần hoàn tạo ra một cơ chế kinh tế xanh, bền vững, đồng nghĩa với tăng trưởng mới và cơ hội việc làm. Thiết kế đổi mới sinh thái, ngăn ngừa chất thải và tái sử dụng nguyên liệu thô có thể mang lại khoản tiết kiệm ròng cho các doanh nghiệp. Theo tính toán lý thuyết, các biện pháp này nhằm tăng 30% năng suất tài nguyên vào năm 2030, thúc đẩy GDP tăng gần 1%, đồng thời tạo thêm 2 triệu việc làm ở mỗi nền kinh tế tương tự như Việt Nam. Nó cũng có lợi cho môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, loại trừ bớt những rủi ro biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái.

Trở lại câu chuyện đã từng nhắc tới, trọng tâm của nền Kinh tế tiêu dùng tư bảnkích cầu, tăng cường loại bỏ hàng thừa, phế phẩm để bán được sản phẩm mới, đẩy mạnh tần suất lỗi thời sản phẩm để mau chóng cho ra sản phẩm mới nâng cấp. Tinh thần này mâu thuẫn với nền kinh tế tuần hoàn.

Tính tất yếu là sự chuyển dịch, từ kinh tế tuyến tính (dựa trên khai thác và tiêu dùng) sang kinh tế tuần hoàn (dựa trên khôi phục và tái tạo) đang trở thành ưu tiên của nhiều nước trên thế giới. Đó là bởi áp lực từ các vấn đề tiêu cực do các mô hình kinh tế tuyến tính gây ra và bởi những lợi ích đang ngày càng được thấy rõ của kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn sẽ vận hành ra sao

Kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và không quan tâm nhiều đến việc thải bỏ ra môi trường, nên đã khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên dẫn đến việc khan hiếm tài nguyên, năng lượng và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ.

Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, tránh tạo ra chất thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức, từ thiết kế lại, giảm thiểu, sửa chữa, tái sử dụng, tái chế, và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê.

Khi nói về việc giảm thiểu chất thải, chúng ta có thể nghĩ rằng tái chế chính là câu trả lời. Tuy nhiên chỉ riêng tái chế thôi sẽ không đủ giúp chúng ta thoát khỏi đống đồ thừa, và đó không hề là đáp số cho bài toán vận hành nền kinh tế tuần hoàn.

Ta đã từng khẳng định nhiệm vụ của kinh tế tuần hoàn không phải là để phân loại, thu gom, xử lý, tái chế chất thải nhằm tái sản xuất mà còn là thiết kế để kiểm soát, quản lý, tác động chất thải từ mọi khâu trong chuỗi sản xuất – cung cấp – sử dụng của nền kinh tế. Nền kinh tế tuần hoàn là một ý tưởng lớn hơn mà toàn bộ hệ thống phải quan tâm, mang ý nghĩa là phải suy nghĩ lại về cách hình thành sản phẩm ngay từ đầu khi khởi sự sản xuất, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên không cần thiết, thiết kế các mặt hàng để sử dụng lâu nhất có thể và lập kế hoạch đưa nguyên liệu trở lại nền kinh tế sau này.

Để đạt được điều này sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế. Nhưng đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển (như chúng ta và nhiều nước khác), do sự hạn chế về nguồn lực, về hạ tầng kinh tế – xã hội, về mặt bằng dân trí – quan trí, về khả năng tương tác quản lý và cả về thói quen xoay xở chật vật để thích nghi mọi hoàn cảnh, đa số chính phủ lẫn doanh nghiệp ở đây sẽ không muốn, chưa sẵn sàng hoặc không thể đầu tư với tốc độ và quy mô cần thiết cỡ đó.

Thật sự, vì đó không phải là vấn đề của 1 đồng mà là của 150 – 200 đồng vốn chi phí, nên điều này cần phải sớm hình thành cả một ngành công nghiệp quan trắc, quản lý, thúc đẩy và thực sự đóng góp vào việc tạo ra cơ sở hạ tầng đó để vận hành mô thức kinh tế tuần hoàn cho toàn bộ các hệ thống này.

Để chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, cần có một lộ trình và ngắn/dài, nông/sâu, rộng/hẹp tùy vào điều kiện phát triển và hình thái kinh tế từng nước. Riêng Việt Nam, chỉ có vài cách vận hành đồng dạng kinh tế tuần hoàn thôi chứ chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn căn cơ. Điều này khẳng định, khi Chính phủ từng bước thúc đẩy chuyển qua kinh tế tuần hoàn sẽ gặp rất nhiều trở ngại với hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều bất cập.

Cần những giải pháp tích cực và đồng bộ cho Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam đang đòi hỏi cần có những giải pháp tích cực và đồng bộ để rốt ráo xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, tăng cường hàm lượng khoa học, công nghệ vào các ngành, đặc biệt là thu gom – xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu với sự tham gia của toàn xã hội.

Bởi vì, việc chuyển đổi từ một nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò thực thi và đồng hành của các bên liên quan gồm nhà nước, doanh nghiệp, người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đường đến mô hình kinh tế tuần hoàn cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển. Trong đó, Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, quản lý, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện; với cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu và quy mô kinh tế; theo ngành chuyên môn và các không gian địa lý.

Lộ trình cần tiếp tục thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn như khuyến khích năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thiện và phát triển các mô hình đồng dạng với kinh tế tuần hoàn đã có.

Để mở rộng kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu, yếu tố then chốt, như thay thế kiểu sản xuất càng nhanh, càng nhiều, càng rẻ bằng những sản phẩm có độ tin cậy, tốt bền từ quy trình sản xuất bền vững. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Đặc biệt, phần khó khăn nhất sẽ là thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.

LÊ HÙNG (còn tiếp)

Nguồn bài 1: https://thegioimoitruong.vn/nhan-dien-nen-kinh-te-tuan-hoan.html

Nguồn bài 2: https://thegioimoitruong.vn/bai-2-nen-kinh-te-tuan-hoan-la-yeu-cau-tat-yeu.html

 

Đọc thêm

lên đầu trang