TP.HCM chưa có quy hoạch ngành văn hóa

14/09/2019 10:48

(127)


Suốt nhiều năm qua thành phố vẫn bị nói đi nói lại về sự phát triển văn hóa chưa xứng tầm. Xứng tầm sao được, khi mà cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa có quy hoạch ngành văn hóa cho riêng mình?

Một thành phố luôn giữ vai trò đầu tàu kinh tế và được xem là một trong hai trung tâm văn hóa – xã hội của cả nước. Nhưng cũng thành phố ấy suốt nhiều năm qua vẫn bị nói đi nói lại về sự phát triển văn hóa chưa xứng tầm. Xứng tầm sao được, khi mà cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa có quy hoạch ngành văn hóa cho riêng mình?

Theo báo cáo của Thành ủy TP.HCM, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ngày 9/9 vừa qua, TP.HCM luôn xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa phát triển sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM: “40 năm qua, thành phố đã đầu tư những gì cho ngành văn hóa – thể thao?”

Có ý kiến cho rằng, hiện nay, đầu tư cơ sở vật chất cho ngành văn hóa – thể thao đang rơi vào thực trạng dàn trải. Nhưng nhìn lại bốn mươi năm qua, thành phố đã đầu tư những gì cho lĩnh vực này? Có người từng hỏi, nếu Thủ tướng muốn tổ chức một sự kiện có tầm ở TP.HCM, thì tổ chức ở đâu? Đó là một câu hỏi khó trả lời.

Nếu nói UBND không quan tâm tới ngành văn hóa – thể thao thì không đúng, nhưng từ trước đến nay, chúng ta chưa có một sự đầu tư đúng mức cho nó, thì hiện tại tiến độ mới chỉ có thế cũng phải thông cảm. Khi nói điều này, tôi không có ý so bì văn hóa – thể thao với các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế… hằng năm không biết bao nhiêu công trình, bao nhiêu sự đầu tư. Nhưng cũng phải nhìn lại, một năm, ta xây được mấy công trình văn hóa – thể thao?

Rõ ràng, tầm quan trọng của văn hóa ra sao, thành phố đã quán triệt một cách sâu sắc ở hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm… Thế nhưng, có sâu sắc trong thực tế hay không, có lẽ chẳng dễ trả lời. Bởi văn hóa có được cái đầu tàu kinh tế đối đãi như một đòn bẩy quan trọng cho việc cất cánh hay không, cần nhìn vào hiện trạng phát triển của văn hóa thành phố những năm qua. Vậy mà, những gì phô bày, chỉ cho chúng ta thấy một bức tranh văn hóa toàn cảnh nhếch nhác, tạm bợ, vừa thừa, vừa thiếu điểm nhấn, dù TP.HCM sở hữu một hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, phong phú từ ngày khởi tạo vùng đất này đến nay.

Viện dưỡng lão nghệ sĩ xuống cấp. Một loạt nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể dục – thể thao hoạt động chưa đúng công năng. Những sàn diễn tạm bợ, sân khấu cho thiếu nhi lạnh lẽo, sân khấu cho người lớn cũng chẳng khá khẩm gì. Nhà hát thiếu nhi không làm những chương trình phục vụ thiếu nhi, trong khi đó, các nhóm nghệ sĩ bên ngoài muốn làm chương trình biểu diễn phải thuê với giá rất cao. Nghệ sĩ hát bội ngày càng “rơi rụng”. Sân khấu chỉ có vài điểm sáng với Tiên Nga, Cải lương – Trăm năm nguồn cội… nhưng vài cánh én nhỏ không thể trả về thời đỉnh cao của sân khấu Nam bộ.

Lĩnh vực nghệ thuật đỉnh cao thì không có nổi một nhà hát cho riêng mình. Nghệ sĩ tập luyện một nơi, nhạc cụ được bảo quản một nẻo, biểu diễn phải thuê một chốn khác. Lĩnh vực giải trí thì phát triển như vũ bão, nhưng không có màu sắc của riêng mình. Trong khi đó, dù được xem là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước; có tài lực, nhân lực vượt trội so với các địa phương khác để phát triển văn hóa nghệ thuật, nhưng khi nhắc đến TP.HCM, không ai nhớ ở đây có những “đặc sản” văn hóa nào. Những gì vàng son nhất, lại là thứ đã đi qua.

Nếu xem thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của công chúng, xây dựng đời sống văn hóa địa phương, thì ở TP.HCM, thiết chế văn hóa chưa phải là một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh. Có nhưng chưa đầy đủ, chưa toàn diện, các yếu tố chưa phối hợp nhịp nhàng để đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao của người dân. Chưa, hay nói một cách khác, hiện nay, TP.HCM không có thiết chế văn hóa.

Sân khấu hát bội càng ngày càng vắng khán giả, nghệ sĩ làm nghề trong chật vật, khó khăn

Dù Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030 (quyết định số 2164) đã được Thủ tướng Chính phủ ký từ năm 2013, đến nay đã được sáu năm, cũng không thấy một báo cáo nào theo kiểu tự “nghiệm thu” về quy hoạch này? Cũng chẳng thấy một phản ứng nào quyết liệt thành hành động của ngành văn hóa thành phố khi họ phải hoạt động, quản lý văn hóa trong một chỉnh thể văn hóa sáng – tối, thừa – thiếu như vậy?

Ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM:“HĐND nhắc UBND hoài về quy hoạch văn hóa”

TP.HCM đến nay chưa có quy hoạch ngành văn hóa. Chỉ khi nào có quy hoạch, ta mới có thể đưa ra quy hoạch bảo tồn di tích hay bất cứ quy hoạch nào khác trong quy hoạch văn hóa đó. Chẳng hạn, TP.HCM có 172 di tích, 16 bảo tàng, nhưng nói như tiến sĩ Võ Kim Cương, từ năm 1996 đến nay, ta chưa có một cơ sở pháp lý nào. Để quản lý và phát huy tốt, ta phải sớm có pháp lý, hành động, cũng như chiến lược cụ thể. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho rằng, TP.HCM là thành phố di sản, ta đã phát huy ra sao?

Hồi tháng 4/2019, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức một cuộc điều tra xã hội học, phát ra 1.000 phiếu khảo sát ý kiến người dân về các vấn đề văn hóa. Khi được hỏi về tầm quan trọng của văn hóa, có tới 74% ý kiến đồng tình phát triển kinh tế phải song song với phát triển văn hóa. Đáng chú ý, có 15,7% ý kiến cho rằng, phát triển văn hóa trước rồi mới phát triển kinh tế sau. Chứng tỏ, số người quan tâm tới văn hóa rất lớn. Cũng theo điều tra này về công tác đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa: tốt chiếm 13%, chưa tốt chiếm 27%.

Trong nhiều năm qua, TP.HCM luôn giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, thu ngân sách chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách quốc gia, tỷ trọng kinh tế chiếm khoảng từ 20 – 25% GDP quốc gia. TP.HCM cũng liên tục dẫn đầu với số tiền thu ngân sách theo chiều hướng tăng dần. Năm 2019, dự toán sẽ thu xấp xỉ 400.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền được phân bổ lại để vận hành bộ máy hành chính, đầu tư công, phúc lợi, và an sinh xã hội… chỉ chiếm 33% trong tổng thu ngân sách ở các thời kỳ ổn định ngân sách trước đó, và nay đã giảm xuống chỉ còn 18%, tương ứng khoảng trên dưới 60.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, bình quân những năm gần đây, tổng chi của thành phố rơi vào khoảng 70.000 – 80.000 tỷ đồng. Trong đó, 50.000 tỷ đồng chi cho hoạt động thường xuyên; chỉ có 20% đầu tư cho phát triển, đường sá, giao thông, văn hóa… Thành phố cũng phải xem lại, liệu như thế đã hợp lý chưa? Với cơ chế đặc thù, ta có thể tận dụng được điều gì cho văn hóa?

Tại buổi làm việc của HĐND TP.HCM với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM về tiến độ và hiệu quả thực hiện các dự án đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên địa bàn thành phố hồi giữa tháng Tám, một loạt vấn đề tồn đọng liên quan đến thiết chế văn hóa vẫn chưa và đang chờ giải quyết. Những gì có thể thấy, chỉ là cái khó, và cái khó. Nào là, hệ thống thiết chế văn hóa phường xã gặp khó về nhân lực, chế độ chính sách, kinh phí hoạt động, nội dung hoạt động lẫn cơ sở vật chất. Nào là các chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống gặp khó về điểm diễn, công tác phối hợp tổ chức với ngành du lịch chưa đồng bộ. Nào là công tác đào tạo nguồn nhân lực, tuyển sinh, tuyển dụng, cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn nhiều bất cập…

Trong khi đó, chín dự án đã được thành phố thông qua chủ trương đầu tư, bao gồm: Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; Bảo tàng TP.HCM; Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật đa năng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2; khu phức hợp Trung tâm Văn hóa nghệ thuật đa năng – khu phức hợp Trung tâm Văn hóa thiếu nhi đa năng – rạp chiếu phim; rạp Kim Châu; Trung tâm Văn hóa thành phố; Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật xây dựng mới; trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên; thì đến nay, vẫn đang triển khai và gặp nhiều cái khó, do những quy định pháp luật chưa thống nhất. Ngoài ra, để xây dựng những chương trình du lịch văn hóa, phải tích hợp rất nhiều yếu tố, trong đó cơ sở vật chất và tiêu chuẩn định hướng phát triển phải đồng bộ. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, khó khăn lớn hiện nay lại là không có kế hoạch phối hợp đồng bộ giữa ngành văn hóa và ngành du lịch.

Có cảm giác, ta chưa sẵn sàng để hoàn thiện thiết chế văn hóa. Vì thế, dù quyết định số 2164 năm 2013 chỉ ra rất rõ đối tượng quy hoạch, nội dung quy hoạch và giải pháp thực hiện quy hoạch, nhưng cái cơ bản nhất để vận hành hoạt động văn hóa của thành phố – chính là thiết chế văn hóa – TP.HCM vẫn chưa thực hiện được.

Lễ hội áo dài được tổ chức định kỳ, nhưng lại không phải là “đặc sản” của thành phố

Tất nhiên mỗi địa phương sẽ có những đặc thù riêng trong việc xây dựng thiết chế văn hóa vừa vặn với mình, nhưng chỉ khi nào Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM có quyết tâm lập quy hoạch cho chính ngành của mình, thì khi đó, chúng ta mới nói những chuyện xa xôi khác. Một vài trong những “xa xôi” ấy, chính là đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa, hay đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Muốn có công nghiệp văn hóa, hay trở thành đô thị thông minh, thì ngành văn hóa phải có thiết chế văn hóa. Nếu không, thì còn lâu nữa, chúng ta mới “hóa rồng” được giấc mộng bên sông Sài Gòn.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – xã hội, HĐND TP.HCM: “Không ai có thể làm thay các đồng chí cả!”

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030. Sở Văn hóa và Thể thao phải rà soát lại, TP.HCM đã được phê duyệt quy hoạch chưa, nếu rồi, ta đã thực hiện như thế nào? Trong quá trình tổ chức thực hiện từ năm 2013 đến nay, có điều gì cần điều chỉnh? Khi điều chỉnh, quy hoạch đó đã mang lại hiệu quả gì? Có khó khăn hay vướng mắc nào?

Với những công trình trọng điểm đã được thông qua, ngoài hai dự án thuộc nhóm A, bảy dự án còn lại hiện vẫn trực thuộc sở, đề nghị sở nói rõ chúng ta đang ở giai đoạn nào, phương thức đầu tư nào, hình thức cụ thể ra sao? Nguồn đầu tư ra sao, mời gọi tiến độ đàm phán như thế nào? Nếu có khó khăn, thì đang vướng ở đâu? Khó ở mời gọi đầu tư hay khó ở quy chế? Nếu khó, sở đề xuất tháo gỡ ra sao? Nếu không mời gọi được đầu tư, có đề xuất bằng nguồn ngân sách không? Các đồng chí nói có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng có chuyển kiến nghị về Ban xây dựng của UBND hay không? Đề nghị ngành văn hóa đánh giá một cách thực tế hơn, rõ ràng hơn, để thành phố nhìn nhận rõ ràng nhằm tháo gỡ, định hướng cho ngành hoạt động, phát huy được hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố. Đó là nhiệm vụ của ban giám đốc, các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ thuộc sở.

Không có nơi biểu diễn, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM phải đi mướn địa điểm biểu diễn ở Nhà hát TP nhưng có những buổi biểu diễn, nghệ sĩ đứng chật cả sân khấu

Với những thiết chế đã có, tương ứng với các dự án, nguồn nhân lực phục vụ các thiết chế này là gì? Có đánh giá nguồn nhân lực phục vụ cho thiết chế đang có, sẽ có không? Xây một nhà văn hóa, một bảo tàng, một trung tâm, thì nguồn nhân lực đã đáp ứng được chưa? Và đào tạo ở lĩnh vực nào? Bây giờ, các em, các cháu thích học để làm ca sĩ hơn. Không phải đơn giản để có một người học về quản lý văn hóa. Ta phải có chính sách gì để thu hút?

Gần đây, HĐND thành phố có ban hành nghị quyết về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019 – 2022. Ngành văn hóa có áp dụng được ở lĩnh vực mình không, nhất là lĩnh vực nghệ thuật đỉnh cao và văn hóa nghệ thuật truyền thống? Qua đợt xét tuyển danh hiệu NSND, NSƯT vừa qua, xem lại những chính sách ưu đãi, ưu tiên, thu hút, đến nay, TP.HCM đã có gì? Có phù hợp trong giai đoạn mới không? Tất cả những điều này, không ai có thể làm thay các đồng chí cả!

Hiện nay, nghệ thuật truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn, đang mai một, thậm chí có lĩnh vực không còn nữa. Các đồng chí đã tham mưu gì rồi? Những nghệ sĩ có tuổi thì không nói, nhưng với lớp nghệ sĩ trẻ theo truyền thống thì sao? Ta phải tính toán. Nếu không có một định hướng nào rõ ràng, nhiều năm nữa, chúng ta vẫn cứ kiến nghị mà không giải được bài toán này. Rồi sân khấu còn sáng đèn không? Những vở mới có đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán thính giả không? Đời sống anh chị em nghệ sĩ thế nào?

Còn với hệ thống trung tâm văn hóa trên địa bàn, chúng ta cứ nói hiệu quả, nhưng người dân có hài lòng về thiết chế văn hóa đó không? Các thiết chế đó có phục vụ nhu cầu thụ hưởng của người dân ở đó không? Tôi băn khoăn không biết ngành văn hóa có một điều tra xã hội học nào về việc này chưa? Nếu xây dựng một thiết chế văn hóa mà không có người đến, không có người sinh hoạt thì xây để làm gì? Chưa kể, thiết chế văn hóa phân hóa theo khu vực nông thôn và thành thị, ta có những giải pháp gì để hài hòa nhu cầu, lợi ích của người dân ở những khu vực đó? Ngoài ra, hiện nay, công nghệ số phát triển, trên mạng xã hội, ngành văn hóa đã có những chương trình, ứng dụng gì phục vụ người dân thành phố?

HĐND thành phố cũng đề nghị sở quan tâm, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục – thể thao, các nhà văn hóa. Trong quá trình khảo sát thực tế, tôi thấy có một đồng chí thậm chí không có khái niệm về công tác thể dục – thể thao, văn hóa nhưng vẫn được cất nhắc làm giám đốc trung tâm. Nếu cần, tôi có thể chỉ tên cụ thể. Ngành văn hóa bố trí như vậy, giờ làm sao? Nếu lỡ rồi, sở có mở những lớp nghiệp vụ ngắn hạn về công tác quản lý không? Có phối hợp với địa phương mở những lớp liên quận, liên phường không…? Tất cả đều thuộc trách nhiệm chuyên ngành của ngành văn hóa chứ chúng tôi không thể làm thay được.

Tôi không phải phê bình ngành văn hóa. Để các đồng chí làm một mình như thế, vô cùng khó. Nhưng các đồng chí phải nói rõ những khó khăn, phương hướng, để thành phố nhìn nhận vấn đề, nhằm tìm cách tháo gỡ; đồng thời, định hướng cho nhiệm kỳ tới ra sao trong một giai đoạn được điều chỉnh rất nhiều về mặt pháp luật. Nếu có khó khăn gì, phải báo để thành phố có chủ trương cụ thể. Thậm chí, nếu điều đó nằm ngoài thẩm quyền của thành phố, thành phố sẽ trình lên chính phủ.

Ta không thể để như vậy được! Để như vậy, người dân cả thành phố sẽ phê bình HĐND không quan tâm. Hiện nay, phát triển kinh tế phải song hành với phát triển văn hóa, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Cần ban hành sớm quy hoạch ngành văn hóa tích hợp trong quy hoạch chung của TP.HCM trong thời gian tới.

Cốc Vũ (ghi)

Theo Phụ Nữ online

Đọc thêm

lên đầu trang