Một bản kiến nghị tổng hợp ý kiến từ đại diện 60 nhà đầu tư dự án điện mặt trời trên cả nước vừa được gửi tới Thủ tướng.
Trước đó, trong Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, năm 2019 chứng kiến sự phát triển sôi động của điện mặt trời với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân cùng chính sách giá khuyến khích 9,35 cent/kWh theo Quyết định 11/2017.
Ông Thành kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm có cơ chế giá khuyến khích điện mặt trời và tháo gỡ những vướng mắc của Luật Quy hoạch với bổ sung quy hoạch. Cùng đó, cải thiện hệ thống truyền tải lưới điện quốc gia để giải toả công suất các dự án điện mặt trời khi hoà lưới.
Trở lại bản kiến nghị của 60 nhà đầu tư, kiến nghị này cũng đề cập tới những vướng mắc của các dự án điện mặt trời đã và đang được đầu tư hiện nay.
Theo đó, các nhà đầu tư cho rằng, sự nỗ lực của họ vấp phải rào cản do cơ chế chính sách và sự thiếu đồng bộ trong quá trình thực thi các thủ tục đầu tư.
Chẳng hạn như việc chậm trễ ban hành Quyết định mới thay thế khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ 1/7/2019.
Cùng với đó, thời điểm Luật quy hoạch có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã làm trầm trọng thêm tình hình và các dự án chưa được bổ sung quy hoạch buộc phải dừng triển khai.
Hồi trung tuần tháng 6, 27 nhà đầu tư cũng đã gửi đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng về biểu giá điện mặt trời. Cụ thể, các nhà đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận biểu giá FIT mua điện mặt trời không thấp hơn 7,09 cent/kWh (khoảng 1.620 đồng/kWh), điện mặt trời nổi trên mặt nước là 7,69 cent/kWh (khoảng 1.750 đồng/kWh) như dự thảo công bố ngày 6/12.
Trước đó, Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội vừa qua cho biết, các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).
Thực tế, từ tháng 6, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo giá điện mặt trời mới áp dụng sau ngày 30/6 với đề xuất chia 4 vùng giá theo mức bức xạ nhiệt. Sau nhiều góp ý, phương án đưa ra được “gút” lại còn 2 mức giá. Thế nhưng đây vẫn chưa phải kịch bản cuối cùng. Ở lần đề xuất sau đó, Bộ Công Thương lại chỉ chọn một mức giá cho tất cả vùng, 1.620 đồng một kWh, thấp hơn nhiều so với mức giá ưu đãi áp dụng trước tháng 7/2019. Rồi sau đó, Bộ Công Thương lại đổi phương án sau khi được Chính phủ yêu cầu hoàn thiện phương án đấu thầu điện mặt trời, tương tự cách Campuchia triển khai.
Hồi giữa tháng 11/2019, Văn phòng Chính phủ cũng đã có kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Kết luận nêu rõ: Bộ Công Thương chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào vào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực gây rất khó khăn trong truyền tải điện.
Theo thegioihoinhap