Khu du lịch thung lũng Đại Dương, do Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận làm chủ đầu tư, mà Báo Người cao tuổi đã đăng nhiều bài cho rằng, chính quyền các cấp vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, nay lại thêm sự kiện mới. Dải rừng phòng hộ dài 500m theo bờ biển, là cảnh quan, môi trường, bức bình phong bảo vệ cho vô số sinh vật trên bờ trước thiên nhiên khắc nghiệt, đã bị nhà đầu tư “hô biến” để lấy đất, làm dân phẫn nộ…
Đâu phải chiếc áo cũ muốn thay là thay?
Người dân xã Tiến Thành, TP Phan Thiết hết sức bức xúc tố cáo UBND xã hủy hoại 2,5ha rừng phòng hộ ven biển. Rừng cây được trồng năm 1979, đã tròn 40 tuổi, cây cao lớn, nhiều cây một người ôm không xuể. Cách đây 3 tuần, xã cho hàng chục người dùng cưa máy đốn hạ hơn 10 ngày mới xong, rồi chở đi tiêu thụ. Ai chứng kiến rừng cây bị phá cũng xót xa thương tiếc.
Tấm biển ghi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Rừng là vàng, nếu biết bảo vệ thì rừng rất quý”, bị người của xã đập nát để lấy sắt, mặc dù lượng sắt không đáng kể, làm người dân càng thêm phẫn nộ. Đây là biển phía Nam Phan Thiết, các dự án phát triển du lịch chưa nhiều, nên bãi biển còn rất sạch đẹp.
Ông Tống Duy Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho hay, trước đây cánh rừng này thuộc quyền quản lí của xã. Từ 2008 UBND tỉnh giao đất cho dự án Khu du lịch thung lũng Đại Dương, UBND xã đã được chủ dự án bồi thường cây, nên họ có quyền “xử lí” để sử dụng đất. Vừa qua, UBND xã được chủ dự án cho đốn hạ, tiêu thụ để tăng thu cho ngân sách.
Rừng bị hủy hoại, trách nhiệm thuộc về ai?
Dự án Khu du lịch thung lũng Đại Dương diện tích 1.000ha, liên danh giữa Công ty CP Đầu tư Châu Thổ và Yoakside (Ukraine), được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt từ năm 2008 chính là đây. Dự án này quá nhiều tai tiếng. Đất giao cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thương thảo với người sử dụng đất trong bồi thường, nhưng chính quyền TP Phan Thiết lại đứng ra thu hồi để áp giá bồi thường thấp, nhằm có lợi cho doanh nghiệp.
Dân không chấp nhận thì bị cưỡng chế thu hồi. Hàng trăm người bị thu hồi đã khiếu nại nhiều năm không được giải quyết nên bỏ cuộc. Một số người khởi kiện Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, nhưng đều bị TAND tỉnh Bình Thuận bác đơn, gây thiệt hại rất lớn cho người sử dụng đất.
Báo Người cao tuổi nhiều lần khẳng định sai phạm của chính quyền TP Phan Thiết là rất nghiêm trọng, nếu được thanh tra đến nơi đến chốn thì dự án này nguy cơ sẽ thành đại án. Đúng thế, một dự án chỉ 3 – 5ha đất, được chính quyền thu hồi giúp, đã làm lợi cho nhà đầu tư hàng chục tỉ đồng, vậy thì 1.000ha đất vàng sẽ là bao nhiêu?
Tuy nhiên, dự án được phê duyệt từ năm 2008 mà hơn 10 năm sau, giữa năm 2019 vẫn chưa thực hiện. Báo Người cao tuổi cho rằng, dù không có năng lực, nhưng được giao đến 1.000ha đất để làm dự án, thì nhà đầu tư chẳng dại gì mà không tìm đối tác để sang tay hưởng lợi.
Quả đúng như vậy, cuối tháng 8/2019, dự án bắt đầu tác động nhưng chủ đầu tư không phải Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận nữa, mà là Công ty NovaWorid. Tại 2 phiên tòa, bà Lê Thị Sửu hoặc bà Võ Thị Kim Loan kiện ông Đỗ Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, người đại diện của bị đơn cho biết, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cho UBND thành phố này được thu hồi đất.
Trong 1.000ha đất được giao cho nhà đầu tư, có không ít đất rừng, lẽ ra yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thật nghiêm ngặt quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, thì UBND tỉnh Bình Thuận lại không có ý kiến gì. Kết quả là khu rừng bị “hô biến”, gây thiệt hại vô cùng lớn.
Vụ phá rừng nghiêm trọng cần phải khởi tố
Trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền TP Phan Thiết, lãnh đạo chính quyền xã Tiến Thành và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường ở đâu? Đặc biệt là UBND tỉnh Bình Thuận, không lẽ một cánh rừng trên bờ biển như vậy, mà các quan chức tỉnh không hiểu được giá trị của nó, để mặc nhà đầu tư muốn xử sao cũng được?
Vậy, khi giao đất cho nhà đầu tư, UBND tỉnh đã có quy định gì? Trường hợp giao đất có rừng, thì chính quyền buộc nhà đầu tư phải có kế hoạch, phải trình phương án bảo vệ rừng và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phải làm cho chủ dự án hiểu Luật Bảo vệ và phát triển rừng, mọi hành vi phá rừng đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh giao cho nhà đầu tư một diện tích đất lên đến 1.000ha, trong đó có nhiều khu rừng trồng, rừng tự nhiên, mà không có phương án chăm sóc, bảo vệ là rất vô trách nhiệm. Kết quả, rừng bị chủ dự án hủy hoại, thì lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Thuận, và TP Phan Thiết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Riêng UBND xã Tiến Thành đã nhận tiền bồi thường, là thừa nhận cây thuộc quyền của nhà đầu tư. Không chỉ có thế, UBND xã này còn tổ chức chặt phá rừng rồi tiêu thụ gỗ để hưởng lợi, thì trách nhiệm không nhỏ. Chúng tôi cho rằng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần sớm khởi tố vụ án, xử lí nghiêm theo pháp luật.
Trần Mỹ/Theo Ngày Mới Online