Vụ tranh chấp trên đã có những diễn biến mới bất ngờ đến khó tin. Trong một tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chủ trì hai cuộc họp, chỉ đạo giải quyết theo kiểu “trước mở, sau đóng”(!). Còn một cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ tự cho mình có cái quyền “phán xét” cả Phán quyết Trọng tài. Trong khi đó, Bộ Tư pháp “loay hoay”, thể hiện dấu hiệu đẩy doanh nghiệp nội vào đường cùng …
CPL sai phạm rành rành, nhưng không bị xử lí
Như Báo điện tử Ngày mới, Báo Người cao tuổi đã có nhiều bài điều tra, phản ánh, Dự án Khu dân cư cao cấp và Trường đua ngựa, quy mô khoảng 500 ha có vốn đầu tư ban đầu 140 triệu USD, do Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) làm chủ đầu tư. Triển khai xuyên suốt từ năm 2003 đến nay, Công ty Hồng Phát đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng vào Dự án cùng một loạt công việc đã và đang thực hiện.
Ngày 1/6/2007, Công ty Hồng Phát và China Policy Limited (gọi tắt là CPL) kí “Thoả thuận khung”, hai bên hợp tác, tiến tới ký hợp đồng thành lập Công ty liên doanh để thực hiện Dự án theo tỉ lệ chủ đầu tư góp 30% bằng quyền sử dụng đất; CPL góp 70% bằng tiền mặt. CPL tạm ứng trước 15,6 triệu USD để trả chi phí bồi thường về đất.
Quá trình hợp tác thì phát sinh tranh chấp từ năm 2008 kéo dài đến nay. Nguyên nhân khiến việc hợp tác bị đổ vỡ là do CPL không có năng lực tài chính, đầu tư kiểu “lướt sóng”, gian dối, vi phạm pháp luật… Chỉ vài ngày sau khi kí “Thoả thuận khung”, CPL qua Công ty mẹ Chuang’s đã tung “siêu dự án” ở tỉnh Long An lên sàn chứng khoán Hồng Kông, “nổ” thành “Saigon Beverly Hills” để lừa bịp các cổ đông và nhà đầu tư. “Mẹ – con” CPL đã trục lợi hơn 80 triệu USD từ một “siêu dự án ma”. Thực tế, ở Việt Nam, không hề có dự án “Saigon Beverly Hills” như hai “mẹ – con” CPL đã “nổ”.
Suốt thời gian dài có mặt tại Việt Nam, CPL không xin phép, không đăng ký thủ tục đầu tư dự án theo quy định. Không chỉ đầu tư “chui”, cả khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD, thể hiện CPL có dấu hiệu chuyển “lậu” vào Việt Nam, lộ rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự…
Hàng loạt vi phạm của CPL đã được nhiều cơ quan báo, đài cả nước lên tiếng nhưng doanh nghiệp ngoại này không bị xử lý khiến dư luận rất bức xúc. Trong bài viết trước, Báo Người cao tuổi đã đặt vấn đề: Liệu có phải CPL được một thế lực nào đó “chống lưng, yểm trợ” nên liên tục làm trái, xem thường pháp luật Việt Nam?…
Lại “dí” chủ đầu tư vào đường cùng … (!)
Một CPL đầu tư “chui”, chuyển tiền “lậu” nhưng khi khởi kiện tranh chấp vẫn được Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) “thương”, xử cho thắng kiện bằng Phán quyết Trọng tài “trống trước, hở sau” (số 29/12 ngày 25/4/2013), yêu cầu hai bên tiếp tục đàm phán, kí kết hợp đồng, lập Công ty liên doanh.
Tuân thủ pháp luật, Công ty Hồng Phát luôn thiện chí cùng CPL tìm biện pháp tháo gỡ để lập liên doanh. Tuy nhiên, việc đàm phán chưa đạt kết quả vì hai bên còn nhiều mâu thuẫn, bất đồng.
Một mặt đàm phán thực thi Phán quyết Trọng tài, một mặt Công ty Hồng Phát với tư cách chủ đầu tư, phải triển khai Dự án theo tiến độ, để không bị thu hồi. Dù đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, nhưng toàn bộ 232,66 ha đất Dự án với 13 sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) được cấp, Công ty Hồng Phát đang quản lí, sử dụng, không cầm cố, thế chấp, cũng không chuyển nhượng một tấc đất nào nhằm đảm bảo cho Dự án luôn nguyên vẹn.
Phải vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại, chủ đầu tư Công ty Hồng Phát mới giữ được Dự án đến hôm nay. Trong khi đó, ngoài 15,6 triệu USD, phía CPL không có bất kỳ đóng góp nào khác. Đã vậy, CPL còn tìm cách làm tổn hại nghiêm trọng đến Dự án. Điển hình như việc CPL lấy lý do thực thi Phán quyết Trọng tài, nhiều lần yêu cầu ngăn chặn 13 sổ đỏ đứng tên Công ty Hồng Phát, làm tê liệt Dự án.
Hết lòng “chiều” theo CPL, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã nhiều lần ra lệnh ngăn chặn 13 sổ đỏ trái pháp luật. Gần đây nhất là Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018, tái lập phong tỏa 13 sổ đỏ. Công ty Hồng Phát liên tục kiến nghị, kêu cứu nhưng đã gần một năm trôi qua vẫn chưa được Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật nên Dự án tiếp tục bị “trùm mền”, thiệt hại ngày càng chồng chất.
Trong khi đó, những đòi hỏi, yêu cầu của CPL đưa ra, kể cả trái pháp luật, vẫn được hàng loạt cơ quan từ Trung ương đến địa phương “sốt sắng” vào cuộc, giải quyết. Mới nhất, CPL vừa có văn bản đề ngày 15/8/2019, tuyên bố:“Việc hai bên cùng hợp tác thành lập Công ty liên doanh để phát triển Dự án không còn khả thi”. Từ đó, CPL đòi “xẻ thịt” Dự án, chia 130 ha đất để CPL làm “siêu dự án” riêng với cái tên “Saigon Beverly Hills”, vốn đầu tư “nổ” lên đến 4.935 tỉ đồng (?!).
Với chiêu đòi chia 130 đất, CPL đã tự “xé toạc” Phán quyết Trọng tài được “sinh ra” để thõa mãn và theo ý muốn của CPL (!)
Chủ tịch tỉnh “sáng cho, chiều cấm”…
Nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư, trong đó Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, chỉ rõ: CPL đã chọn giải quyết vụ tranh chấp bằng thủ tục trọng tài. Nay CPL tự vô hiệu hóa, “khai tử” Phán quyết Trọng tài, quay sang đề nghị cơ quan hành pháp giải quyết vụ tranh chấp theo hướng “chia” đất bằng thủ tục hành chính là trái quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng khi nhận được yêu cầu “ngớ ngẩn” này thì trả lại ngay hồ sơ cho CPL theo quy định của luật pháp hiện hành.
Dù vậy, ngày 11/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã chủ trì cuộc họp, tham dự có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thi hành án dân sự, cùng lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, UBND huyện Đức Hòa…
Sau khi đại diện các cơ quan dự họp nêu ý kiến, Chủ tịch Trần Văn Cần, kết luận: Đề nghị hai công ty tiếp tục đàm phán, thực hiện Phán quyết Trọng tài. Việc CPL đề nghị được chia tách 130 ha đất không được chấp nhận bởi về mặt pháp lý, chủ đầu tư của Dự án là Công ty Hồng Phát.
Theo báo cáo số 541/BC-SKHĐT ngày 10/10/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, phần đất trên còn liên quan đến Phán quyết Trọng tài đang được thi hành. Ngoài ra, CPL chưa chứng minh được năng lực tài chính thực hiện Dự án…. Về đề nghị của CPL dùng biện pháp hành chính để yêu cầu Hồng Phát ngưng triển khai Dự án là không có căn cứ pháp lý. Hiện nay UBND tỉnh đang yêu cầu Hồng Phát đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 13/11/2019, Chủ tịch Trần Văn Cần tiếp tục chủ trì cuộc họp lần hai, đảo ngược chỉ đạo lần trước: Công ty Hồng Phát có đơn khiếu nại Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, đang được Tổng cục THADS xem xét, giải quyết. Khi chưa có kết quả giải quyết, yêu cầu Hồng Phát tạm ngưng ngay việc triển khai Dự án trong phạm vi diện tích 13 sổ đỏ.
Liên quan đến các hợp đồng Hồng Phát đã ký kết với các đối tác để triển khai Dự án, yêu cầu Hồng Phát đàm phán dừng thực hiện 2 tháng. Trong 2 tháng, kể từ ngày 13/11/2019, đề nghị hai công ty tiếp tục thực hiện Phán quyết Trọng tài; sau thời gian trên, UBND tỉnh căn cứ kết quả thỏa thuận sẽ báo cáo Chính phủ xin chủ trương xử lý…
Và cán bộ Văn phòng Chính phủ thành …“phán quan” (!)
Không chỉ Chủ tịch Cần “sáng cho, chiều cấm”, một cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ là ông Lê Việt Dũng, Trưởng phòng Vụ 1, cũng có hành động khác thường. Là thành viên tham dự cuộc họp do Chủ tịch Cần chủ trì ngày 11/10/2019, Trưởng phòng Dũng mạnh bạo khẳng định hai vấn đề, được ghi rõ vào biên bản:
Thứ nhất, Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định phong tỏa số 07/QĐ-CTHADS đúng quy định. Thứ hai, hai công ty không thể thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh.
Rõ ràng, phát biểu của ông Dũng liên quan đến Quyết định số 07/QĐ-CTHADS, trái ngược với nội dung các Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ Tư Pháp; Văn bản số 8248/ VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ “truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình”; Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018 của Tổng cục THADS…
Phát biểu này cũng ngược lại với ý kiến của Tiến sĩ Luật, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cùng nhiều chuyên gia pháp lý và phản ánh của báo chí thời gian qua.
Về nội dung phát biểu thứ hai, ông Dũng ra mặt “yểm trợ” CPL đòi “chia” đất vì việc lập Công ty liên doanh không còn khả thi (?!) Phát biểu này rõ ràng đi ngược lại Phán quyết Trọng tài cũng như ý kiến của lãnh đạo Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh Long An.
Đường đường là cán bộ hành pháp nhưng Trưởng phòng Dũng lại biến mình thành “quan to” tư pháp, có quyền “phán xét”. Càng khó tin hơn, “phán xét” của ông Dũng mang tính chủ quan, tùy tiện, vô căn cứ. Qua phát biểu của Trưởng phòng Dũng, nhiều luật sư đặt vấn đề, cần xem lại năng lực cũng như kiến thức pháp luật của vị cán bộ này.
Thứ trưởng Bộ tư Pháp “xoa dịu” Đại biểu Quốc hội (!)
Liên quan đến vụ việc này, ngày 18/11/2019, thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ký văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, nội dung: “…Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với Viện KSND Tối cao, UBND tỉnh Long An và các cơ quan, đơn vị có liên quan tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Phán quyết Trọng tài.
Tuy nhiên, đến nay việc thi hành án chưa có kết quả là do nguyên nhân từ các bên chưa thống nhất việc thành lập Công ty liên doanh. Theo quy định của Luật đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác kể cả cơ quan thi hành án dân sự không thể thực hiện thay.
Liên quan đến đơn khiếu nại, tố cáo của Công ty Hồng Phát về việc Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh xem xét, giải quyết. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Tư pháp sẽ thông tin tới Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng”.
Văn bản trả lời của thứ trưởng Oanh có ba vấn đề đáng lưu ý:
Một, Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ban hành ngày 18/12/2018 đến nay đã gần 1 năm, nhưng Bộ Tư pháp chỉ mới đang kiểm tra, xác minh xem xét, giải quyết. Như vậy, việc khiếu nại của Hồng Phát bao lâu nữa mới có kết quả giải quyết theo luật định?
Hai, việc xử lý 13 sổ đỏ của Hồng Phát đã được Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ và có Văn bản số 123/BC-BTP ngày 04/6/2018 kết luận rất rõ từng nội dung cũng như hướng giải quyết cụ thể. Văn bản này đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý thể hiện tại Văn bản số 8248/ VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ. Nay Thứ trưởng Oanh còn cho kiểm tra, xác minh điều gì nữa?
Ba, thiệt hại nghiêm trọng gây ra cho doanh nghiệp từ việc “ngâm” quá lâu không giải quyết, Bộ Tư pháp có chịu trách nhiệm hay không?
Ngoài ra, thông tin rất bất ngờ mà Báo Người cao tuổi vừa nhận được: Chính lãnh đạo Bộ Tư pháp đã yêu cầu Tổng cục THADS chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018? Báo Người cao tuổi và công luận đang chờ phản hồi chính thức từ Thứ trưởng Oanh và lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Theo dõi vụ tranh chấp, nhiều chuyên gia pháp lý lên tiếng cảnh báo: Vụ tranh chấp giữa CPL và Công ty Hồng Phát đã được giải quyết bằng Phán quyết Trọng tài và đang thi hành án. Thế nhưng thời gian qua, nhiều cơ quan ban ngành từ Trung ương đến tỉnh Long An có động thái can thiệp quá sâu vào quan hệ tranh chấp giữa hai bên.
Cách đây hơn 10 năm, UBND tỉnh Long An đã từng can thiệp trái pháp luật vào một vụ tranh chấp doanh nghiệp (giữa Công ty LICO và các nhà đầu tư thứ cấp), hậu quả kéo dài đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Tại cuộc họp ngày 13/11/2019, Tiến sĩ, luật sư Phan Trung Hoài đã lên tiếng cảnh báo việc can thiệp trái pháp luật vào tranh chấp doanh nghiệp …
Link bài viết gốc trên Ngày Mới Online: https://ngaymoionline.com.vn/viet-tiep-bai-vu-tranh-chap-du-an-khu-dan-cu-cao-cap-va-truong-dua-ngua-500ha-o-long-an-canh-bao-viec-can-thiep-trai-phap-luat-vao-tranh-chap-doanh-nghiep-13845.html