Diễn đàn Năng lượng Đông Á lần thứ 3 (EAEF3) được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với chủ đề Thu giữ, sử dụng, lưu trữ và tái chế carbon (Carbon Capture, Utilization and Storage – CCUS and Carbon Recycling do Nhật Bản đề xuất phối hợp với Việt Nam – là nước chủ nhà năm ASEAN 2020…
Đại diện phía Việt Nam, phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định ý nghĩa của công nghệ CCUS mang lại trong việc thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhận định, việc phát triển và ứng dụng các công nghệ về CCUS còn đang gặp rất nhiều thử thách, yêu cầu phải qua những bước thử nghiệm, thí điểm ở quy mô lớn. Một số chính phủ ở các quốc gia phát triển đã và đang tiến hành những nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy và ứng dụng các công nghệ CCUS trong các ngành công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất điện năng.
“Trước khi công nghệ CCUS được chuyển giao từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, rất cần có sự trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm cũng như kiến thức cần thiết để tránh được những rủi ro đầu tư, đồng thời hỗ trợ công tác hoạch định chính sách một cách hiệu quả, đặc biệt về các cơ chế tài chính liên quan”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đề cập đến những nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam thể hiện qua bản Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) đã trình UNFCCC (Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu) vào tháng 9/2020.
Trong đó, Việt Nam cam kết giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính là 9% với đóng góp quốc gia tự thực hiện và 27% với sự hỗ trợ quốc tế so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Để thực hiện những cam kết quốc tế đã ký kết, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều chính sách liên quan đến tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Phát triển CCUS đòi hỏi sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ từ tất cả các quốc gia. Nhận thức rõ ràng được điều này, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của phía Nhật Bản về tổ chức Diễn đàn Năng lượng Đông Á và đặc biệt là chủ đề CCUS của Diễn đàn lần thứ 3 năm nay. Những quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm được trao đổi tại Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy nghiên cứu xây dựng chính sách và áp dụng công nghệ CCUS trong khu vực.
Trong khuôn khổ hợp tác năng lượng các nước Đông Á với ASEAN thuộc nhóm các nước hợp tác năng lượng ASEAN và các đối tác thường niên, năm 2017, Nhật Bản đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn Năng lượng Đông Á (East Asia Energy Forum, viết tắt là EAEF). Diễn đàn nhằm tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách năng lượng các nước ASEAN và Đông Á trao đổi tập trung, chuyên sâu hơn về các chính sách mang tính định hướng cho phát triển năng lượng trong khu vực ASEAN với sự hỗ trợ của các nước Đông Á.
Diễn đàn Năng lượng Đông Á lần thứ 3 (EAEF3) là một trong các sự kiện của Diễn đàn Năng lượng Châu Á năm 2020 (Asia Energy Business Forum – AEBF) được tổ chức nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN, Hội nghị quan chức cấp cao năng lượng ASEAN lần thứ 38 và các Hội nghị liên quan năm 2020. Phía Nhật Bản đã đề xuất phối hợp với Việt Nam – là nước chủ nhà năm ASEAN 2020, đồng tổ chức EAEF3. Diễn đàn EAEF3 năm nay được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với chủ đề “Thu giữ, sử dụng, lưu trữ và tái chế carbon” (Carbon Capture, Utilization and Storage – CCUS and Carbon Recycling”.
Theo Cổng thông tin Chính phủ