Từ những “bao mì gói” bỏ đi và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thầy Lê Quốc Toàn, một giáo viên dạy mỹ thuật tại Sóc Trăng đã chế tác thành những chiếc túi xách xinh xắn độc đáo và đã xác lập kỷ lục Việt Nam.
Sau nhiều năm miệt mài sáng tạo, mới đây, thầy Lê Quốc Toàn (sinh năm 1980), giáo viên dạy mỹ thuật tại trường Tiểu Học THCS Lý Thường Kiệt (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác lập kỷ lục “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ “bao mì gói” đầu tiên và nhiều nhất”.
Thầy Toàn cho biết, năm 2003, khi còn học trung cấp, thầy được đi thực tế làng đan lục bình một tuần. Tại đây, thầy được học được cách đan lục Bình. Từ đó, thầy Toàn bắt đầu ấp ủ tạo ra một sản phẩm vừa độc lạ vừa bảo vệ môi trường.
“Lúc đó về, tôi gấp giấy báo để đan túi xách nhưng nó không bền. Để được một thời gian nó bị mốc, bị mục mà cũng không chịu được nước. Năm 2014, tình cờ thấy căng tin bán phế liệu, bao mì gói người ta không mua, tôi mới xin 1 bọc về cắt và đan lại thành chiếc túi xách. Phải mất 1 tháng tôi mới hoàn thành sản phẩm đầu tay”, thầy Toàn kể.
Sau một thời gian, chiếc túi xách đầu tay vẫn bền, đẹp và không phai màu. Thầy Toàn nhận thấy, đây là một ý tưởng hay, vừa mang giá trị nghệ thuật vừa góp phần bảo vệ môi trường nên bắt tay vào làm những mẫu tiếp theo. Đến nay, thầy Toàn đã có trong tay 44 chiếc túi xách với màu sắc và kích thước khác nhau.
“Lúc tôi làm cái này người ta nói tôi khùng. Thấy tôi ngồi đan, người ta nói tôi dở hơi, rảnh không kiếm việc gì làm. Tôi cũng đem sản phẩm đi thi một cuộc thi nhưng bị loại. Khi đem sản phẩm cho một số người quen xem, họ tỏ ra chê bai khiến tôi rất buồn. Tôi bỏ hết 3,4 tháng không đụng đến nữa. Tuy nhiên, cô hiệu trưởng động viên tôi nên tôi cố gắng làm tiếp”, thầy Toàn tâm sự.
Theo thầy Toàn, để tạo ra một chiếc túi xách tái chế từ bao mì gói phải qua rất nhiều công đoạn, như: Chọn bao bì phù hợp với ý tưởng, tiếp theo là vệ sinh, cắt và đan theo kích thước của bản vẽ trước đó. Một chiếc túi xách phải đan từ hơn 250 đến khoảng 500 bao mì gói.
“Se từng mảnh bao bì thành cọng để đan được xem là công đoạn khó nhất và lâu nhất. Phải se các sợi đều nhau, có một đầu lớn và một đầu nhỏ để kết nối các cọng với nhau. Sau khi đan xong thì may phần ruột túi xách để ghép vào các mảnh bao bì đã được đan. Cuối cùng là trang trí thêm cườm, hoa văn… ” , thầy Toàn cho biết.
Hiện tại, rất nhiều người, đặc biệt là Việt kiều đã tỏ ra quan tâm đến sản phẩm của thầy Toàn và ngõ ý muốn mua. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của thầy là việc tổ chức sản xuất. Thầy Toàn khẳng định, không giấu nghề và sẽ dạy miễn phí cho tất cả những ai có nhu cầu học.
“Tôi cần một nhà đầu tư. Nếu có được, tôi sẽ tổ chức sản xuất. Việc này bất kỳ ai, không cần trình độ đều có thể làm. Tôi sẵn sàng dạy để họ tạo ra sản phẩm, có thêm thu nhập. Như vậy vừa giúp được nhiều người có việc làm vừa bảo vệ được môi trường”.
Thầy Toàn tâm sự, nếu có ai quan tâm muốn mang bộ sưu tập này trình diễn thời trang, thầy cũng sẵn lòng cho mượn.
Theo Vtc News