Trong vụ việc chuyển 15,6 triệu USD vào dự án nhưng không đăng ký đầu tư tại Long An, Bộ Tư pháp ban hành 2 văn bản với ý kiến không nhất quán.
Ngày 13/11, báo Dân Việt đã có bài “Chuyển 15,6 triệu USD vào dự án, vì sao không đăng ký đầu tư?” phản ánh chuyện Công ty China Policy Limited (gọi tắt CPL, trụ sở tại British Virgin Islans) chuyển 15,6 triệu USD vào hợp tác đầu tư dự án khu dân cư – trường đua ngựa tại Long An, với Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát (gọi tắt Hồng Phát).
Nhưng tranh chấp xảy ra với Hồng Phát; đến nay đã 12 năm, CPL vẫn không đưa ra được chứng cứ thể hiện có đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đối với số vốn 15,6 triệu USD, theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Một vụ việc, chỉ đạo “tiền hậu bất nhất”
Ngày 4/6/2018, Bộ Tư pháp ra văn bản số 123/BC-BTP, gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, với khẳng định chắc chắn rằng: “Đối với trường hợp các bên không thoả thuận được việc thành lập Công ty liên doanh … thì Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An giải quyết việc thi hành án theo đúng quy định của pháp luật, vì không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản theo Điều 71 của Luật THADS”.
Từ kết luận trên, Cục THADS tỉnh Long An đã ban hành văn bản số 682/CV-CTHADS ngày 29/11/2018, chấm dứt hiệu lực của văn bản số 525/CTHA ngày 18/9/2017 của chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An, về phong toả giao dịch của 13 Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) do Công ty Hồng Phát đứng tên.
Thế nhưng, việc chấm dứt phong toả trên chỉ được… 19 ngày. Ngày 18/12/2018, Cục THADS tỉnh Long An… lại ra Quyết định số 07/QĐ-CTHADS, với nội dung “tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” của 13 sổ đỏ của Công ty Hồng Phát – tức là phong tỏa giao dịch trở lại tài sản của Hồng Phát như trước đây, khi văn bản số 525 còn hiệu lực (?).
Mới đây, PV Dân Việt đã có được văn bản số 634/BC-BTP-m của Bộ Tư pháp, ban hành ngày 18/11/2019. Tại văn bản này, Bộ Tư pháp cho biết chính Bộ Tư pháp đã yêu cầu Tổng cục THADS chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018, tạm dừng các giao dịch, không được thay đổi hiện trạng đối với 13 sổ đỏ của Công ty Hồng Phát. Đồng thời, chỉ đạo chấp hành viên tiếp tục tổ chức thi hành phán quyết trọng tài theo đúng quy định của pháp luật.
Câu hỏi đặt ra, vì sao lại có sự “tiền hậu bất nhất”, không nhất quán trong cách xử lý vụ việc trên của các cơ quan chức năng từ trung ương xuống địa phương ?
Trong đó, với riêng Bộ Tư pháp, thì văn bản 634/BC-BTP-m ngày 18/11/2019 (do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ký), có nội dung cho thấy có sự chỉ đạo trái ngược với “hướng giải quyết” tại văn bản 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 (do Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ký ban hành).
15,6 triệu USD, liệu có phải rửa tiền ?
“Mấu chốt” của vụ tranh chấp kéo dài hơn 10 năm qua trong dự án này, là số tiền 15,6 triệu USD, mà CPL chuyển vào đầu tư dự án, liệu có hợp pháp và đúng quy định về luật pháp đầu tư tại Việt Nam hay không ?
Theo đó, số tiền này cần phải được thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến nay, CPL vẫn chưa chứng minh được điều này.
Tuy nhiên, không hiểu tại sao, trong văn bản số 634/BC-BTP-m ngày 18/11/2019, Bộ Tư pháp hoàn toàn không đề cập tới tính pháp lý của số tiền đầu tư 15,6 triệu USD này của CPL.
Trái lại, Bộ Tư pháp cho rằng: “Dù Công ty CPL đáp ứng hay không đáp ứng được định nghĩa về nhà đầu tư theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, thì Công ty CPL đều không bị hạn chế quyền khởi kiện”.
Hơn thế, văn bản 634 còn gợi mở “Chỉ đạo UBND tỉnh Long An sớm có kết luận về đề nghị của CPL (CPL sẽ là chủ đầu tư trực tiếp thực hiện dự án khu đô thị cao cấp tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An trên khu đất 130 ha được trích một phần từ tổng khu đất 232 ha được cấp để thực hiện dự án đứng tên Hồng Phát)”.
Trong khi đó, ý định đòi chia tách dự án lấy 130 ha của CPL đã bị ông Trần Văn Cần – Chủ tịch UBND tỉnh Long An bác bỏ, tại văn bản số 5929/UBND-NCTCD ngày 23/10/2019, vì “chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Về mặt pháp lý, chủ đầu tư của dự án là Hồng Phát”.
Mặt khác, người đứng đầu UBND tỉnh Long An cũng khẳng định: “Về đề nghị của CPL dùng biện pháp hành chính để yêu cầu Hồng Phát ngưng triển khai thực hiện dự án là không có căn cứ pháp lý. Và hiện nay, UBND tỉnh đang yêu cầu Hồng Phát đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật”.
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ – Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP.HCM): “CPL phải chứng minh số tiền 15,6 triệu USD chuyển vào Việt Nam đúng là tiền hợp pháp, không phải là rửa tiền và tuân thủ các quy định về luật pháp đầu tư tại Việt Nam, là có đăng ký thủ tục đầu tư hoặc thẩm tra… Như vậy, CPL mới được luật pháp quy định về đầu tư bảo vệ. Một khi không đủ chứng lý chứng minh đó là nguồn tiền đầu tư hợp pháp, thì CPL có thể khởi kiện Hồng Phát ra toà án dân sự”.
Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần có cái nhìn đúng trọng tâm vụ việc, để có hướng giải quyết chính xác. Bằng không, bất kỳ chỉ đạo sớm nắng chiều mưa, không nhất quán, thiếu khách quan, sẽ khiến cho vụ tranh chấp thêm kéo dài.
Trong vụ việc này, không chỉ doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép, mà kéo theo sự trì trệ, không phát triển của địa phương. Bởi, dự án Hồng Phát, từ nhiều năm nay, tỉnh Long An vẫn xác định là dự án trọng điểm, cần thực hiện đúng tiến độ để kích thích sự phát triển kinh tế – xã hội của cả địa phương.
Đông Anh/Dân Việt
Nguồn: http://danviet.vn/ban-doc/vu-chuyen-156-trieu-usd-vi-sao-bo-tu-phap-khong-nhat-quan-1042498.html