Sáng ngày 13/11, áp thấp nhiệt đới hình thành từ bão số 13 khi đi vào khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa đã suy yếu thành áp thấp và tan dần trên biển Đông. Đồng thời, thống kê có 107 người chết, đường sắt Bắc – Nam chưa thể thông tuyến do hậu quả của bão số 12.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ, sức gió mạnh nhất ở trung tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10 – 15km, suy yếu và tan dần.
Tuy được dự báo không ảnh hưởng tới miền Trung, nhưng với sự chủ động, cảnh giác với diễn biến thất thường của thời tiết, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của áp thấp, tổ chức trực ban, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xử lý tình huống có thể xảy ra.
Đồng thời tập trung chỉ đạo, điều phối, tổng hợp công tác cứu trợ khắc phục hậu quả, mưa lũ do bão số 12 như Vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa, cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất để sớm ổn định đời sống cho nhân dân…
Thống kê thiệt hại trong đợt bão số 12 và mưa lũ sau bão tính đến hết ngày 12/11, tổng số người chết và mất tích là 123 người. Trong đó, số người chết là 107 người và số người mất tích là 16 người. Số lượng nhà sập: 3.485 nhà (Thừa Thiên Huế: 1 nhà; Quảng Nam: 21 nhà; Quảng Ngãi: 39 nhà; Bình Định: 260 nhà; Phú Yên: 177 nhà; Khánh Hòa: 2.792 nhà; Gia Lai: 16 nhà; Đắk Lắk: 174 nhà; Đắk Nông: 2 nhà; Lâm Đồng: 3 nhà. Nhà tốc mái, hư hỏng: 137.981 nhà.
Tại tỉnh Quảng Nam còn 3 điểm bị sạt lở, ách tắc, cụ thể: Km108+750 – Km115 tại đường Trường Sơn Đông, Km85 – Km89+500 Quốc lộ 24C, Km116-Km138 Quốc lộ 40B, hiện đang tiếp tục khẩn trương khắc phục để sớm thông tuyến. Đối với sự cố tại Km1226+780 – Km1226+825 tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tiếp tục khẩn trương khắc phục sự cố để đảm bảo thông tuyến vào ngày 15/11.
Về công tác khắc phục hậu quả thảm họa tàu chìm trên vùng biển Quy Nhơn (Bình Định), hiện nay, các chủ tàu bị chìm đã lên phương án, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai khẩn trương công tác trục vớt tàu, hàng bị chìm, cam kết không để môi trường biển bị ô nhiễm.
Theo thống kê, hiện có 7 tàu bị chìm và 2 tàu bị mắc cạn. Trong số các tàu chìm thì có 5 tàu chở hàng đang được khẩn trương trục vớt, gồm: Biển Bắc 16 có 3.000 tấn clinker và 10.000 lít dầu; tàu Hoa Mai 68 có hơn 3.000 tấn quặng apatit và 20.000 lít dầu; tàu Sơn Long 8 có gần 3.000 tấn clinker và 8.000 lít dầu; tàu Hà Trung 98 có gần 3.000 tấn gạo và 5.000 lít dầu; tàu Nam Khánh 26 có gần 2.300 tấn clinker và 20.000 lít dầu.
Trước khi hút dầu, các đơn vị chức năng đã tổ chức thả phao vây xung quanh khu vực tàu bị chìm nhằm ngăn chặn trường hợp dầu trong các két chứa dầu của tàu bị rò rỉ loang ra mặt nước, gây ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, huy động thợ lặn khảo sát khu vực tàu chìm rất kỹ, nhất là các két chứa dầu để có phương án đưa đường ống xuống các van làm sao không để dầu lọt ra ngoài.
PHAN HỒNG (Tổng hợp)