Ngày 12/01/2021, tại TP. Long Xuyên – An Giang, Tập đoàn Sao Mai đã tổ chức “Lễ công bố hoàn thành Nhà máy Điện mặt trời (ĐMT) Sao Mai – An Giang” trị giá 6.000 tỷ đồng, thay cho sự kiện “Khánh thành” truyền thống để phòng ngừa Covid 19. Với cách thực hiện linh hoạt, hiệu quả đạt mục tiêu kép vừa hưởng ứng tốt công tác chống dịch, đồng thời vừa báo công thành quả tăng trưởng doanh thu thêm 1.000 tỷ đồng/năm từ Điện mặt trời (ĐMT) trong năm “sóng gió” 2020.
Toàn bộ chi phí tiết kiệm từ buổi Lễ và cùng với Quỹ phúc lợi của Tập đoàn sẽ được chuyển thành những phần quà “Xuân yêu thương” hướng đến Miền Trung tang tóc đau thương, hàng nghìn hộ gia đình khó khăn ở các địa phương trong – ngoài tỉnh, đặc biệt 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Văn hóa sẻ chia thấm đẫm tính nhân văn đã truyền đi thông điệp “nghĩa đồng bào” cùng hưởng sắc màu hạnh phúc trước thềm xuân mới.
Không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch từ năng lượng bẩn sang năng lượng sạch đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, sự “bén duyên” với ĐMT của Sao Mai Group là cách hưởng ứng tích cực cả về chính sách lẫn thực tiễn của Chính phủ. Ngày 31-12-2020 là thời hạn cuối cùng để các dự án ĐMT chỉ được áp dụng giá cố định theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Những ai “chậm chân” sẽ phải xác định giá thông qua “cơ chế cạnh tranh”. Bỏ xa trước “giờ G”, Sao Mai Solar – An Giang đã hòa lưới điện quốc gia là thành công rực rỡ.
Nhìn lại hành trình xây dựng với khẩu hiệu “Tia chớp ngoạn mục” để thấy được sự nỗ lực rất lớn từ NĐT này, quyết tâm vượt tiến độ so với mục tiêu ban đầu. Tổng thời gian cộng gộp hoàn thành nhà máy quang năng công suất 210 MWp, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, trên diện tích 275 ha tại huyện Tịnh Biên – tỉnh An Giang chưa đến 365 ngày. Trong đó, giai đoạn I, công suất 104Mwp, đóng điện vào tháng 6/2019, giúp Sao Mai ổn định dòng tiền ngay trong thời điểm kinh tế thế giới đối mặt với khủng hoảng kép do dịch viêm phổi cấp càn quét. Giai đoạn II của đại công trình Áp xanh được đấu nối vào ngày 2/12/2020 chỉ sau 80 ngày xuyên suốt xây dựng, và doanh thu từ bán điện cho EVN được xác lập vào ngày 15/12/2020. Như vậy, từ năm 2021 trở đi, Nhà máy tại An Giang sẽ đóng góp gần 400 triệu kWh mỗi năm cho lưới điện quốc gia.
Vượt qua những hạn chế về quỹ thời gian thi công, khó khăn vì Covid–19 hoành hành, sự thiếu hụt – tăng giá thiết bị và căng thẳng nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Nhưng tinh thần khẩn trương của NĐT, sự quan tâm sát sao, chỉ đạo kịp thời, xử lý công việc rất năng động – sáng tạo của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành An Giang, sự giúp đỡ tận tụy của chính quyền H.Tịnh Biên và sự đồng hành của người dân mà tất cả vướng mắc đều được giải quyết.
Sự xuất hiện của Nhà máy ĐMT trên vùng bán sơn địa Núi Cấm mầu nhiệm đã làm thay đổi hoàn toàn cả khu vực non thiêng vốn trầm mặc trở nên bừng sáng. Điều ấy khiến cho không ít người liên tưởng đến sự long lanh của câu Thần chú “Vừng ơi ! Mở cửa ra” không còn là những sắc màu huyền thoại. NĐT chiến lược đã kỳ công mài giũa kho báu tài nguyên thô thành “viên bích xanh” sáng giá để khởi sắc chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư miền núi. Ở tầm vĩ mô, ĐMT Sao Mai sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, xúc tiến – đẩy nhanh cán đích mục tiêu tăng trưởng kinh tế địa phương. Công trình nghìn tỷ như món quà ý nghĩa Sao Mai chúc mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020 – 2025 và hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trước đó, vào tháng 6/2019, Sao Mai đã tái khởi động thành công Nhà máy ĐMT ở Đức Huệ – Long An, công suất 50Mwp, trở thành nông trại pin năng lượng sạch giáp biên giới Vương quốc Campuchia về phía Bắc. Thương vụ M&A dự án Europlast (của NĐT nước ngoài) đã được Tập đoàn tung gói tài chính lên đến 1.200 tỷ đồng để thực hiện lộ trình lấn sân vào lĩnh vực năng lượng sạch. Đổi chủ sở hữu, Sao Mai Solar – Long An đã phát huy hiệu quả kinh tế tăng nguồn thu cho Tập đoàn, đồng thời rũ bỏ cái nghèo khó ở mảnh đất chát đắng phèn chua.
Ngược dòng lịch sử, khởi đầu bằng một quyết định vĩ mô hết sức táo bạo không kém phần quan trọng, có tính chất định hình lĩnh vực hoàn toàn mới, vào tháng 5/2017, một sự kiện mang tính bước ngoặt của Tập đoàn Sao Mai khi đóng điện thành công Nhà máy ĐMT áp mái trên nóc Nhà máy IDI. Áp xanh có công suất 1,06Mwp – lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, vốn đầu tư 2 triệu Mỹ kim đã đi vào hoạt động, tiết kiệm hàng tỷ đồng tiền điện cho Cty mỗi năm. Sao Mai góp phần giải tỏa cơn khát điện sạch và ngầm khẳng định việc ứng dụng khai thác kho báu nắng vào quy trình chế biến thủy sản xuất khẩu là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện tầm nhìn đầy sức thuyết phục.
Điểm lại từng mốc thời gian hoàn chỉnh từng dự án để khái tính được trong 10 năm tới các Nhà máy ĐMT Sao Mai sẽ có tổng công suất phát điện ước đạt 2,5 tỷ KWh/năm. Không dừng lại ở đấy, khát vọng của Sao Mai còn kiến tạo những cánh đồng pin bát ngát trở thành Khu du lịch sinh thái – dã ngoại – khám phá để không lãng phí tài nguyên thổ nhưỡng. Lộ trình tiếp theo đang được thực hiện ráo riết, dáng hình của nông trại xanh đang dần phát lộ, để đất nghèo hóa “Đất kép” dưới tầng pin năng lượng.
ĐMT Sao Mai tỏa sáng là mắt xích nối chuỗi đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo hàm lượng không khí rộn ràng cho lĩnh vực NLTT với những sắc màu hết sức sinh động. Hoàn thành các Nhà máy NLS vượt kế hoạch, Tập đoàn có thêm động lực tăng trưởng mới, để tiếp tục ghi điểm ấn tượng đẹp đẽ trong TOP 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch ở Việt Nam.
Theo business24h.vn