Sự kiện Đêm hội hoa đăng Cát Bà 2019 dù đã diễn ra được hơn chục ngày nhưng sự kiện này lại đang khiến dư luận ‘dậy sóng’ bởi thông tin hơn 30.000 hoa đăng được thả xuống biển ngay sau đó bị trôi nổi tạo ra lượng rác thải trên mặt biển gây ô nhiễm môi trường.
Đại lễ Vu lan và Đêm hội hoa đăng Cát Bà năm 2019 được tổ chức vào tối 10/8 do Ban Trị sự Hội Phật giáo huyện Cát Hải tổ chức diễn ra tại khu vực cầu Cảng, thuộc đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng). Theo đó, sự kiện thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử cùng người dân và du khách nước ngoài đến dự. Chương trình gây ấn tượng với hơn 3 vạn đèn hoa đăng được thả xuống biển.
Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù đại lễ đã kết thúc từ nhiều ngày nay nhưng trên mạng xã hội facebook lại xuất hiện thông tin và hình ảnh phản ánh về sự kiện thể hiện đèn hoa đăng trôi nổi trên khắp mặt vịnh, thậm chí đèn hoa đăng còn trôi xung quanh các con thuyển nhỏ và khu vực cầu tàu.
Kèm theo nhưng hình ảnh này là một số ý kiến quan ngại về việc hoa đăng bằng nhựa với số lượng lớn như vậy được thả xuống biển sẽ gây nguy hại đến môi trường.
Cộng đồng mạng cho rằng, đây là chương trình mang ý nghĩa tâm linh nhưng lại gây phản cảm bởi toàn bộ số hoa đăng được làm bằng chất liệu nhựa.
Một tài khoản có tên B.N. trên mạng xã hội facebook chia sẻ: “Trong khi một cháu bé lớp 6 viết thư cho 60 trường học, đề nghị không thả bóng bay ngày khai giảng, tránh thải rác độc hại ra môi trường. Thì tại lễ “vu lan báo hiếu” vừa rồi tại Cát Bà, người ta đã thả 30 000 cái đèn hoa đăng bằng vật liệu xốp và nhựa khó phân hủy + pin là thứ cực độc xuống biển. Đây là một việc gây hủy hoại môi trường nghiêm trọng. Sở VHTT Hải Phòng có duyệt cho chương trình này không?”.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, ông Hoàng Trung Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải, khẳng định ngay trong đêm thả đèn hoa đăng và buổi sáng hôm sau, các lực lượng của huyện Cát Hải và các Phật tử đã phối hợp vớt hết lượng đèn hoa đăng được thả trên biển.
“Hoàn toàn không còn hoa đăng trôi nổi trên mặt vịnh,” ông Hoàng Trung Cường nói.
Trả lời câu hỏi về việc lượng rác thải nhựa sau khi vớt lên cũng sẽ phải đem đi xử lý, điều này đi ngược lại với những cam kết của chính quyền huyện Cát Hải khi mới đây đã tuyên bố huyện đã và đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lon, nói “không” với sản phẩm nhựa dùng một lần giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn huyện.
Cụ thể, huyện Cát Hải phấn đấu đến hết năm 2020, giảm ít nhất 50% lượng rác thải nhựa trên địa bàn huyện; 100% các đơn vị tổ chức nhà nước thực hành hạn chế/giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần; ít nhất 70% cơ sở kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn huyện cam kết và duy trì thường xuyên hoạt động hạn chế/giảm rác thải nhựa dùng một lần và sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường.
Ông Hoàng Trung Cường cho hay, toàn bộ số hoa đăng vớt được không đem đi chôn lấp mà sẽ thu gom đưa về nhà chùa để xử lý theo phương án khác.
“Số hoa đăng này đang được phơi khô ở nhà chùa để có phương án xử lý, có thể sẽ biến nó thành tiền bằng việc bán cho các cơ sở tái chế vì đó thực ra là những chiếc bát nhựa.” – Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải nói.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Infonet, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng vớt được hoàn toàn lượng rác thải nhựa được thả xuống biển.
“Việc thu gom lại tất cả đèn hoa đăng sau khi thả là điều không thể vì rác sẽ trôi ra biển, lan đến các địa phương khác. Ngay cả việc thu gom lại, số rác thải nhựa được thu gom sẽ xử lý như thế nào trong khi phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy.” – PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Theo ông Bài, UBND huyện Cát Hải là cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại đồng ý tổ chức chương trình là không nên.
“Người ta đang gây dựng phong trào tự nguyện vớt rác để cứu nguy cho biển mà anh lại thả hàng chục ngàn đèn hoa đăng bằng nhựa xuống biển, nhân danh văn hóa tâm linh nhưng làm hỏng văn hóa môi trường. Cơ quan quản lý nhà nước cũng như phía ban tổ chức chương trình cần phải gương mẫu trước, hành động này là quá phản cảm, không ai ủng hộ được. Như thế này là UBND huyện Cát Hải đã nêu gương xấu và vi phạm luật về môi trường”.
PGS.TS Đặng Văn Bài cũng cho rằng không nên vì việc này mà đánh đồng hành động thả hoa đăng ở nhiều nơi. Chẳng hạn như việc thả đăng ở Hội An hay thành cổ Quảng Trị hoàn toàn là hoa đăng làm bằng giấy nên sẽ tiêu hủy trong nước, không gây hại gì đến môi trường.
Trước đó, trong chuyến khảo sát về công tác làm sạch mặt vịnh Cát Bà và vịnh Lan Hạ thuộc huyện Cát Hải vào cuối tháng 7 vừa qua, PV Infonet được ông Phạm Vĩnh Toàn – Phó giám đốc Ban quản lý Các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà – cho biết, hiện nay BQL bố trí 4 thuyền liên tục đi thu gom rác thải trên mặt vịnh. Tuy nhiên, ông Toàn thừa nhận việc phân loại rác hiện nay là chưa thể thực hiện. Toàn bộ rác thải thu gom hằng ngày sẽ được mang lên bờ để một đơn vị khác đem đi chôn lấp bởi hiện nay huyện Cát Hải chưa có nhà máy xử lý rác thải.
Theo PV Infonet