Thành phố thông minh: Những ước mong và hiến kế từ người trẻ

31/01/2020 11:25

(55)


“Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh không còn là khát vọng, mà là một sự thật ở tương lai gần” – đó là chia sẻ của những bạn trẻ đang làm việc, học tập ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Trần Thùy Trân trong 1 lần tham gia hoạt động xã hội của trường

Thành phố thông minh đang đến rất gần

Để TP.Hồ Chí Minh chuyển từ đô thị truyền thống sang đô thị thông minh cần có sự chung tay, đồng lòng của chính quyền, lãnh đạo và nhân dân thành phố.

Nông Văn Phước – sinh viên trường Đại học Kinh tế tài chính TP.Hồ Chí Minh (UEF), chủ dự án bao bì tự phân hủy từ tinh bột khoai tây, sản phẩm vừa lọt top cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – CIC 2019” do ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minhtổ chức – cho hay, sự tập trung dân số lớn tại TP.Hồ Chí Minh đã tạo ra nhiều thách thức trong việc giải quyết những vấn đề quá tải về cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông, năng lượng, an ninh, y tế, giáo dục… Vì thế, việc chuyển đổi từ đô thị truyền thống sang đô thị thông minh là một nhu cầu tất yếu và khả thi nhờ sự giúp đỡ của công nghệ số, Internet, công nghệ di động.

Ở góc nhìn của một cán bộ đoàn trẻ năng động, Nguyễn Trần Thuỳ Trân – Bí thư Đoàn khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn-Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh – đồng tình rằng, TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh không còn là khát vọng nữa mà là một sự thật ở tương lai gần. Thùy Trân nhận thấy, TP.Hồ Chí Minh đang có nhiều chuyển biến tích cực trong sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đó là việc lắp đặt camera an ninh ở các khu dân cư, sắp tới thí điểm xây dựng hệ thống camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp tự động phát hiện các phương tiện vi phạm giao thông,…

Nông Văn Phước trong một cuộc thi về khởi nghiệp, sáng tạo.

Th.S Thiều Quang Thịnh – giáo viên trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh) – chia sẻ: “Đô thị thông minh đang là xu thế phát triển của các nước trên thế giới. TP.Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển thành đô thị thông minh là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Và chắc chắn đây cũng là khát vọng chung của đa số người dân thành phố”.

Khi được hỏi về mơ ước cho một thành phố thông minh trong tương lai gần, các bạn trẻ có chung hy vọng, tình trạng kẹt xe, ô nhiễm sẽ không còn, chất lượng sống của người dân được tăng cao, xứng đáng là một đô thị hạnh phúc để người dân thụ hưởng những tiện ích.

Th.S Thiều Quang Thịnh mong, thành phố thông minh thật sự sẽ mang đến những giá trị hạnh phúc cho người dân. Bên cạnh hiện đại, đô thị thông minh cũng phải trở thành một “đô thị an toàn” để khi bước ra đường người dân sẽ không phải hít thở không khí ô nhiễm bởi rác thải, khói bụi. Mà thay vào đó là sự trong lành với những hàng cây xanh mướt được tưới bằng hệ thống tự động. Sẽ không còn những cảnh tắc đường hàng giờ hoặc tai nạn giao thông vì đã có hệ thống giao thông tự động, điều tiết được lưu lượng và đưa ra những cảnh báo phù hợp cho mỗi người. Sẽ không có cảnh chen lấn, xô đẩy, cướp giật ở các nơi công cộng nhờ có hệ thống camera giám sát…

Bắt đầu từ những việc nhỏ có ích

Việc chuyển đổi thành thành phố thông minh không thể “ngày một ngày hai” mà cần thời gian dài và nhờ sự giúp sức của cả những người trẻ.

Nông Văn Phước đề xuất: “Từ những việc nhỏ nhất, người trẻ có thể góp phần xây dựng thành phố thông minh như: Tuân thủ luật lệ giao thông, không xả rác, tích cực học tập, nghiên cứu, đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo góp phần giải quyết những vấn đề của xã hội”.

Đồng quan điểm với Nông Văn Phước, Thùy Trân quan niệm, nếu cơ sở vật chất đã đủ hiện đại thì cần có những công dân thông minh để làm chủ. Để đón nhận, chung sống hòa nhập trong thời đại mới, những người trẻ cần có những thói quen tích cực.

“Một thói quen rất nhỏ như là mang theo ly nước, ống hút tre để sử dụng nhằm hạn chế rác thải nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định nên được hình thành ở mỗi người trẻ và dần truyền thói quen tích cực đó đến bạn bè, những người xung quanh. Ngoài ý thức tốt, kiến thức giỏi cũng rất quan trọng. Các bạn trẻ giỏi có thể tham gia nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra sáng kiến cải thiện vấn đề xấu nào đó của xã hội. Tôi luôn cố gắng thực hiện những việc có ích dù là nhỏ nhất. Tôi cũng đang phấn đấu học tập tốt, ấp ủ một dự án nghiên cứu nho nhỏ với hy vọng sáng tạo được một điều gì đó có ích cho xã hội” – Nguyễn Trần Thùy Trân bày tỏ.

Th.s Thiều Quang Thịnh

Th.S Thiều Quang Thịnh cho rằng, năng lực giao tiếp tốt, tư duy cởi mở, kỹ năng làm việc hiệu quả, khả năng tiếp cận và sở hữu công nghệ nhanh chóng đó chính là những hành trang nên có của người trẻ góp phần vào việc xây dựng thành phố thông minh. Từ những “giá trị nhỏ bé như dừng đúng vạch đèn giao thông; phân loại và bỏ rác đúng nơi chốn… đến những “giá trị quan trọng” khi sống trong môi trường nền tảng số đó là hợp tác và tương tác với nhau; đề xuất các sáng kiến với chính quyền thông qua các kênh thông tin; tích cực trong các hoạt động cộng đồng đều rất quan trọng mà mỗi người trẻ phải học tập hằng ngày, hằng giờ.

Theo Lao Động

Đọc thêm

lên đầu trang