Thái Lan là quốc gia tiếp theo trên thế giới có động thái rõ rệt trong vấn đề xử lý rác thải nhựa, loại rác thải đang gây nguy hại đến toàn môi trường.
Theo tờ Globaltimes, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Maria Fernanda Espinosa đã phát động một chiến dịch chống ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.
Liên hợp quốc đã ra lời kêu gọi các quốc gia thực hiện những giải pháp nhằm hạn chế việc sử dụng túi nilon cũng như đồ nhựa sử dụng một lần trước hiểm họa về ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương mà toàn cầu đang phải đương đầu.
Cũng theo tài liệu báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế. Một số liệu thống kê khác chỉ ra rằng, hiện nay mỗi năm khoảng 80% chất thải nhựa bị thải ra đại dương. Số lượng rác thải nhựa nằm lại dưới đáy đại dương là rất lớn và sẽ tồn tại ở đó từ thế kỉ này sang thế kỉ khác, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Bà Espinosa cho biết ước tính đến năm 2050, nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn cả cá.
Chiến dịch chống ô nhiễm chất thải nhựa sẽ bao gồm hai nội dung quan trọng là triển khai các biện pháp giảm việc sử dụng chất nhựa trong hệ thống Liên Hợp Quốc và vận động toàn cầu, hợp tác quốc gia thành viên để hành động.
Chiến dịch chống ô nhiễm chất thải nhựa sẽ bao gồm hai nội dung quan trọng là triển khai các biện pháp giảm việc sử dụng chất nhựa trong hệ thống Liên Hợp Quốc và vận động toàn cầu, hợp tác quốc gia thành viên để hành động.
Trước những đe dọa, thách thức to lớn mà rác thải nhựa mang lại đang ngày càng nghiêm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đang có những động thái nhất định để ứng phó. Gần đây, đất nước Thái Lan đã đưa ra quy định sẽ cấm 3 loại nhựa vào cuối năm 2019.
Cụ thể, 3 loại nhựa bị cấm trong năm nay sẽ là hạt vi nhựa (microbeads – có trong các loại mỹ phẩm), màng nhựa bọc chai (capseal) và nhựa phân hủy sinh học (oxo-degradable plastic). Mục tiêu của nước này là năm 2022 sẽ cấm thêm được 4 loại nhựa dùng 1 lần, bao gồm túi nhựa, hộp xốp, cốc nhựa và ống hút.
Theo thông tin từ Cục Xúc tiến chất lượng Môi trường, mỗi người Thái trung bình thải ra 1,14kg rác mỗi ngày, đóng góp đến 27 triệu tấn rác cho thế giới mỗi năm. Chỉ tính riêng rác nhựa, mỗi người sử dụng 8 túi nhựa/ngày, tương đương với 500 triệu túi nhựa trên phạm vi toàn quốc gia. Trong số đó, rất nhiều rác nhựa lọt ra biển, chiếm đến 16% rác thải trên các đại dương.
Toàn bộ kế hoạch được đưa ra trong bản lộ trình kiểm soát rác nhựa 2018-2030 đã được Nội các Thái Lan thông qua. Bản kế hoạch thậm chí có cả tham vọng biến Thái Lan trở thành quốc gia tái chế nhựa 100% vào năm 2027, dù là dưới nhiều hình thức khác nhau như biến nhựa thành năng lượng.
Để những giải pháp này có thể hiện thực hóa thành công, bên cạnh những chiến dịch được đề ra cũng như sự quyết tâm của người đứng đầu còn rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Việc thay đổi thói quen, hành vi hằng ngày dẫu biết không phải là một vấn đề đơn giản nhưng cần phải hành động một cách quyết liệt để cứu lấy trái đất cũng chính là môi trường sống của con người.
Theo Báo Sức khỏe cộng đồng