Lò đốt rác này nằm sâu trong núi, không cơ quan nào cấp phép, mỗi ngày đốt khoảng 2 tấn rác thải điện tử. Khói độc từ lò đốt rác khiến rất nhiều người dân các xã thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tức ngực, khó thở.
Ðốt mạch điện tử, phân tách kim loại trong núi
Người dân tại xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội phản ánh, nhiều ngày qua, trên địa bàn xã thường xuyên xuất hiện các đợt khói, mùi khét lẹt, giống như ai đó đốt cháy nhựa. Khói độc thường xuất hiện vào đêm muộn, nhiều người hít phải khói độc có hiện tượng buồn nôn, chóng mặt, khó thở. Một số người già và trẻ em đã phải nhập viện để kiểm tra sức khỏe.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, người dân phát hiện khói độc xuất phát từ một cơ sở đốt rác thải điện tử nằm sâu trong núi, nơi tiếp giáp huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Anh Nguyễn Văn H. trú tại xã Tuy Lai cho hay, hơn một tháng nay, buổi đêm, các gia đình phải đóng kín cửa vì mùi khét quá nồng nặc. “Chúng tôi đã lặn lội và nhìn thấy lò đốt rác xây dựng sơ sài, các mạch điện tử được cho vào lò rồi đốt bằng củi, than mà không qua xử lý gì. Khói đen bay khắp nơi. Nếu cơ quan chức năng không sớm xóa bỏ lò đốt, người dân sẽ không thể sống nổi”, anh H. nói.
Để vào được vị trí đặt lò đốt rác điện tử chỉ có đi trên đường độc đạo từ xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Từ đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đi khoảng 3km đường đất đầy ổ voi mới đến được lò đốt rác. Hàng cây dọc đường bám đầy bụi. Vì một áp lực nào đó mà người dân nơi đây nhiều lần chỉ sai đường cho chúng tôi. Khi nhóm PV cách lò đốt rác chừng 2km, một phụ nữ tầm 50 tuổi lại hướng dẫn chúng tôi vòng xe trở ra, đi con đường khác thêm 7km nữa. Vòng đi vòng lại, dùng nhiều phương án, chúng tôi mới tiếp cận được lò đốt rác.
Trong khoảng đất rộng bao quanh là núi đá, 1 lò đốt rác thải xây dựng bằng gạch đỏ án ngữ. Trong lò có khuôn đúc ép kim loại cùng hệ thống làm mát bằng nước, diện tích hơn 100m2, 1 nhà cấp 4 – nơi sinh hoạt của công nhân, 1 bể chứa nước, 1 thùng hoá chất đậy nắp sơ sài cùng hàng chục tải phế liệu có thành phần kim loại, linh kiện điện tử được phủ bạt. Thời điểm PV có mặt, lò đốt rác ngưng hoạt động, chỉ còn 2 nhân viên bảo vệ. Xung quanh lò đốt, nước sinh hoạt, nước sản xuất chảy ra đen ngòm. Nhân viên bảo vệ tại đây cho biết, được thuê để trông coi, không tiết lộ thông tin chủ lò.
Ðốt 2 tấn rác/ngày
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Lương Sơn, Hòa Bình), cho hay, lò đốt rác được xây dựng từ tháng 7, nằm trên khu đất trồng cây lâu năm của ông Bùi Văn Trường, hộ khẩu thuộc xã Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội). Tháng 8, UBND xã Cao Dương phát hiện sự việc, kiểm tra và xác định lò đốt rác không được cơ quan nào cấp phép. Theo ông Hùng, người ta xây dựng lò đốt để phân tách vàng, bạc từ các linh kiện điện tử cũ, tái chế thành phẩm đem đi bán, công suất khoảng 2 tấn một ngày. Nhưng lò đốt rác nằm ở xã Tuy Lai nên UBND xã Cao Dương không thể xử lý.
Ngày 23/9, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn và UBND xã Cao Dương tiếp tục có buổi kiểm tra, xác định vị trí công trình sai phạm. Kết quả xác minh, cơ sở đốt rác thải công nghiệp tại thung Mỏ Son thuộc địa giới hành chính xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức quản lý theo Quyết định số 1860/QĐ-TTg ngày 21/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Hùng nói: “Trước mắt, xã yêu cầu chủ lò đốt phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, việc xử lý cưỡng chế công trình không phép, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn 2 xã thì cần có lộ trình cùng sự kết hợp giữa UBND huyện Lương Sơn và UBND huyện Mỹ Đức”.
Một lò đốt rác điện tử độc hại gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khoẻ hàng trăm hộ dân nhưng chưa bị xử lý. Ngày 17/9, văn bản số 1368 của UBND huyện Mỹ Đức gửi UBND TP Hà Nội khẳng định, không thể kiểm tra, xử lý cơ sở gây ô nhiễm do nằm trên địa giới hành chính của xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. Huyện Mỹ Đức đề nghị thành phố Hà Nội phối hợp tỉnh Hòa Bình kiểm tra, xử lý.
Theo các khảo sát được công bố mới đây, tại nước ta có khoảng 100 cơ sở xử lý rác thải điện tử, chủ yếu thực hiện theo phương thức thủ công.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 17/4 kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm quản lý và xử lý tốt hơn rác thải điện và điện tử độc hại được thải ra trên toàn thế giới. Theo ILO, hiện chỉ 20% lượng rác thải điện tử được tái chế chính thức, dù giá trị của chúng ước lên tới 62,15 tỷ USD. |
Theo Tiền Phong