Mới đây, cộng đồng mạng “dậy sóng” bởi bức thư của học sinh Nguyễn Nguyệt Linh – lớp 5 Trường Marie Curie (Hà Nội). Bức thư được gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội nhằm kêu gọi ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng. Những trăn trở của em cũng là lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa của thế hệ trẻ trong việc ngăn mối nguy hiểm từ rác thải nhựa đến môi trường sống.
“Trường mình đừng thả bóng bay được không?”
Nguyệt Linh là em học sinh đã từng dự thi chương trình mang tên Green Leader với bài viết “Trẻ em nói không với rác thải nhựa”. Trong bức thư lần này gửi đến hiệu trưởng của hơn 40 trường học tại Hà Nội, em cho biết rằng mình đã tìm hiểu và biết các loại bóng bay làm từ nilon, nhựa. Đây là những vật có thể khiến các chú chim hoặc các động vật biển như rùa biển bị chết khi nuốt phải, hoặc bị tắc nghẽn đường ruột và chết đói…
Do đó Nguyệt Linh đề xuất với hiệu trưởng rằng: “Trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng, hoặc hạn chế số lượng bóng bay được không ạ?”.
Trong bức tâm thư, Nguyệt Linh cũng cho biết: “Thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm tới các vấn đề liên quan đến môi trường” và “mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô”.
Được biết, lá thư đã làm lãnh đạo nhà trường bất ngờ và xúc động, đồng thời khen ngợi về ý nghĩa sâu sắc của nội dung thư. Nội dung bức thư cũng được cư dân mạng đồng tình, chia sẻ.
Phúc đáp lại bức thư của học sinh Nguyệt Linh, lãnh đạo trường THCS nơi em học cho biết sẽ thực hiện nguyện vọng này và hy vọng hành động này cũng sẽ lan tỏa đến nhiều trường học khác .
Hành động “nhỏ mà không nhỏ” của Nguyệt Linh có thể nói là một trong những nỗ lực của thế hệ trẻ trong việc góp phần ngăn chặn mối nguy từ rác thải nhựa – vốn là những thách thức của toàn cầu vào thời điểm hiện nay. Rác thải nhựa có nguồn gốc 80% từ đất liền, xuất phát từ việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa, nilon, và dĩ nhiên bao gồm cả bóng bay. Do đó, nỗi lo lắng của học sinh Nguyệt Linh trước thềm năm học mới 2019-2010 hoàn toàn có cơ sở!
Bóng bay không lung linh như ta nhìn thấy!
Bóng bay cao su được Michael Faraday phát minh vào năm 1824. Bóng bay ngày nay được làm từ các vật liệu như cao su tự nhiên, latex, polychloroprene hoặc vải nylon, được bơm khí heli hoặc hydro (nhẹ hơn không khí) giúp bay được lên cao.
Nhờ có nhiều màu sắc bắt mắt, bóng bay thường được dùng thả lên trời trong các ngày lễ, hội… Khi lên đến một độ cao nhất định, quả bóng sẽ bị vỡ và rơi xuống đất, và từ đây chúng bắt đầu gây ô nhiễm môi trường.
Các động vật ở trên cạn và dưới nước tưởng nhầm xác bóng bay là thức ăn và ăn chúng, dẫn đến bít tắc đường thở, hoặc gây khó khăn cho việc di chuyển. Ngoài ra, việc thả bóng bay có thể gây mất an toàn với ngành hàng không, hoặc vướng đường dây điện có thể gây chập điện, cháy nổ…
Theo trang Earth, hiện nay, nhiều thành phố, tiểu bang của Mỹ đã cấm bóng bay vì lo ngại tác động xấu của chúng tới môi trường. Tiểu bang Massachusetts cấm bóng bay trong mọi hoạt động và sự kiện; California, Connecticut, Tennessee, Virginia đã cấm thả số lượng lớn bóng bay lên trời. Nhiều người cũng cho rằng, bóng bay thực chất là một loại rác mà chúng ta vẫn vô tư thải ra môi trường.
Bóng bay cao su không chỉ phải tác động tới môi trường khi chúng bị phân hủy, mà cả khi chúng được tạo ra. Việc sản xuất latex đã tạo ra các khí nhà kính khác, như CO2, CH4, N2O.
Theo SGGP