Rác thải nhựa xâm lấn dưới lòng đại dương đã trở thành hiện thực không thể chối cãi, song giờ đây, các nhà khoa học còn phát hiện vô số hạt nhựa trong các lớp băng đá ở Bắc Cực và băng tuyết trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ.
Thông tin này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới hiện nay.
Ngày 15/8, truyền thông Đức đưa tin, các nhà khoa học thuộc Viện Alfred Wegener (AWI) đã xác định được một lượng lớn hạt nhựa đã bay trong không khí theo những bông tuyết rơi xuống và tích tụ trong các lớp băng tại Bắc Cực và núi Alps. Các chuyên gia đã tiến hành phân tích các mẫu băng và tuyết thu thập từ nhiều địa điểm ở một số bang của Đức, núi Alps và Bắc Cực.
Mật độ hạt nhựa – mẩu nhựa có kích thước dưới 5mm – dày đặc nhất được tìm thấy trong mẫu tuyết trên một đoạn đường của bang Bavaria, Đức, khoảng 154.000 hạt/lít tuyết. Ngoài hạt nhựa, các mẫu tuyết trên đường của Đức còn chứa nhiều loại cao su vốn được sử dụng chế tạo lốp xe.
Trong khi đó, mật độ hạt nhựa trong các mẫu tuyết lấy trên băng Bắc Cực vào khoảng 14.400 hạt/lít tuyết. Những hạt nhựa này được dùng để sản xuất ống, vòi, lớp sơn phủ bên ngoài các tòa nhà, tàu thủy, ô tô…. Theo các nhà khoa học, đây là bằng chứng cho thấy một lượng lớn hạt nhựa bay trong không khí “lẫn” vào trong tuyết.
Lâu nay, phần lớn các nhà nghiên cứu đều tập trung xác định cách thức các loài động vật và con người tiêu thụ các hạt nhựa qua thực phẩm, và với kết quả nghiên cứu xác định được phần lớn hạt nhựa có thể phát tán trong không khí nêu trên, câu hỏi đặt ra là liệu có hay không việc con người hít phải hạt nhựa siêu nhỏ và nếu có, lượng hạt nhựa mà chúng ta hít vào là bao nhiêu. Trưởng nhóm nghiên cứu của AWI cho rằng các nhà khoa học cần mở rộng nghiên cứu vấn đề này.
Lan Phương (TTXVN)