Về Vĩnh Long, bên cạnh việc tham quan du lịch miệt vườn, sông nước, du khách nên một lần đến tham quan Khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu về cuộc đời và tấm gương của một nhà lãnh đạo trung kiên – mẫu mực của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, người đã được đất nước, quê hương và nhân dân muôn đời tưởng nhớ.
Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh năm 1912 tại làng Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).
Sinh ra và lớn lên từ gia đình trung nông, có truyền thống gia giáo, thời niên thiếu của ông gắn liền với một bối cảnh lịch sử đầy những bất công, khổ cực của những người dân thuộc địa. Trải qua bậc tiểu học tại trường Internate – Primaire (Vĩnh Long) và bậc trung học tại trường Collège De My Tho (tỉnh Mỹ Tho)… và trường học cũng là nơi mở đầu cho những trang sử hoạt động cách mạng của thời thanh niên Phạm Văn Thiện.
Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1930, từng là Bí thư Chi bộ trường, hoạt động qua các cấp Chi ủy xã, huyện, tỉnh ở Mỹ Tho. Sau việc tham gia trong sự kiện biểu tình và xử tội tên Hương quản gian ác Đặng Văn Trâu tại xã Tam Hiệp – huyện Châu Thành – tỉnh Mỹ Tho ông bị bắt và bị giải đi qua các nhà tù từ nhà tù Mỹ Tho đến xà lim án chém Sài Gòn với hai án tử hình, sau nhờ phong trào đấu tranh dân chủ trong nước và nhân dân các nước tiến bộ, ông được giảm xuống thành án chung thân khổ sai và đày đi Côn Đảo…
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Đảng và Chính phủ ta đón về đất liền và tiếp tục cuộc đời cách mạng của mình, tham gia trong hai cuộc kháng chiến đánh Pháp – đuổi Mỹ với những trọng trách là Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, Giám đốc Ty Công an Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh…
Sau ngày thống nhất đất nước, ông được Đảng và Nhà nước giao cho nhiều trọng trách với các chức danh: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… và ông mất vào tháng 3/1988. Để tưởng nhớ công lao của ông đối với đất nước, Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã được xây dựng để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay.
Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Phạm Hùng hay còn được người dân Vĩnh Long gọi với cái tên thân thương là Đền thờ Phạm Hùng được xây dựng tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long với diện tích 3,2 ha, nằm ngay quốc lộ 53 vừa xuống dốc cầu Ông Me Nhỏ là thấy ngay bên tay phải.
Đền thờ rộng lớn với một toà nhà thờ và một toà nhà làm việc phía sau có toà nhà trưng bày lớn về các hiện vật mà Chủ tịch Phạm Hùng đã từng sử dụng. Ngoài ra, Đền thờ còn có thêm cả phòng chiếu phim về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông. Chính vì vậy, nếu có dịp đến Vĩnh Long thì đây là địa điểm tham quan du khách nên ghé vì đây cũng niềm tự hào của người dân nơi đây.
Trong các hạng mục của công trình, khu vực nhà tưởng niệm là nơi đặt bức tượng bán thân của đồng chí Phạm Hùng cùng những bức phù điêu tạc lại một số câu nói của ông lúc sinh thời: “Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng chúng ta sẽ giành được thành tựu mới to lớn hơn nữa trong cuộc xây dựng tỉnh Cửu Long giàu mạnh và tươi đẹp, xây dựng cuộc sống đồng bào các dân tộc ấm no, hạnh phúc và văn minh…”.
Ngoài ra, gian phòng còn nhiều câu đối và lời điếu văn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ca ngợi tấm gương vì dân, vì nước của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng như: “Mấy độ gian lao ngục tù thử sức binh lửa thi gan nhưng nguyện hy sinh vì Tổ quốc/ Xiết bao tâm huyết kháng chiến soi đường hòa bình mở lối bất tử giữa nhân dân”, “Công lao của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta rất to lớn. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của đồng chí là tấm gương sáng đối với mọi người cộng sản và mọi người Việt Nam ta…”.
Tháng 6/2012, Khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được đón nhận bằng Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Ngày nay, khu lưu niệm được nhiều tổ chức, cá nhân, du khách tham gia các tour du lịch thường xuyên đến tham quan.
Dừng chân tại địa điểm này, thắp nén hương tưởng nhớ người con ưu tú của đất nước, chúng ta sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng, không khí trang trọng, đồng thời, cảm phục sự hy sinh to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương.