Thủ tướng đồng ý cho phép thành lập doanh nghiệp thu phí không dừng lại giai đoạn 2 (BOO2)

17/03/2020 03:01

(49)


Thủ tướng cũng đã nghe trình bày báo cáo rất cụ thể những nguyên nhân khách quan, chủ quan về việc chậm hoàn thành Dự án, nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành, và các NĐT, qua đó Thủ tướng cũng đã nghiêm khắc phê bình, chỉ rõ những hạn chế đồng thời cũng rất chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị trong đó có Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).

Chính vì vậy, Thủ tướng mới đã có chỉ đạo đồng thuận những kiến nghị để đẩy nhanh thực hiện Dự án. Theo đó, Thủ tướng thống nhất chủ trương cho phép Viettel được tham gia góp vốn thành lập Doanh nghiệp dự án triển khai Dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2).

Giai đoạn 1 đã lắp đặt và vận hành 40/44 trạm thu phí

Việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng với mục đích khắc phục, hạn chế bất cập của hình thức thu phí một dừng (như tăng cường tốc độ lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân), hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí.

Ngày 27/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện, trong đó giao Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) lập, phê duyệt dự án đầu tư thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ điện tử tự động không dừng và tổ chức lựa chọn đơn vị độc lập tổ chức thu phí.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đã lập, phê duyệt dự án và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo quy định. Công nghệ được lựa chọn là công nghệ RFID, đây là công nghệ được áp dụng nhiều tại một số nước Châu Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, có chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện giao thông cũng như thói quen và hành vi của người tham gia giao thông tại Việt Nam.

Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm 2 giai đoạn (02 dự án) bao gồm: Dự án giai đoạn 1 (áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên); Dự án giai đoạn 2 (áp dụng cho các trạm còn lại trên toàn quốc). Trước mắt, trong thời gian đầu khi dự án đưa vào khai thác, để hình thành thói quen cho người dân sử dụng dịch vụ, tại mỗi trạm thu phí sẽ vận hành 01 làn thu phí hỗn hợp mỗi hướng để cho các phương tiện chưa dán thẻ có thể lưu thông.

Dự án giai đoạn 1 (BOO1): Tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án này do Công ty VETC triển khai thực hiện. Đến nay đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm thu phí. Còn 04 trạm trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý chưa thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị trại trạm (do Hiệp định vay vốn hết hạn, việc chuyển VEC về UBQLVNN cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tại các dự án do VEC quản lý).

Chọn Viettel xây dựng giai đoạn 2 gồm 33 trạm thu phí

Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2) được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 505/QĐ-BGTVT ngày 15/3/2018. Dự án gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi và đã lựa chọn Liên danh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án; tuy nhiên hiện nay Liên danh Nhà đầu tư chưa thành lập được Doanh nghiệp dự án.

Tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đến thời điểm này có 06/19 trạm trên các tuyến quốc lộ và cao tốc do địa phương là CQNNCTQ đã đầu tư, kết nối với hệ thống thu phí không dừng do Bộ GTVT đang triển khai, 06 trạm đã đồng thuận tham gia kết nối với dự án BOO2 để triển khai ngay khi dự án BOO2 thự hiện đầu tư, 07 trạm khác địa phương đang tự tổ chức thực hiện.

Hiện nay, ngoài vướng mắc nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm thuộc các dự án do VEC quản lý để hoàn thành dự án BOO1, thì vướng mắc lớn nhất đối với dự án BOO2 là việc thành lập Doanh nghiệp dự án của Liên doanh nhà đầu tư. Theo quy định tại Điều 38, Nghị định 63/2018/NĐ-CP, sau khi quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp dự án (DNDA) để thực hiện. Tuy nhiên, theo quyết định tái cơ cấu Viettel được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QĐ số 18/QĐ-TTg ngày 03/3/2018) không có doanh nghiệp thực hiện dự án thu phí tự động không dừng nên cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép Viettel được góp vốn thành lập DNDA để triển khai dự án.

Do dự án thu phí không dừng là một dự án cấp bách, cần triển khai thực hiện, nên trong suốt thời gian qua, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng đã rất khẩn trương, đôn đốc các cơ quan đơn vị, các Nhà đầu tư tiến hành đàm phán thống nhất tỷ lệ góp vốn để đảm bảo cơ sở thành lập DNDA.

Đến ngày 13/3/2020, liên doanh nhà đầu tư đã có biên bản thống nhất tỷ lệ Viettel nắm giữ 86%, các nhà đầu tư còn lại nắm giữ 14%. Đồng thời, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông đã nhiều lần có văn bản, báo cáo đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép Viettel được góp vốn thành lập DNDA để triển khai dự án. Đến ngày 17/3/2020 tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương cho phép Viettel được tham gia góp vốn thành lập DNDA để tạo cơ sở pháp lý vững chắc để sớm thực hiện dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu dự án thu phí không dừng phải hoàn thành trong năm 2020, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, các chủ phương tiện đồng thuận về tính hiệu quả của việc triển khai thu phí tự động không dừng và ủng hộ, tự giác dán thẻ etag sử dụng dịch vụ. Thủ tướng giao PTTg Trịnh Đình Dũng chỉ đạo sát sao các công việc nêu trên, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo phải gấp rút sửa đổi Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tính chặt chẽ và phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay làm cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện Dự án.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP – Bộ GTVT cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, thời gian qua, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Viettel và các Nhà đầu tư khác của Dự án BOO2 đã tích cực đàm phán để Viettel nắm giữ tỷ lệ chi phối nhằm có cơ sở thành lập DNDA thực hiện Dự án BOO2. Trên cơ sở thống nhất của các NĐT, đến nay Viettel đã thống nhất nắm giữ tỷ lệ 86% trong DNDA. Ngày 16/3/2020, tại cuộc họp Thường trực CP, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các NĐT đã đạt được sự thống nhất và đã đồng ý chủ trương Viettel được tham gia dự án sau khi Viettel nắm giữ tỷ lệ chi phối. Việc Viettel là một trong những DN công nghệ hàng đầu tại nước ta nên việc hoàn thành dự án thu phí không dừng trong năm 2020 là hoàn toàn có cơ sở, đáp ứng nhu cầu của xã hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Quốc hội”.

Đọc thêm

lên đầu trang