Bài 2: Biện pháp trả hữu cơ lại cho đất
(168)
Trong nông nghiệp đang rất thiếu phân bón hữu cơ. Tuy mọi sinh vật đều sinh ra từ đất, đó chính là hữu cơ, hay nói cách khác, hữu cơ sinh ra từ đât. Con người đã sai lầm, lấy hữu cơ của đất, nhưng trả lại đất bằng hóa học là chính, làm cho đất bị mất cân bằng và thoái hóa nặng nề.
Nay phải đưa ra khẩu hiệu: Trả hữu cơ lại cho đất. Đồng thời không làm bất cứ điều gì có hại cho đất vì mất hữu cơ, dầu cho đó là biện pháp có lợi trước mắt.
Để trả hữu cơ lại cho đất, người nông dân có nhiều kinh nghiệm, xin nêu một số biện pháp để tham khảo.
1. Không đốt đồng. Một tập quán tử ngàn xưa, đốt rừng để khai hoang, đốt đồng để làm sạch ruộng. Việc đốt bỏ, hàng năm đã tiêu hủy khối lượng cực lớn hữu cơ và làm ô nhiễm môi trường. Nay đã có chủ trương không đốt đồng, để hữu cơ lại cho đất. Đây là biện pháp trả hữu cơ lại cho đất cực kỳ quan trọng.
2. Làm đất tối thiểu. Đất nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm, lượng mưa lớn, việc cày bừa hàng năm đã làm trôi lượng đất mặt màu mỡ khá lớn, nhất là trên đất dốc. Nay đã có nhiều mô hình canh tác không làm đất hoặc làm đất tối thiểu, hạn chế rửa trôi, bảo vệ độ phì của đất rất tốt.
3. Không lạm dụng hóa học. Như trên đã nói, hạn chế sự lạm dụng phân hóa học, nhất là phân đạm. Không lạm dụng thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ vì chúng đã làm cho đất bị ngộ độc và thoái hóa.
4. Phủ bổi, trồng cây phủ đất trong vườn cây.
Hiện nay đã có nhiều mô hình trồng cây phủ đất hoặc phủ bổi trong vườn cây ăn quả, thay vì làm sạch cỏ bằng thuốc hóa học. Kết quả các mô hình đã chứng minh, biện pháp này đã tiết kiệm chi phí, chống ô nhiễm môi trường, chống rửa trôi đất, và là biện pháp trả hữu cơ lại cho đất hữu hiệu.
5. Canh tác bón phân hữu cơ là chính (organic based).
Ngoài những biện pháp trả hữu cơ lại cho đất như đã nói trên, việc bón nhiều phân hữu cơ (tùy từng loại đất) thay thế cho phân hóa học, nhất là phân đạm hóa học. Nông nghiệp không loại trừ hóa học, nhưng bón hạn chế, bón phân hữu cơ là chính (organic based). Tùy theo từng loại đất, tính toán bón các loại phân sao cho đủ và cân đối dinh dưỡng cho đất và cây trồng.
6. Dùng các lợi khuẩn (probiotic) và VSV đối kháng trong canh tác và quản lý dịch hại.
Ngoài những biện pháp trả hữu cơ lại cho đất như nêu trên, cần sử dụng các biện pháp đưa VSV có ích, hay còn gọi là lợi khuẩn (probiotic) vào đất để nuôi và bảo vệ cây trồng (Nội dung này sẽ nói kỷ ở phần sau).
Việc trả hữu cơ lại cho đất có thể có nhiều biện pháp, tuy nhiên những biện pháp nói trên là cơ bản, đang thường làm và có hiệu quả.
Áp dụng probiotic (lợi khuẩn), công nghệ cao trong nông nghiệp.
Theo Saburo Matsui (2018), VSV có ích và đối kháng luôn có khắp mọi nơi, trong y tế, những loại vi khuẩn có lợi cho sức khỏe con người được gọi là lợi khuẩn (probiotic), nay khái niệm probiotic được áp dụng trong nông nghiệp. Các probiotic đang sử dụng có ba nhóm:
1) Bacillus.
2) Actinomycetous.
3) Vi khuẩn Lactic acid, và yeasts.
Các probiotic có phổ tác dụng rất rộng. Ví dụ như Lacto Bacillus (Công Ty Sky life, Nhật Bản) có tác dụng:
– Chế biến rác thải, xác bả động thực vật thành phân bón.
– Kích thích tính kháng, làm tăng sức khỏe và bảo vệ cây trồng.
– Tăng cường sức khỏe cho động vật (heo, gia súc có sừng, gà vịt, tôm, cá v.v.).
– Những tác động khác.
Tác dụng của probiotic và các enzyme có thể xử lý rơm rạ, xác thực vật mau phân hủy, sau khi trả hữu cơ lại ruộng trong thời gian ngắn, cây trồng vụ sau không bị ngộ độc hữu cơ. Chế biến xác bả động thực vật, phân gia súc bằng công nghệ probiotic được phân hủy triệt để, phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, chất lượng cao. Bón probiotic cây trồng phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng sâu bệnh hại, hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Thực hiện tốt nông nghiệp theo hướng hữu cơ cải tạo đất sẽ còn làm giàu lợi khuẩn bản địa.
Nông nghiệp hữu cơ ngày nay không phải là quay lại phương thức canh tác đơn giản, thô sơ xa xưa. Tất nhiên, trong canh tác hữu cơ chúng ta thừa kế những quan điểm hữu cơ truyền thống, gần gủi với tự nhiên. Nhưng những biện pháp hữu cơ sinh học, nay đã được nâng lên thành công nghệ hiện đại. Sự phối hợp giữa biện pháp truyền thống với công nghệ chế biến hữu cơ, công nghệ vi sinh probiotic, kết hợp với hệ thống canh tác theo GAP là khoa hoc hiện đại nhằm phục vụ cho sản xuất an toàn và bền vững, đó thực sự là công nghệ cao trong nông nghiệp.
Những mô hình canh tác theo hướng hữu cơ và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong đất.
Trong tình trạng đất bị bị thoái hóa nặng nề, tùy theo từng vùng sinh thái khác nhau, cần phối hợp nhiều biện pháp tổng hợp, lấy canh tác theo hướng hữu cơ làm gốc để quản lý dịch hai, gọi là “IPM trong đất”.
Để trở thành chương trình nông nghiệp hữu cơ của cả nước như hiện nay, trong nhiều năm qua đã có những mô hình canh tác theo hướng hữu cơ (không phải hoàn toàn hữu cơ) trên các loại cây trồng rất có kết quả. Từ đó có thể rút ra một số kết quả như sau:
– Canh tác theo hướng hữu cơ, cây trồng khỏe mạnh, đạt năng suất khá tốt, chất lượng nông sản an toàn, sạch.
– Đất được cải tạo, tăng độ phì, pH 5,6.
– Hầu hết các mô hình đều giảm lượng phân bón hóa học, nhất là giảm phân đạm hóa học đáng kể. Không còn lạm dụng hóa học trong sản xuất.
– Nhiều mô hình giảm hẳn áp lực sâu bệnh hại. Ít trường hợp bùng phát dịch hại nặng. Hầu hết các mô hình không dùng thuốc trừ cỏ.
Giải pháp nào cho sản xuất cây có múi bền vững.
Hiện nay sản xuất các loại cây có múi, như cam, quýt, chanh, bưởi đang phát triển mạnh trong cả nước. Tuy nhiên, cẩn phải nhớ lại, thời gian trước đây (khoảng 1960 – 1970) các vùng trồng cam nổi tiếng ở các tỉnh Phía Bắc đã từng bị phá sản do sự tàn phá bởi bệnh hoàng long hay còn gọi là bệnh greening và bệnh chết cây. Nay, sau nhiều năm, việc phát triển cây có múi mới đang được phục hồi trở lại.
Trên cây có múi có các bệnh quan trọng, đó là bệnh greening do vi khuẩn Liberobacteria gây ra. Đây là Loại vi khuẩn chuyên biệt có đăc điểm sinh hoc giống như một loại virus, không thể phòng trị được bằng thuốc hóa học; bệnh thứ hai là bệnh vàng lá thối rễ do một tập hợp nấm bán ký sinh và tuyến trùng có nguồn từ trong đất, rất khó phòng trị bằng hóa học.
Việc sản xuất cây có múi đang rất có lời, người sản xuất tập trung thâm canh để có năng suất cao, chủ yếu bằng biện pháp bón phân hóa học, có thể đến mức lạm dụng. Tình hình đó nếu kéo dài trong nhiều năm sẽ dẫn đến làm thoái hóa đất, nguồn bệnh tích lũy, cây trồng mất sức đề kháng, bệnh ngày càng nặng, tàn phá ngành sản xuất cây có múi một lần nữa, nhất là trên cây cam quýt.
Với lập luận như đã nêu trên, để trồng cây có múi bền vững, không có con đường nào khác: phải canh tác theo phương thức bảo vệ đất bằng tăng cường hữu cơ, nâng cao độ phì của đất, tăng đa dạng sinh học đất và tăng sức khỏe, khả năng đề kháng của cây để làm nền tảng cho quản lý dịch hại có hiệu quả. Đó là giải pháp khả thi và dễ làm để sản xuất cây có múi bền vững trong tương lai.
Hiện nay Nhà Nước đã có chủ trương nông nghiệp hữu cơ. Theo chúng tôi nông nghiệp hữu cơ có hai phân khúc khác nhau: 1) Canh tác hoàn toàn hữu cơ (không sử dụng hóa học) làm ra nông sản hữu cơ. 2) Canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng hữu cơ là chính (organic based), nhằm tăng nguồn hữu cơ cho đất để nâng cao đa dạng sinh học đất và quản lý dịch hại cây trồng hiệu quả. Biện pháp này dễ làm trên diện rộng, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong nông nghiệp: Cải tạo đất, quản lý dịch hại bền vững, sản xuất nông sản sạch (an toàn), với khẩu hiệu:
Tài liệu tham khảo.
1. Nguyễn Thanh Thủy, 2000. Giữ gìn độ phì nhiêu của đất trong vườn cây lâu năm. Đặc san làm giàu từ trang trại. Khoa học phổ thông. Liên hiệp các hội khoa học & Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
2. Arden B. Andersen, 1992, 2000. Science in Agriculture, Advenced methods for sustainable farming.
3. Ismael A. Cuellar Ayala, Mario E. de Leon Ortiz, Alberto Gomez Ruiz, Dolores Pinon Gomez, Rafael Villegas Delgado, Ignacio santana Aguilar, 2003. Tạp chí Hệ thống sản xuất mía bền vững của Cuba, 5/2003. Hiệp hội mía đường Cuba.
4. 2011. www.youtube.com/watch?v=p-k_aU_AHj8, được tải lên bởi Juan Jose Hernandez Segura”El suelo tambien tiene vida_part-1.mpg”, ngày 23/5/2011.
5. Nguyễn Thơ, 2014. Quản lý dịch hại virus theo biện pháp sinh thái và hửu cơ sinh học. (Tuyển tâp Hội thảo Quốc gia bệnh hại thực vật Việt Nam lần thứ 13, tại tường Đại học Nông lâm TP HCM, 6 – 7/5/2014), (ISBN 978-604-60-1313-6).
6. Nguyễn Thơ, Nguyễn Thanh Thủy, 2015. Quản lý dịch hại cây trồng có nguồn bệnh từ trong đất theo hướng hữu cơ sinh học. (Tạp chí khoa học và công nghệ – Bộ nông nghiệp và PTNT, 13/2015. ISSN 1859-4581.
7. Nguyễn Thơ, 2015. Giải pháp giảm thiểu thuốc BVTV độc hại trong sản xuất nông nghiệp. (Tạp chí khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, 18/2015, ISSN 1859-4700. Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam,).
8. Nguyễn Thơ, Trần Đức Thành, 2017. Hiệu quả trồng cây lạc dại (Arachis pintoi) trong vườn cây lâu năm. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh”, Bộ NN PTNT, Hội KHKT Bảo Vệ Thực Vật Việt Nam. Tại Tp Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 4, năm 2017.
9. Nguyễn Thơ, 2018. Canh tác và quản lý dịch hại theo hướng hữu cơ sinh học, thay đổi tập quán lạm dụng hóa học trong nông nghiệp. (Tạp chí khoa học và công nghệ – Bộ nông nghiệp và PTNT, 01/2018. ISSN 1859-4581)
10. Nguyễn Thơ, Vũ triệu Mân, 2018. Canh tác theo hướng hữu cơ sinh học và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong đất. Hội thảo Quốc gia Bệnh hại thực vật Việt Nam lần thứ 17. Tại Bộ NN PTNT, ngày 20/7/2018. ISBN 978-604-60-2796-6.
11. Saburo Matsui, 2019, Application of probiotics principle to convert biomass into organic fertilizer. Saburo Matsui, PH.D, Emeritus Professor, Kyoto University. M36@3kankyo.co.jp
G.S Nguyễn Thơ
Nguồn link bài 1: http://thegioimoitruong.vn/bai-1-canh-tac-va-quan-ly-dich-hai-theo-huong-huu-co-sinh-hoc-thay-doi-tap-quan-lam-dung-hoa-hoc.html
MỚI ĐĂNG
- Diamond Event thực hiện thành công sự kiện với qui mô hơn 320 gian hàng tại Kiên Giang
- Hội nghị phổ biến chính sách giảm thiểu nhựa cho ngành hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, hàng không, đồ ăn nhanh và sản xuất bao bì
- Thói quen xanh những cách đơn giản để bảo vệ môi trường hàng ngày
- Gian Hàng Xanh ESG – điểm đến của sản phẩm xanh, du lịch xanh thân thiện môi trường
- ECO Solutions với chiến dịch “Cooking to Green” : Bữa trưa an toàn bổ dưỡng, gắn kết và thân thiện với môi trường
- Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024
- Alena Energy khởi động Dự án sản xuất thiết bị lưu trữ điện năng lượng xanh
- HANE phát động chương trình “Hành động Xanh” cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên và môi trường
- HANE trao tặng Vùng 2 Hải quân 100 ngàn cây thực hiện chương trình “Một triệu cây vì biển, đảo Tổ quốc, vì quê hương Việt Nam xanh”
- Giải bóng đá thiện nguyện hướng về miền Bắc thân yêu: “Một trái tim – Triệu yêu thương”