Siêu dự án 4.935 tỷ của CPL bị tỉnh Long An… “bắt bài” (!)

14/11/2019 04:23

(68)


Đến thời điểm này, Công ty China Policy Limited (gọi tắt CPL) công ty mới làm thủ tục xin đăng ký lập dự án “Saigon Beverly Hills” (gọi tắt SBH) nhưng không được chấp thuận vì trái luật, thể hiện tại văn bản số 76/BB-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký ngày 24-10- 2019. Vậy mà hơn 12 năm trước, CPL đã tung lên sàn chứng khoán Hồng Kông, “nổ” ầm ầm là chủ sở hữu dự án “SBH”, để bịp các cổ đông và nhà đầu tư, bỏ túi hàng chục triệu USD…
KHI CPL KỂ… “CÔNG”(!)

Ngày 22-8-2019, CPL nộp hồ sơ tại tỉnh Long An, xin chủ trương, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án “SBH”, quy mô 130ha tại huyện Đức Hòa. Phần đất này được cắt ra từ dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa với 232,66ha, do Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty HP) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh cấp 13 quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

CPL muốn “chia” đất để làm chủ đầu tư riêng dự án “SBH”, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.935 tỷ đồng; triển khai từ năm 2020, đưa vào khai thác năm 2029.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An xác định Công ty CP Địa ốc Hồng Phát là chủ đầu tư duy nhất của dự án và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Chủ tịch UBND tỉnh Long An xác định Công ty CP Địa ốc Hồng Phát là chủ đầu tư duy nhất của dự án và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Trước đó, ngày 15-8-2019, Tổng giám đốc (TGĐ) CPL Tong Kwok Lun, ký văn bản “giải trình” gửi Chính phủ, cùng các bộ, ngành liên quan, trình bày: Ngày 1-6-2007, Công ty HP và CPL ký “thỏa thuận khung”, hợp tác lập công ty liên doanh để thực hiện dự án Khu đô thị cao cấp và trường đua ngựa, trong đó CPL góp 70% tiền mặt, HP góp 30% bằng quyền sử dụng đất. CPL đã “tạm ứng” 15,6 triệu USD (tương đương 344 tỷ đồng) chi phí cho việc hỗ trợ, bồi thường đất…

Ông Tong cho rằng, CPL “thiện chí” thực hiện “thỏa thuận khung”, còn HP từ chối thực hiện nghĩa vụ, đưa ra yêu cầu vô căn cứ rồi đơn phương chấm dứt hợp tác. Mâu thuẫn giữa CPL và HP kéo dài, không thể tháo gỡ; việc lập công ty liên doanh không còn khả thi nên “chia” đất là “giải pháp duy nhất” để giải quyết dứt điểm tranh chấp. Việc “chia” đất là “hợp tình hợp lý” bởi toàn bộ 232,66ha được hình thành từ tiền đóng góp của CPL. Đề xuất “chia” 130ha là quá ít so với “công sức” của CPL nhưng vì hài hòa lợi ích các bên, CPL chấp nhận chịu “thiệt thòi” (?!)…

Trước việc CPL bất ngờ đòi “chia” đất, nhiều chuyên gia pháp lý đã lên tiếng. Tiến sĩ, luật sư Phan Trung Hoài (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) khẳng định: Công ty HP là chủ đầu tư duy nhất của dự án, không có căn cứ pháp lý để “chia” đất cho CPL triển khai dự án riêng.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng, nêu quan điểm: Chính CPL khởi kiện tranh chấp, đã được giải quyết bằng thủ tục trọng tài. Phán quyết trọng tài (PQTT) ngày 25-4-2013, yêu cầu hai bên thỏa thuận, tiến tới lập liên doanh, đang được Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An thi hành. Việc CPL quay sang đề nghị cơ quan hành pháp giải quyết tranh chấp theo hướng “chia” đất bằng thủ tục hành chính là trái pháp luật.

Phó trưởng Ban Dân nguyện cho biết, đã chuyển kiến nghị của Công ty HP đến Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, ông Hoài cũng gửi kiến nghị đến Chính phủ.

Ngày 30-8-2019, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có văn bản, truyền ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nội dung: Bộ Tư pháp có văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đối với các nội dung phản ánh của Công ty HP. UBND tỉnh Long An chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, xử lý kiến nghị của CPL theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 11-2019.

CPL tung “Saigon Beverly Hills” lên sàn chứng khoán Hồng Kông năm 2007.
CPL tung “Saigon Beverly Hills” lên sàn chứng khoán Hồng Kông năm 2007.

KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH LONG AN

Ngày 24-10-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần ký văn bản số 76/ BB-UBND, xác định: Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ngày 11-10-2019, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp, tham dự có đại diện VPCP, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Tổng cục THADS; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Long An (Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban pháp chế HĐND tỉnh, Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát, Sở KHĐT, Cục THADS tỉnh)…

Tại cuộc họp, đại diện CPL cho rằng Công ty HP không có thiện chí thực hiện PQTT nên việc tách dự án là hợp lý. CPL đề nghị tiếp tục ngăn chặn, phong tỏa toàn bộ 232,66ha đất và yêu cầu HP chấm dứt việc tự phát triển dự án trên phần đất này, đồng thời thu hồi 13 sổ đỏ đã cấp cho HP.

Đại diện Công ty HP nêu ý kiến: Thời gian qua, HP luôn nghiêm túc triển khai dự án và cố gắng tìm biện pháp thỏa thuận để lập liên doanh theo PQTT nhưng chưa thực hiện được do hai bên còn nhiều mâu thuẫn. HP không đồng ý chia tách dự án, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để HP tiếp tục thực hiện dự án…

Nhiều thành viên dự họp phát biểu, trong đó, Phó GĐ Công an tỉnh Văn Công Minh nêu quan điểm: “Việc chia tách dự án là không hợp lý”. Còn Phó GĐ Sở KHĐT tỉnh Nguyễn Anh Việt khẳng định: “Không thể tách dự án vì đất đã cấp cho HP”…

Sau khi đại diện các cơ quan trung ương và địa phương có ý kiến, Chủ tịch Trần Văn Cần, kết luận:

Thứ nhất, đề nghị Công ty HP và CPL tiếp tục thỏa thuận thực hiện PQTT (25-4- 2013). Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận để lập công ty liên doanh thì UBND tỉnh sẽ báo cáo Phó thủ tướng Thường trực để chỉ đạo. Thứ hai, việc CPL yêu cầu HP ngưng triển khai thực hiện dự án là không có căn cứ pháp lý. Hiện nay, UBND tỉnh đang yêu cầu HP đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy định pháp luật. Thứ ba, liên quan đến việc CPL đề nghị được tách 130ha đất, theo báo cáo của Sở KHĐT tại văn bản 541/BC-SKHĐT ngày 10-10-2019, về mặt pháp lý, HP là chủ đầu tư dự án. Nếu hai bên thỏa thuận đồng ý với đề nghị của CPL thì UBND tỉnh sẽ ủng hộ trên cơ sở quy định của pháp luật.

Theo Sở KHĐT tỉnh Long An, không thể quyết định chủ trương đầu tư dự án “SBH” do CPL không đáp ứng được 3 điều kiện. Cụ thể: 130ha đất mà CPL đề nghị nằm trong dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa do Công ty HP là chủ đầu tư theo chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Long An cấp. Phần đất trên còn liên quan đến PQTT đang được thi hành. Việc CPL đề nghị là “trùng lắp dự án” và không đảm bảo cho việc thi hành theo PQTT.

Về tài chính: Hồ sơ CPL đã nộp chưa chứng minh được năng lực tài chính thực hiện dự án. Về tiến độ: CPL triển khai từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2029 là quá dài.

Một góc dự án
Một góc dự án

KHÔNG THỂ THAY ĐEN, ĐỔI TRẮNG (!)

Trao đổi với phóng viên Báo CATP chiều 12-11-2019, đại diện HP lên tiếng: Với kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Long An, dự án “SBH” không hề tồn tại ở Việt Nam. Điều này càng lộ rõ dấu hiệu lừa đảo của CPL từ hơn 12 năm trước khi CPL qua công ty mẹ Chuang’s đưa “SBH” với 273ha đất lên sàn chứng khoán Hồng Kông ngày 21-6-2007. Nhiều nhà đầu tư tin tưởng Chuang’s có dự án bất động sản “khủng” ở Việt Nam nên bỏ tiền đầu tư dẫn đến cổ phiếu tăng giá mạnh. CPL và Chuang’s đã trục lợi lớn từ dự án “ma”.

Không chỉ lừa cổ đông, hơn 10 năm tranh chấp, CPL luôn có nhiều “chiêu trò”, thủ đoạn nhất là việc vu cáo chủ đầu tư chiếm đoạt 15,6 triệu USD. CPL muốn đẩy Chủ tịch HĐQT Công ty HP vào vòng lao lý nhưng bất thành. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ và kết luận ngày 1-4-2010: HP không hề chiếm đoạt mà sử dụng tiền đầu tư dự án.

Theo “thỏa thuận khung”, tổng vốn đầu tư cho dự án giai đoạn I là 140 triệu USD, CPL góp 70% bằng tiền mặt (tức 98 triệu USD). Thế nhưng, sau khi “tạm ứng” 15,6 triệu USD, CPL bỏ rơi chủ đầu tư từ năm 2008 đến nay.

CPL biết rõ 15,6 triệu USD chỉ là chi phí bồi thường về đất, để dự án phát triển, HP phải tập trung mọi nguồn lực, thực hiện một loạt công việc (thiết kế, san lắp mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, ký quỹ…) với số tiền đầu tư đã hơn 1.000 tỷ đồng. Căn cứ “thỏa thuận khung”, tất cả các khoản chi cho dự án, CPL phải chịu nhưng “chạy làng”. Nay, CPL quay lại, tự cho rằng mình “có thiện chí”, nên đòi “chia” 130ha đất, lu loa “chịu thiệt” (?!).

Tại thời điểm năm 2007 – 2008, số tiền 15,6 triệu USD quy đổi chưa tới 250 tỷ đồng Việt Nam nhưng CPL “hô biến” thành 344 tỷ đồng, “nổ” thêm 94 tỷ (?!) Dù 250 hay 344 tỷ cũng thấp hơn nhiều so với số tiền HP đã đầu tư. Và thực tế, CPL đã chuyển trái phép khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD vào Việt Nam.

“Những vấn đề “nóng” liên quan đến CPL và dự án nhất định sẽ được các cơ quan chức năng sớm làm rõ, xử lý. Với tư cách chủ đầu tư, chúng tôi mong CPL luôn tôn trọng sự thật và tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”, đại diện HP bày tỏ…

Văn Cương/Báo Công An

Đọc thêm

lên đầu trang