LTS: Vừa qua, giải pháp “dùng lu chống ngập” Bà Phan Thị Hồng Xuân – Đại biểu HĐND TP.HCM nêu ra tại phiên thảo luận về chống ngập tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP.HCM khóa IX tạo hiệu ứng mạnh trên cộng đồng mạng.
Theo báo Tuổi trẻ, bị phản ứng trên mạng xã hội về “dùng lu chống ngập”, bà (Phan Thị Hồng Xuân) có suy nghĩ gì? – Tôi dùng từ “cái lu” vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa.
Đại biểu HĐND TP.HCM Phan Thị Hồng Xuân cho rằng giải pháp “dùng lu chống ngập” mình đưa ra không sai nhưng cách nói dân dã đã làm một số người hiểu sai và chế giễu.
Trong phiên họp HĐND TP.HCM vào chiều 12-7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân tộc học – nhân học TP.HCM, đã đề xuất trang bị lu cho người dân để chống ngập.
Đề xuất này đã tạo ra “bão” mạng, nhiều người phản đối, cho rằng hài hước, không khả thi. Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với đại biểu Xuân về sự việc này.
Đề xuất “dùng lu chống ngập” mà bà đề xuất là ý tưởng đột xuất hay đã nghiên cứu kỹ?
– Tôi rất buồn trước việc bị phản ứng, chế giễu. Đây không phải là sáng kiến do tôi tự nghĩ ra mà đã được các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) nêu trong chương trình lắng nghe trao đổi vừa qua.
JICA cho rằng nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập vừa tiết kiệm nước sạch. Không chỉ Nhật mà nhiều nước khác cũng dùng. Đây là giải pháp mềm trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2015, Trung tâm quản lý nước và khí hậu – ĐH Quốc gia TP.HCM cũng từng đề xuất một đề án làm hồ chống ngập tại gia, theo nguyên lý tích tiểu thành đại, bất cứ công sở, nhà dân nào cũng có thể thực hiện. Báo chí tại thời điểm đó cũng đưa tin rất nhiều về đề án này. Các bài báo đó vẫn còn trên mạng.
Nhưng có nhiều người cho rằng cách này không khác gì làm ổ cho lăng quăng sinh sôi, gây bệnh sốt xuất huyết?
– Đây chỉ là giải pháp tạm thời, khi hết mưa, nước đó sẽ dùng tưới cây hay lau chùi nhà cửa, rửa xe…
Khi tôi phát biểu, một nữ đại biểu HĐND cũng chia sẻ quan điểm với tôi và cho biết một số nhà dân ở Nhà Bè cũng đang dùng các lu, hồ xây để chứa nước mưa, giảm bớt nguy cơ úng ngập. Tôi đã đề nghị đại biểu đó giơ tay phát biểu để HĐND thấy đây không phải ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, nhưng vì hết thời gian nên không kịp phát biểu.
Bị phản ứng trên mạng xã hội về phát biểu “dùng lu chống ngập”, bà có suy nghĩ gì?
– Góc nhìn của tôi là góc nhìn nhân học, tôi dùng từ “cái lu” vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa.
Tôi nghĩ nếu mình dùng cụm từ “dụng cụ chứa nước” thay vì nói “cái lu” thì chắc là không bị phản ứng như vậy, không tạo ra hiệu ứng gây phản cảm như vậy.
Tôi cũng không thích dùng từ “chống” trong chống ngập. Bởi dân miền Tây bao đời nay đã sống chung với lũ, với triều cường ngập nước. Cách mà tôi nói còn hàm ý một giải pháp cân bằng với môi trường.
Tôi sinh ra và lớn lên từ nông thôn và không lấy mác PGS, TS để phát biểu mà lấy từ kinh nghiệm gốc gác của mình. Nhưng cách nói dân dã quê mùa lại dễ bị phản ứng. Thay vì nói rõ đây là kinh nghiệm từ JICA (Nhật Bản) thì có lẽ đã được chấp nhận dễ hơn.
Tôi cũng không thích phát biểu như một người đang lên lớp giảng bài. Cho nên tôi nói vắn tắt, dân dã và đáng tiếc đã xảy ra điều như vậy.
Sau lần này, với tư cách là đại biểu HĐND, bà nghĩ mình nên có cách nói sao cho mọi người dễ chia sẻ hơn?
– Tôi cũng là một người dân sống trong vùng triều cường, ngập nước, tôi chia sẻ với tư cách đại biểu HĐND, là người dân TP, gần gũi và thực tế. Quả thật không nghĩ rằng có thể tạo ra sự “nổi tiếng” hay “tai tiếng” như vậy.
Vì là nhà giáo, thường tôi chia sẻ rất thẳng thắn với học trò. Tôi không muốn đối chọi lại vì khi mọi người không hiểu theo nghĩa tích cực thì nói lại rất khó. Tôi rất buồn. Tôi nghĩ mình cần được bảo vệ hình ảnh, danh dự cá nhân.
Sau sự việc đáng tiếc này, tôi nghĩ cái gì cũng phải lắng nghe, rút kinh nghiệm. Nhưng bên cạnh đó thì mọi việc cũng cần được nhìn nhận khách quan nhất, thay vì mỗi người chỉ nhìn theo cách và phát triển sự việc theo ý nghĩ của mình.
“Tôi sinh ra và lớn lên từ nông thôn, tôi không lấy mác PGS, TS để phát biểu mà lấy từ kinh nghiệm gốc gác của mình. Nhưng cách nói dân dã quê mùa lại dễ bị phản ứng. Thay vì nói rõ đây là kinh nghiệm từ JICA (Nhật Bản) thì có lẽ đã được chấp nhận dễ hơn”.
Đại biểu PHAN THỊ HỒNG XUÂN