Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt đề án trong 5 năm tới, cả nước trồng 1 tỉ cây xanh hướng đến mục tiêu nâng cao tỷ lệ cây xanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.
Rừng nghèo kiệt, tỷ lệ cây xanh đô thị ở mức thấp
Chia sẻ về mục tiêu xây dựng đề án, Thứ trưởng Bộ NN-PNTT Hà Công Tuấn cho rằng, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề biến đổi khí hậu. Các hình thái thiên tai cực đoan như mưa to, bão lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nắng hạn kéo dài… tiếp tục gia tăng cả về cường độ và tần suất. Cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, được xem như là lá phổi xanh của trái đất, giúp điều hòa, làm sạch môi trường.
Thực tế tại Việt Nam, tỷ lệ che phủ rừng có tăng lên nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng.
Thống kê cụ thể của Bộ NN-PTNT cho thấy, diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng từ 40,84% năm 2015 lên 42% năm năm 2020. Nhưng trong 15 năm qua, rừng phòng hộ trên cả nước đã mất 0,6 triệu ha; riêng giai đoạn 2006 – 2015 diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu ha xuống còn 4,4 triệu ha và giai đoạn 2015 đến nay diện tích rừng phòng hộ tương đối ổn định ở mức 4,6 triệu ha.
Diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên còn bị giảm hoặc tăng chậm. Chất lượng rừng tự nhiên thấp. Theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 cho thấy chỉ có 8,75% diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu, còn lại là rừng trung bình (24,79%), rừng nghèo (53,45%) và rừng nghèo kiệt phục hồi (13,01%).
Đối với cây xanh đô thị, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ TN-MT ghi nhận, tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định. Cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Nếu so với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Điển hình tại Hà Nội và TP.HCM, con số này chỉ đạt khoảng 2 – 3 m2/người, không đạt quy chuẩn và chỉ bằng 1/5 – 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.
Trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho biết đề án trông 1 tỉ cây xanh sẽ được bắt tay thực hiện ngay trong năm nay. Cũng theo kế hoạch trong 5 năm tới sẽ có 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung ở rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trị, ngay trong năm nay cả nước sẽ khởi động trồng 182 triệu cây xanh, trong đó khoảng 120 triệu cây là cây xanh phân tán. Bắt đầu từ năm 2022 trở đi, mỗi năm cả nước sẽ tồng mới 204,5 triệu cây xanh.
Cũng theo tính toán của Tổng cục Lâm nghiệp, với 1 tỉ cây xanh được trồng mới sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người; nâng cao chất lượng rừng và tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.
Đặc biệt, 1 tỉ cây xanh trồng mới mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Cụ thể, với 690 triệu cây xanh phân tán đô thị và nông thôn còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu… góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.
Ngoài ra, 150.000 ha rừng trồng sản xuất hình thành từ đề án này ước tính tạo ra được 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ tiêu dùng và chế biến. Còn tổng diện tích 180.000 ha rừng được trồng mới và bảo vệ, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2, tương ứng với giá trị 45 triệu USD. Ngoài ra, rừng và cây xanh mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ môi trường rừng.
Đối với từng loại cây trồng, trồng cây gì ở khu vực nào để phát huy cao nhất giá trị của cây xanh và rừng, Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị các địa phương lựa chọn theo hướng dẫn, danh mục cây xanh trong tiêu chuẩn TCVN 9257:2012.
Theo Thanh Niên