Ấn tượng điện gió Bạc Liêu – Năng lượng sạch và địa điểm checkin sống ảo hoàn hảo

28/08/2019 05:24

(359)


Từ ngày 22 – 24/08/2019 vừa qua, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị (CRUS)  đã tổ chức Khóa tập huấn báo chí “Biến đổi khí hậu và Năng lượng bền vững” cho các phóng viên từ các báo, đài phát thanh và đài truyền hình trung ương cũng như địa phương, chuyên theo dõi lĩnh vực môi trường tại Đồng Bằng Sông Cửu Long và  TP.HCM.

Đại diện trang tin THẾ GIỚI MÔI TRƯỜNG (thegioimoitruong.vn) của Hội Bảo vệ và Thiên nhiên TPHCM đã tham gia khóa tập huấn cũng như tham qua các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu và dự án điện gió Bạc Liêu, một dạng năng lượng sạch và bền vững.

Chuyến tập huấn và tham quan này đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc về một vùng đất hiền hòa, đang phải hứng chịu tác động biến đổi khí hậu mạnh mẽ và cần phải có những mô hình sản xuất, kinh doanh thích ứng để tạo sự phát triển bền vững cho toàn khu vực.

MỘT…

Khi được lựa chọn 2 nơi để đăng ký tham quan là Hậu Giang và Bạc Liêu, chúng tôi đã chọn Bạc Liêu vì ấn tượng và muốn biết cụ thể về dự án điện gió lớn nhất nước này.

Trước ngày lớp học diễn ra, chúng tôi nhận được tin, ông Tô Công Lý, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (gọi tắt Công ty Công Lý) bị Bộ Công an khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” làm xôn xao dư luận những ngày qua. Theo đó, tối 17/8, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã thông báo bắt tạm giam tại Thành phố Hồ CHí Minh và sau đó di lý về khám xét nơi ở cũng là chỗ làm việc của ông Tô Công Lý, tại số 127A Nguyễn Tất Thành, phường 8, Thành phố (TP) Cà Mau, tỉnh Cà Mau, vào ngày 18/8.

Thông tin này đã khiến chúng tôi hơi lo lắng, vì Công ty Công Lý chính là chủ đầu tư nhiều dự án lớn về điện gió tại Đồng Bằng Sông Cửu Long như: Nhà máy điện gió Bạc Liêu; Nhà máy điện gió Khai Long (Cà Mau); Nhà máy điện gió Công Lý Sóc Trăng. Chưa kể Công ty cũng là chủ nhiều dự án đầu tư lớn khác như Khu du lịch Khai Long; Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau…

Câu chuyện khiến ông Tô Công Lý bị bắt thì lại liên quan đến đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau. Theo đó, ngày 2/4/2010, công ty này đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau với công suất 200 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư dự án 329 tỉ đồng. Nhà máy này xây dựng theo chính sách ưu đãi, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn (40% ngân sách Trung ương và 10% ngân sách tỉnh). Theo nhiều nguồn tin, ông Tô Công Lý bị bắt do lợi dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 04/2009 của Chính phủ về ưu đãi và hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, đã lập hồ sơ thanh toán, chiếm đoạt tiền nhà nước tại một số hạng mục xây dựng không đúng.

Thế nhưng, qua sự làm việc của Ban tổ chức khóa huấn luyện báo chí “Biến đổi khí hậu và Năng lượng bền vững”, phía công ty vẫn sẵn sàng đón tiếp đoàn báo chí đến tham quan và sẽ cử người thuyết trình về dự án này theo đúng kế hoạch. Điều đó giúp chúng tôi yên tâm và cũng phần nào thích thú trước bản lĩnh của một doanh nghiệp lớn ứng phó với khủng hoảng của chính đơn vị mình.

Trưa ngày 23/8/2019, lớp học sau khi nhận bằng và liên hoan thì hai nhóm tiến về hai hướng. Nhóm 2 của chúng tôi chạy thẳng về Bạc Liêu và điểm hẹn là tại Nhà máy Điện gió Bạc Liêu.

Con đường về Bạc Liêu xuyên qua nhiều địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có những cái tên quen thuộc trong văn học hay trong những câu vọng cổ mùi mẫn. Những địa danh Ngã Bảy trong bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”,  lung Ngọc Hoàng là nơi bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng thế giới, Chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu) đẹp rực rỡ hay ngôi nhà là di tích lịch sử “nhà Công tử Bạc Liêu”… đều làm chúng tôi hào hứng. Thế nhưng, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu mới là đích đến, trong khi buổi chiều mặt trời đang lặn xuống thấp khiến mọi người phải tranh thủ tăng tốc…

HAI…

Gần 4 giờ chiều, khi xuyên qua những khu vườn trái cây xanh mướt, nhất là khu vườn nhãn Thanh Nhãn nổi tiếng ngon và ngọt, những trụ điện gió đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Quả thật ấn tượng vì cả một khu đất bồi còn xâm xấp nước, những trụ điện gió khổng lồ được đặt trên một cánh đồng mênh mông như thế, tạo nên sự choáng ngợp. Một vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa hiện đại, kết hợp lại là nguồn năng lượng sạch mà Bạc Liêu và nhiều địa phương khác trên cả nước đang hướng tới. Nhà máy rộng đến nỗi, một phía mưa giăng giăng nhưng phía khác ánh mặt trời vẫn rực rỡ. Trên bầu trời phía bên này mây đen ảm đạm còn phía bên kia là những đám mây kết những hình thù như con rồng tiếp đón chúng tôi, sáng rực trên bầu trời.

Thật sự, chúng tôi cho rằng tiếng tăm của Công ty Công Lý được biết đến rộng rãi trong cả nước là kể khi họ đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió tại Bạc Liêu. Có thể thấy đây là một dự án được đầu tư trên thềm lục địa ven biển có quy mô, công suất lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Một kỹ sư điện được cử ra đón tiếp và trả lời các hỏi liên quan đến điện gió cho biết, dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu được khởi công vào ngày 9/9/2010 tại khu vực bãi bồi ven biển (hoàn toàn trên vùng ngập nước ven biển) rộng khoảng 500 ha thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu.

Dự án này được xây dựng mới toàn bộ, có quy mô công suất là 99,2 MW, là dự án điện gió lớn nhất cả nước, bao gồm 62 trụ turbine gió, công suất mỗi turbine gió là 1,6MW, hòa lưới điện quốc gia khoảng 320 triệu KWh/năm. Tổng mức đầu tư của toàn dự án là 5.217 tỷ đồng. Đến nay, dự án này đã hòa vào lưới điện quốc gia khoảng 570 triệu KWh và công ty này đã hoàn thiện thủ tục để thi công giai đoạn 3, với 71 trụ toubine gió, công suất 142 MW.

Với những gì đang diễn ra tại đây, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu quả thật đáng để coi như một điển hình phát triển năng lượng sạch và bền vững không chỉ ở Bạc Liêu mà còn cả một vùng rộng lớn vùng ven biển miền Tây đầy nắng và gió. Ở tại dự án Bạc Liêu, dấu ấn của chủ đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực Du lịch và Thương mại rất rõ nét. Không như dự án Điện gió Ninh Thuận rất khó vào quan sát, còn ở Dự án cánh đồng điện gió Bạc Liêu, chủ đầu tư đã thiết kế cả một vùng rộng lớn kết hợp du lịch thật sự hoàn hảo.

Ai đến đây cũng sẽ thích thú với việc bố trí các trụ toubine gió như những hiệp sĩ khổng lồ và trầm mặc giữa cách đồng bao la mà đứng đâu cũng có thể chụp được những tấm hình đẹp và ấn tượng. Việc bố trí các trụ toubine này kết hợp với tuyến đường nổi trên mặt đất bằng bê tông, đi từ khu vực này đến khu vực kia một cách dễ dàng, nhìn từ xa phong cảnh đẹp như trong phim Hàn Quốc. Du khách đến đây tha hồ checkin sống ảo đến từng góc một. Phong cảnh đi bộ từ xa, gió bay bay chiếc khăn choàng hay cây dù che nắng đầy mộng mơ. Ngay trên con đường bê tông uốn lượn như dải lụa giữa cách đồng, bạn có thể chụp cận chân dung mình để thấy sau lưng những toubine gió đang quay chầm chậm, đẹp như đang sống đâu đó ở Châu Âu. Nếu thích, lia máy xuống sẽ thấy cánh đồng bùn loang loáng, hệ sinh vật vùng đất bãi bồi cũng vô cùng lý thú, xa xa là những cây mắm, cây đước cắm rễ sâu vào lòng đất…

Chúng tôi thấy rất nhiều đoàn du khách đến tham quan, trong đó có nhiều du khách người nước ngoài. Chỉ cần bán vé, doanh thu của khu dự án điện gió này cũng không dưới 3 tỷ đồng một năm. Cách nhìn kết hợp xây dựng nhà máy điện sinh thái với du lịch càng tạo nên nét độc đáo và thú vị. Chúng tôi nghĩ rằng, tới đây sẽ có nhiều du khách trong và ngoài nước mong muốn được một lần tận mắt thấy cánh đồng điện gió bao la và chụp hình “sống ảo” khoe cùng bạn bè, sẽ mang lại một nguồn thu lời cho chủ đầu tư.

BA…

Câu chuyện năng lượng bền vững ở Bạc Liêu quả thật rất đáng chú ý. Với lợi thế điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần; đồng thời bờ biển dài 56km, bãi bồi rộng, bằng phẳng, vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió là 7m/s và càng xa bờ tốc độ gió càng mạnh), Bạc Liêu được xác định là một trong những tỉnh có tiềm năng để phát triển năng lượng gió.

Chúng tôi cũng được biết, Bạc Liêu đã xây dựng “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” và đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Theo đó, quy hoạch này xác định tiềm năng phát triển các dự án điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 của Bạc Liêu dự kiến là 2.507 MW và mục tiêu đến năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt 401 MW, với sản lượng điện gió tương ứng khoảng 882 triệu KWh.

Số liệu chưa đầy đủ cho thấy, khi Nhà máy Điện gió Bạc Liêu hoàn thành đi vào hoạt động đã góp phần tăng thu ngân sách tỉnh Bạc Liêu hằng năm khoảng 60 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh kết hợp khai thác điện gió và du lịch của dự án này góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương rất lớn.

Hiện nay, ngoài dự án Điện gió Bạc Liêu của Công ty Công Lý thì có thông tin cho biết hiện nay UBND tỉnh Bạc Liêu đã có chủ trương cho phép 7 nhà đầu tư khác trong và ngoài nước được tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu lập dự án khả thi đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh. Gần đây, Bạc Liêu đang tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm các đối tác tiềm năng để đầu tư phát triển thêm các dự án điện gió trên các khu vực đã quy hoạch; cập nhật bổ sung các dự án điện gió phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương…

Tỉnh này cũng cam kết, từ kết quả nghiên cứu và khảo sát của các nhà đầu tư, sau đó tùy theo quy mô đề nghị của nhà đầu tư, tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ, mục tiêu là hoàn thành Quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch và năng lượng tái tại của đồng bằng sông Cửu Long.

VĂN MINH HOA

Đọc thêm

lên đầu trang