Trong những ngày qua, TP.HCM và khu vực Nam Bộ liên tục diễn ra những cơn mưa trái mùa. Theo Trung tâm Khí tưởng Thủy văn Trung ương nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì có thể mưa trái mùa sẽ kéo dài đến Tết Mậu Tuất.
Nhiều ngày qua, liên tiếp những trận mưa trái mùa diễn ra ở nhiều tỉnh thành Nam bộ như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang… Hiện tượng mưa trái mùa xảy ra là do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.
Được biết vào chiều ngày 21/1, tại môt số khu vực ở TP HCM như Gò Vấp, Tân Bình mưa trái mùa vẫn diễn ra với lượng từ 30-40 mm. Đến sáng 22-1, TP.HCM dù có sương mù trên diện rộng nhưng vẫn xảy ra mưa trái mùa ở một số quận, huyện.
Theo thống kê của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2017 là năm hiện tượng mưa trái mùa tăng đột biến, gây nên tình trạng ngập nặng ở các quận huyện của TP.HCM, thành phố Biên Hòa… Theo dự báo, trong nhiều ngày tới TP HCM và Nam bộ vẫn sẽ tiếp tục đón nhận những cơn mưa trái mùa.
Mưa trái mùa bổ sung nguồn nước đáng kể cho nông nghiệp nhưng cũng làm cho hoa màu, lúa bị ngã đổ, cây tiêu, điều bị giảm năng suất. Mưa trái mùa cũng làm cho những dịch bệnh do thời khí gây nên như sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng sẽ xuất hiện sớm hơn.
Bên cạnh đó, trục rãnh thấp xích đạo hoạt động ngay trên khu vực Nam Bộ đã tạo ra những nhiễu động gây mưa và hội tụ gió làm tăng độ ẩm, gây không khí mù ở TP.HCM. Độ ẩm đo được tại TP.HCM và nhiều tỉnh miền Đông đạt được 99%.
Không khí mù này không phải dạng ngưng kết hơi nước thông thường mà còn ngưng kết thêm nhiều chất ô nhiễm nguy hiểm. Dù không xếp vào dạng thời tiết nguy hiểm, nhưng không khí mù cũng gây ảnh hưởng sức khỏe cho người dân. Vì vậy, người dân ra đường cần che chắn kỹ để hạn chế bị ảnh hưởng.
Từ nay đến Tết Mậu Tuất, TP.HCM và các tỉnh Nam bộ vẫn còn xảy ra những cơn mưa trái mùa có vũ lượng 20 đến 40 mm. Trước mắt tại TP.HCM và các tỉnh Nam bộ, mưa trái mùa còn tiếp tục đến hết ngày 24/1. Vì vậy, chúng ta nên mang theo áo mưa và các thiết bị che chắn khi ra khỏi nhà để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
PHAN HỒNG (tổng hợp)