Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến thương mại Thái Lan – Việt Nam quốc tế mở rộng diễn ra từ ngày 27 – 29/9 tại Thành phố Udon Thani, Thái Lan, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đã có những phiên thảo luận về các lĩnh vực “nóng” hiện nay như: chính sách, mô hình và cơ hội hợp tác nông nghiệp công nghệ cao đang được triển khai thành công tại Thái Lan; nông nghiệp công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu; thương mại, tài chính, logictis trong cuộc cách mạng kỳ 4.0.
Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu
Ông Viboon Pensuk Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Rajabhat Udon Thani, Thái Lan cho biết, để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp qua những thị trường lớn, Thái Lan đã có chính sách làm tăng giá trị hàng hóa thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo thông minh, công nghệ cao, trong đó tập trung vào công nghệ chế biến thực phẩm. Chính sách này cũng góp phần quan trọng đảm bảo nguồn thu nhập đối với người nông dân ít đất, ít vốn nhưng vẫn đảm bao doanh thu tốt.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng nâng cao kiến thức cho người nông dân, thay đổi thói quen canh tác, sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường chứ không phải theo tập quán. Đặc biệt là việc tìm đầu ra sản phẩm cho người nông dân thông qua chính sách thương mại quốc tế vững chắc với các thị trường lớn và các nước lân cận.
Thái Lan thực hiện việc liên kết các khu đất nhỏ thành trang trại lớn để canh tác và đạt năng suất cao nhất, cùng với đó là chính sách ưu đãi thương mại, thuế.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, chia sẻ về mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp thông minh với khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Mỹ, đồng bằng sông Cửu Long có 3 sản phẩm xuất khẩu chủ lực là gạo, tôm và cá tra. Hiện nay xâm nhập mặn đang là thách thức lớn cho nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long cùng với đó là việc thiếu hụt lao động trẻ, tình trạng sâu rầy.
Từ thực trạng đó, Nhà nước đã cơ cấu lại nền nông nghiệp thông minh với khí hậu với mục tiêu thích ứng, giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu và tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp khởi nghiệp nhờ vào công nghệ 4.0 đã và đang cũng cấp các sản phẩm để người nông dân đồng bằng sông Cửu Long chủ động nắm bắt các yếu tố bất lợi về thời tiết khí hậu như hệ thống phao quan trắc dò độ mặn, mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh. Các ứng dụng này được cài đặt và sử dụng thuận tiện trên điện thoại di động.
Đánh giá cao mô hình nông nghiệp của Thái Lan, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thái Lan đã mở cửa gần 20 mặt hàng rau qủa tươi vào Trung Quốc trong khi Việt Nam chỉ có 9 mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc. Đây là điều Việt Nam phải học hỏi từ Thái Lan.
Phát triển thương mại, tài chính và logistic trong cuộc cách mạng 4.0
Bên cạnh chủ đề về nông nghiệp sạch, các đại biểu tham gia Hội nghị Việt Nam – Thai Lan cũng đề cập đến vai trò cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại và logistic mà mỗi nước có những thế mạnh, điểm tương đồng có thể hợp tác phát triển
Với những kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động giao thương toàn cầu, chuyên gia Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Úc) cho biết, Udon Thani, Thái Lan là nơi có nhiều doanh nghiệp Việt sinh sống, hoạt động, tiếp giáp với Lào và từ Lào qua Việt Nam qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Hành lang Đông Tây bắt đầu từ phía Lào gồm các tỉnh Khammouan, Bolikhamsai, Xiangkhoang và Houaphan đối xứng với các tỉnh miền Trung của Việt Nam là Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa sẽ rút ngắn khoảng cách vận chuyển trên 50% so với lộ trình hành lang vận chuyển hàng hóa hiện tại của Lào đến cảng Băng-cốc thông qua Viên-chăn.
Ngoài ra, hành lang biên giới của các tỉnh Khammouan, Bolikhamsai, Viên-chăn của Thái Lan đối xứng với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và so khoảng cách logistic vẫn gần hơn đi về Băng-cốc.
Với vai trò quan trọng của dự án hành lang chiến lược Đông Tây, ông Nguyễn Ngọc Mỹ đề xuất cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam tại Udon Thani Thái Lan trên nguyên tắc đồng ý của Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ họp với 4 tỉnh có liên quan của Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) tổ chức hội thảo, tọa đàm, thảo luận để thành lập nhóm chuyên sâu trong các lĩnh vực logistic hạ tầng, hải quan.
Theo Tiến sĩ Noppadol Buranathanung, chuyên gia kinh tế tổng hợp của Thái Lan phân tích những biến động của kinh tế Thái Lan từ các yếu tố bên ngoài từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, brexit Anh, xung đột Trung Đông…
Trong khi đó, kinh tế Thái Lan dựa nhiều vào xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gạo, mỳ, sẵn, hàng dệt may, hàng công nghiệp máy móc, phụ tùng xe hơi, phụ tùng máy tính.
Khi kinh tế toàn cầu giảm sút thì cũng kéo theo suy giảm nền kinh tế Thái Lan. Vì thế Thái Lan đang tìm kiếm thị trường lân cận ở khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam thông qua giao dịch thương mại đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Ngoài ra, một số chuyên gia Thái Lan cũng đã chia sẻ tiềm năng phát triển thương mại, hợp tác giữa Thành phố Udoin Thani với các địa phương của Việt Nam cũng như với các nước láng giềng khi Udon Thani có sân bay, kết nối đường bộ với Lào và có hơn 44.000 doanh nghiệp cùng khoảng 200.000 cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, bàn về vấn đề tài chính ngân hàng trước lợi thế và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch BankPay Việt Nam cho rằng, hệ thống số ngày càng hiện hữu và có vai trò vô cùng quan trọng, tiện ích, làm thay đổi rất nhiều đời sống con người.
Đơn cử, mỗi năm lượng kiều hối gửi về Việt Nam chủ yếu qua tài khoản ngân hàng. Và qua hệ thống số ngân hàng, các doanh nghiệp không những dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng mà còn chủ động giải quyết và thực hiện các kế hoạch trong nhiều bối cảnh không gian, thời gian. Tuy nhiên công nghiệp 4.0 cũng đặt ra vấn đề bảo mật, an toàn, an ninh. Đại diện chuyên gia tài chính Thái Lan cũng khuyến nghị việc ứng dụng rộng rãi số hóa nhưng cũng cân nhắc và cần đảm bảo yếu tố an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu và nên tập trung vào những lĩnh vực mang tính ưu tiên trong phát triển kinh tế, tài chính.
Tiến sĩ Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ quan điểm: Việt Nam là quốc gia không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế có những nội dung, Việt Nam đã triển khai, áp dụng có hiệu quả. Bên cạnh đó Việt cũng đã sẵn sàng nguồn lực để tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên tinh thần làm từng bước, vững chắc.
Duy Linh/Theo Tiêu Dùng